Anh em sinh ba cùng đỗ một trường quân đội

Nguyễn Hà
Ba anh em ở huyện Thanh Chương (Nghệ An) cùng đỗ vào trường quân đội với điểm số khá cao. Trong đó, một người xếp thứ 9 danh sách trúng tuyển của trường.

Nhiều ngày nay, căn nhà cũ của chú Nguyễn Doãn Dũng (47 tuổi, ở Khối 2 Thị trấn Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) dường như chật hơn bởi có nhiều bạn bè, người thân đến chia vui cùng gia đình.

Ba con trai của chú Dũng cùng đỗ vào trường Sĩ quan Thông tin với số điểm khá cao trong kỳ thi THPT quốc gia 2017.

Bố sinh đôi, con sinh ba
Hơn 18 năm trước, vùng quê nghèo ở huyện miền núi Thanh Chương xôn xao chuyện cô Thái Thị Tân sinh ba. Nguyễn Doãn Mạnh, Nguyễn Doãn Trọng và Nguyễn Doãn Vinh cùng ra đời ngày 11/1/1999.

Họ ngạc nhiên bởi chú Dũng, bố của anh em sinh ba, cũng có người anh sinh đôi. Nhiều người đến chia vui cùng đôi vợ chồng nông dân. Họ bảo câu chuyện của chú Dũng cô Tân là hiếm hoi ở huyện.

Ba anh em Trọng (áo xanh), Vinh (giữa) và Mạnh cùng đỗ vào một trường quân đội. 

Cô Tân kể khi mang thai tháng thứ sáu, siêu âm biết mình mang tam thai. Lúc đó, người phụ nữ vừa mừng vừa lo. Ngày 24 Tết Nguyên đán năm đó, chú Dũng đưa chị đến bệnh viện tỉnh để theo dõi, sinh nở.

“Người ta sinh một con đã vất vả, mình lần đầu tiên sinh ba và cũng là trường hợp hiếm hoi nên vợ chồng đều lo lắng”, mẹ của 3 nam sinh nhớ lại. Hơn 2 tuần sau, người phụ nữ này sinh ba con trai.

Thời điểm đó, gia đình chú Dũng thuộc diện nghèo. Trước khi "bộ ba" ra đời, cô Tân đã có một con gái sinh năm 1995. Nhớ lại lúc đó, cô kể vợ chồng làm đơn xin chính quyền hỗ trợ hoàn cảnh khó khăn.

“Sau khi nhận đơn, đại diện UBND trả lời chưa có quy định về chính sách cho phụ nữ sinh ba như mình”, cô Tân nói và cho biết thêm, lúc trở về nhà, vợ chồng động viên nhau sẽ cố gắng để nuôi 4 con trưởng thành.

Gần 20 năm nuôi các con ăn học, vợ chồng chú Dũng có lúc phải chạy ăn từng bữa. Đến nay, thu nhập của gia đình chủ yếu dựa vào việc chú chạy xe chở khách và cô Tân buôn bán.

Bươn chải kiếm sống nuôi 6 người trong gia đình, năm nay 41 tuổi, cô Tân mắc chứng bệnh về tuyến giáp khiến 2 mắt sưng phồng. Cô bảo hàng tháng, tiền thuốc điều trị bệnh lên đến hàng triệu đồng.

“Vợ chồng làm lụng vất vả nhưng vẫn không đủ trang trải nên để 4 con được học hành đầy đủ, gia đình đã phải vay mượn thêm”, cô chia sẻ.

Nhiều hàng xóm của gia đình cho biết từ nhỏ, Mạnh, Trọng và Vinh đều chăm ngoan và học giỏi. Ba anh em thay nhau làm việc nhà, làm ruộng trong khi bố mẹ bươn chải kiếm tiền.

Cùng vào trường quân đội


Kỳ thi THPT quốc gia 2017, Mạnh, Trọng và Vinh đều thi khối A và cùng đăng ký xét tuyển vào trường Sĩ quan Thông tin.

Vinh bảo 3 anh em mong muốn được học chung một trường để giúp đỡ nhau khi xa nhà. Ngoài ra, đăng ký vào trường quân đội sẽ giảm được chi phí ăn học và không lo lắng đầu ra.

Ngày xem điểm thi, 3 nam sinh vỡ òa khi biết họ cùng được số điểm khá cao. Mạnh có tổng điểm là 24,6 (Toán 8,6; Lý 8,25; Hóa 7,75), Trọng đạt 26,95 điểm (Toán 9,2; Lý 8,5; Hóa 9,25), trong khi điểm của Vinh là 27,45 (Toán 9,2; Lý 8,75; Hóa 9,5). Điểm chuẩn của trường Sĩ quan Thông tin là 24,5.

“Hôm trường công bố danh sách thí sinh trúng tuyển, mình thấy cả 3 anh em đều có tên trong danh sách trúng tuyển khi chưa cần cộng điểm vùng. Trong đó, mình xếp thứ 9, anh Trọng đứng thứ 13”, Vinh vui mừng chia sẻ.

Theo vợ chồng chú Dũng, trước khi làm hồ sơ dự thi, cô chú đã tâm sự với 3 con trai về việc chọn trường.

Chú bảo gia đình không có điều kiện về kinh tế, con gái lớn đang học trường Y năm thứ 5 nên 3 anh em cố gắng ôn luyện, chọn trường quân đội để đỡ một phần chi phí. Con chọn trường dân sự, dù có đỗ cũng không đủ khả năng kinh tế.

Quá trình ôn thi, do khó khăn, các nam sinh chủ yếu ôn luyện tập tại nhà, giúp đỡ nhau tự học. Để có thêm kiến thức khối A, 3 anh em đến một trung tâm luyện thi học thêm. Biết hoàn cảnh của 3 bạn, giáo viên ở trung tâm đã giảm một nửa học phí để "bộ ba"có điều kiện tham gia lớp.

“Chúng mình đều hiểu tâm tư nguyện vọng của bố mẹ, hoàn cảnh khó khăn của gia đình nên hàng ngày, 3 anh em động viên nhau học tập. Các thầy cô cũng giúp đỡ rất nhiều”, Mạnh và Vinh kể.

Góc học tập nơi 3 anh em cùng ngồi học chung trên chiếc bàn gỗ giản dị.

Theo Zing

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Anh em sinh ba cùng đỗ một trường quân đội tại chuyên mục Gương Mặt của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Cậu bé đa tài

“Cậu bé đa tài” hay “anh bạn nhỏ thông thái” là những lời nhận xét của thầy cô và ...

Bài Gương Mặt khác

Môi trường để bạn trẻ rèn luyện, cống hiến, trưởng thành

Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu (GMTVNTB) Đặng Cát Tiên và Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2023 Lê Văn Phúc đã có những chia sẻ đầy cảm xúc về hành trình phấn đấu vươn lên, cống hiến, đặc biệt là sự đồng hành của tổ chức Đoàn, Hội, Đội giúp các bạn trở thành những tấm gương truyền cảm hứng như ngày hôm nay.

Ước mơ trở thành nhà Toán học

Ghé thăm lớp 5A7, trường Tiểu học Thanh Xuân Nam (quận Thanh Xuân, Hà Nội), nếu bạn ngỏ ý muốn gặp “cây Toán” của lớp, hẳn là các bạn trong lớp sẽ vui vẻ giới thiệu ngay cậu bạn Nguyễn Hoàng Việt – người sở hữu một loạt thành tích ấn tượng cấp Quốc gia, Quốc tế với bộ môn thú vị này

Đỗ Hà My - cô gái tài năng

Thích học Toán, mê tiếng Anh, nghiền khoa học, có tài lẻ về khiêu vũ thể thao, vẽ tranh và có chiều cao vượt trội… là những điều mà mọi người luôn ấn tượng khi nhắc tới cô bạn Đỗ Hà My (lớp 6CI1, trường liên cấp Nguyễn Siêu, Hà Nội).

"Thầy Tổng" đa tài và tâm huyết

Gắn bó với phong trào, công tác Đội trong nhiều năm, thầy Đinh Công Thành (trường Tiểu học Trung Yên, quận Cầu Giấy, Hà Nội) luôn dành nhiều tâm huyết, sáng tạo để có những cách làm đổi mới, phù hợp với các bạn thiếu nhi, học sinh.