Xây dựng cho học sinh ý thức tự học, đào sâu suy nghĩ
Chương trình giáo dục phổ thông mới, được ban hành theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT, đã mang đến nhiều thay đổi quan trọng trong hệ thống giáo dục Việt Nam. Một trong những điểm nổi bật của chương trình này là việc sử dụng sách giáo khoa mới, nhằm phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh một cách toàn diện
Tính đến thời điểm này, SGK mới theo Chương trình GDPT năm 2018 đã được dạy ở tất cả các bậc học phổ thông. Trong đó có những học sinh đã học ở SGK cũ và mới. Từ đó, đánh giá được những khác biệt so với phương pháp học cũ.
Nhiều học sinh cho biết, sách giáo khoa mới giúp các bạn hứng thú hơn với việc học nhờ vào các bài học thực tế và các hoạt động trải nghiệm. Từ đó có những sự thay đổi tích cực trong cách học, các bạn trở nên tự tin và chủ động hơn trong việc tìm hiểu và giải quyết vấn đề
Nguyễn Quang Anh, học sinh lớp 10 Văn 3, trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã từng học cả 2 bộ SGK 2006 và 2018 chia sẻ: "Bộ SGK được soạn thảo theo Chương trình GDPT mới năm 2018 có nhiều điểm mới về quan điểm giáo dục; về nội dung, thời lượng bài học,... Song theo em điểm khác biệt lớn nhất là sự chú tâm hơn vào việc phát triển năng lực của người học. Từ đó giúp chúng em vận dụng hiệu quả kiến thức, kĩ năng đã học vào đời sống và tự học suốt đời, có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, biết xây dựng và phát triển hài hoà các mối quan hệ xã hội, có cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú".
Quang Anh nhận định, vai trò của SGK cũng có sự khác biệt lớn đây là một nguồn học liệu có tính định hướng thay vì trở thành nguồn kiến thức duy nhất quyết định phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá năng lực học sinh. Một thực trạng mới đã được xác lập, học sinh dù học rất kĩ những kiến thức trong sách giáo khoa vẫn có thể gặp khó khăn trong việc xử lí đề thi nếu không có ý thức tìm tòi, suy nghĩ sâu và hiểu bản chất của bài học.
Đồng quan điểm, bạn Cao Thu Ngân (lớp 9A4, trường THCS Phạm Huy Quang, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) chia sẻ: "Em rất thích môn Ngữ văn, có nguồn học liệu và phương pháp tiếp cận mở. Từ đó, học sinh có những hiểu biết phong phú về nội dung và hình thức các loại văn bản. Ngoài ra, đề kiểm tra không sử dụng các văn bản trong SGK làm ngữ liệu, học sinh phải biết vận dụng tri thức thể loại và các kĩ năng để làm bài, như vậy sẽ tránh được việc học vẹt, học tủ và làm bài theo lối mòn đọc chép, trình bày lại".
Cùng trường với Thu Ngân, Hoàng Đức Quân (lớp 9A4) thông tin, hiện đang học cả 2 bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống và Cánh Diều, em nhận thấy lượng kiến thức của sách dường như có sự đổi mới rất lớn, các bài học được viết ngắn gọn lại so với SGK cũ; phần kiến thức vụn vặt hay quá khó đã được bỏ đi để thay vào là các kiến thức cần thiết trong cuộc sống với rất nhiều các bài toán thực tế.
"Nhất là môn Toán đã tập trung hướng học sinh vào giải quyết những bài toán áp dụng nhiều vào thực tế hơn là lý thuyết so với sách cũ , hay như các môn Khoa học tự nhiên, Ngoại ngữ,... cũng hướng học sinh vào thực tế và đồng thời cũng nâng cao tinh thần làm việc nhóm giữa các bạn trong lớp. Bản thân em thấy rằng các thầy cô giáo cũng đã phải đổi cách dạy để có một phương pháp giảng dạy mới phù hợp với chương trình mới", Đức Quân nói.
Học sinh được trải nghiệm, tham gia nhiều hoạt động
Nội dung SGK mới hiện nay có những hoạt động học tập thiết thực, có nhiều bài tập vận dụng, trải nghiệm thực tiễn, đòi hỏi học sinh phải tư duy, phát huy khả năng của mình để giải quyết vấn đề, rèn kỹ năng làm việc độc lập, làm việc nhóm và học sinh tham gia trải nghiệm nhiều hoạt động. Điều này giúp học sinh không chỉ nắm vững kiến thức mà còn biết cách áp dụng vào thực tế cuộc sống
Hoàng Minh Châu (lớp 3A, trường Tiểu học Quang Trung, quận Hoàn Kiếm. TP. Hà Nội) chia sẻ về một tiết học trải nghiệm: "Trong tiết đọc "Tập nấu ăn” (SGK Tiếng Việt bộ Kết nối tri thức với cuộc sống-PV), em thấy rất vui và hào hứng. Em cùng các bạn được nhìn cô nấu ăn ngay tại lớp với các món có trong sách như: trứng đúc thịt và thịt rang cháy cạnh vừa thơm vừa ngon, khiến em muốn về nhà tự nấu thử. Nhờ tiết học này, em không chỉ biết đọc tốt hơn mà còn hiểu thêm về cách nấu ăn. Em rất thích những giờ học như vậy, vừa thú vị lại vừa giúp em học hỏi thêm nhiều điều mới mẻ".
Một trong những hoạt động học tập làm học sinh thích thú là STEM, khi các bạn tự tay áp dụng những kiến thức liên môn đã được học để tạo mô hình học tập gắn kết dựa trên các ứng dụng thực tế. Vũ Duy Bách (học sinh lớp lớp 9A1, trường THCS Chu Văn An, quận Long Biên, TP. Hà Nội) - một teen yêu thích sáng chế, chia sẻ: “Trong STEM, em tham gia làm robot với mong muốn ứng dụng kiến thức được học vào thực tế. Để làm được mô hình STEM, em đã ứng dụng kiến thức từ các môn Vật lý, Toán học và Tin học. Trong quá trình hoàn thiện robot, em nhận được nhiều hỗ trợ của thầy cô. Nhờ sự hỗ trợ đó, em đã hoàn thành được mô hình robot cơ bản".
Đặc biệt, trong Chương trình GDPT 2018, học sinh có thêm một môn học mới là Hoạt động trải nghiệm. Ở đó, học sinh được tham gia những giờ ngoại khóa bên ngoài trường học như: bảo tồn thiên nhiên, tìm hiểu về nghề nghiệp tại địa phương, tìm hiểu di tích lịch sử và văn hóa,…
"Trong dịp đầu năm nay, chúng em được nhà trường tổ chức tham gia trải nghiệm, tìm hiểu các Lễ hội truyền thống tại địa phương như: Dâng hương đền thờ Hai Bà Trưng tại xã Chiềng Khương, Đua thuyền tại xã Mường Hung, Cầu mùa tại xã Chiềng Cang. Chúng em được chứng kiến bà con phục dựng các nghi lễ của lễ hội truyền thống, cách thầy mo làm lễ và được tham gia các trò chơi dân gian... Nhờ đó, chúng mình thêm hiểu và tự hào về những nét văn hóa độc đáo trong đời sống của đồng bào dân tộc mình", Lò Thị Ngọc Ánh (dân tộc Thái, trường THCS Chiềng Cang, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) kể.
Bên cạnh đó, bộ sách giáo khoa mới cũng chú trọng đến việc phát triển phẩm chất cá nhân, các bài học được thiết kế để khuyến khích học sinh tự quản lý thời gian, hoàn thành nhiệm vụ và hợp tác với bạn bè. Điều này giúp học sinh không chỉ giỏi về kiến thức mà còn trưởng thành hơn trong cuộc sống.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và sách giáo khoa mới đã và đang tạo ra những thay đổi tích cực trong hệ thống giáo dục Việt Nam. Dù còn nhiều thách thức, nhưng với sự nỗ lực của cả giáo viên và học sinh, chắc chắn rằng những mục tiêu của chương trình sẽ sớm được hiện thực hóa, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước.