Bài học nhỏ từ nhạc sỹ Phong Nhã và Báo Thiếu niên Tiền phong

NGUYỄN NHƯ MAI
Biết tin Nhạc sĩ Phong Nhã vừa mất sáng nay, thọ 96 tuổi. Lòng rưng rưng, trưa nay tôi ngồi gõ bài này để tưởng nhớ tới Anh.

Năm tôi học cấp 2 ở Trùng Khánh, Cao Bằng, được kết nạp vào Đội Thiếu nhi Tháng Tám (nay là Đội TN Tiền phong Hồ Chí Minh) và là Đội trưởng đầu tiên của Đội Thiếu nhi Thị trấn Trùng Khánh.

Những bài ca "Nhanh bước nhanh nhi đồng", "Ai yêu Bác Hồ Chí Minh" và "Anh Kim Đồng" là những ca khúc chúng tôi thường hát trong những buổi sinh hoạt Đội. Bấy giờ tôi không biết, không nhớ tác giả là ai. Nhưng tôi lại được anh Cả Tươi, TBT báo Thiếu niên Tiền phong gửi thư cho.

Vốn là thế này, hồi ấy tôi rất mê tờ báo này, nhưng không có tiền mua. Nhân dịp tết Trung thu năm ấy (1954), khu phố tổ chức lễ hội vui chơi cho trẻ em. Trong đó có một cuộc thi chạy, giải thưởng là tờ báo Thiếu niên Tiền phong.

Tác giả và Nhạc sĩ Phong Nhã.

Đoạn đường chạy thi khá dài, từ giữa phố đến cuối dốc phố rồi quay lại. Rất nhiều bạn dự thi, có lẽ tôi thuộc loại còm nhom nhất. Với động lực là tờ báo mới và kèm theo, tôi hơn các bạn là biết cách phân phối lực, nên đã về nhất. (Chuyện này khi về dự lễ kỷ niệm 50 năm của trường, một bạn còn nhớ nhắc lại).

Tôi viết thư gửi về báo cho anh Cả Tươi. Tôi kể là rất thích đọc báo, rất mê truyện tranh Câu - Sáo - Khuyên được đăng đều kì trên báo. Lại khoe tôi rất thích đá bóng...Đặc biệt chúng tôi có bộ ba rất thân là Long - Thành- Mai (Bế Thành Long, Đoàn Đức Thành và tôi). Ba chúng tôi cũng ra một tờ báo tường tên là Mặt Trời Mọc. Vì vậy tôi rất thích được viết báo.

Mọi người có biết không? Thế là tôi nhận được một lá thư dài của anh Cả Tươi. Anh kể thuở nhỏ anh cũng thích đá bóng và đã từng bị gãy chân, phải bó bột. (Chi tiết này tôi nhớ rất rõ, nhưng chưa hỏi được thực hư). Anh động viên tôi cứ thử viết gửi về báo. Tôi cứ mân mê đọc đi đọc lại lá thư này. Ôi giá như còn giữ lại được thì quý biết bao.

Tôi cũng thích vẽ, bèn vẽ một "truyện" gồm bốn tranh. Truyện kể về một chú ngựa hồng xinh xắn, cậy ta đây khỏe mạnh, phóng nhanh. Một hôm chú được giao chở một bao bông lớn trên lưng. Chú thấy nhẹ tênh, bèn phóng nhanh dưới trời nắng nóng. Gặp dòng suối mát, chú cứ thế nhảy xuống tắm. Bông thấm nước nên rất nặng. Chú bị cảm lạnh, nên bị ốm, thành ra gày tong teo. Tôi kí tên là Xuân Mai (cho kêu hơn là Như Mai thường quá). Anh Bé Thành Long (lấy tên là Đào Duy) viết lời cho tranh, Anh viết là chú ngựa hồng non mũm mĩm trông như chú thỏ. Vì quả thật tôi vẽ ngựa như con thỏ!

Ít lâu sau, bài của tôi được đăng!

Tôi nhận được giấy báo gửi tới Trường cấp 2 Trùng Khánh mời đến bưu điện lĩnh "măng đa". Bấy giờ Trùng Khánh chưa có trạm bưu điện, tôi phải viết ủy quyền nhờ Thấy Nguyễn Ngọc Văn, khi ra thị xã họp rẽ qua lĩnh hộ. (Thầy Văn hiện sống ở Hà Nội. Thầy trò vẫn thường xuyên gặp nhau). Tiền nhuận bút của tôi mua được một chiếc áo sơmi dệt kim màu vàng.

Đây chính là "tác phẩm" báo chí đầu đời của tôi. Tiếp đó tôi còn viết tranh chuyện về câu chuyện cổ tích Tày "Gà mẹ cõng con đi kiện". Chắc là kém, không được đăng. Năm sau tôi viết câu chuyện "Kiển tố" kể về một học trò nghỉ hè, sách vở bỏ xó bị kiến kéo vào làm tổ (Tổ kiến nói lái thành Kiển tố). Anh Đoàn Đức Thành cho biết bài báo vừa được đăng. Năm ấy (1955) tôi đã về quê ở Thái Bình. Ngang qua tủ kính trưng bày ở phố Hàng Bài thấy tờ báo có bài của mình. Tôi đến cửa Tòa soạn ở phố Ngô Văn Sở, đi qua đi lại, không dám bước vào.

Khi tôi học cấp Ba ở Nam Định, vẫn hay viết những bài ngắn gửi cho báo và được cấp thẻ "thông tín viên". Tôi thường được anh Hàn Nhật. phóng viên báo viết thư khích lệ.

Năm 1961, tôi học năm thứ hai khoa Địa chất Đại học Bách khoa. Năm ấy vào dịp Báo Thiếu niên Tiền phong tổ chức kỷ niệm Ngày thành lập báo, tôi được mời đến dự.

Tại đây tôi tìm gặp anh Hàn Nhật. Hóa ra đấy không phải là anh mà là chị. Hai chị em gặp gỡ rất vui vẻ.

Tôi hỏi chị, anh Cả Tươi là ai. Chị chỉ cho tôi, đó chính là Nhạc sĩ Phong Nhã. Chị đưa tôi đến gặp, nhưng tôi chỉ biết lí nhí chào anh, chẳng dám nhắc đến ngày xưa đã từng nhận được thư ạnh.

Sau này duyên phận đưa đẩy tôi về làm báo Thiếu niên Tiền phong, rồi phụ trách biên tập tờ Hoa Học Trò.

Tôi cố ý tìm lại tờ báo có đăng bài của mình, nhưng không thấy.

Hằng ngày tôi nhận được rất nhiều bài vở và thư của các bạn đọc từ khắp nơi gửi về. Tôi đều cố đọc hết chừng nào có thể . Và rất chịu khó viết thư góp ý và trả lời. Nhiều bạn trong Hội bút Hương Đầu Mùa vẫn còn giữ được những thư ấy. Đó chính là bài học của tôi tiếp nhận được từ anh Cả Tươi.

Khoảng mươi năm trước, báo Thiếu niên Tiền phong có dịp tổ chức kỷ niệm. Tại buổi gặp mặt hôm ấy, tôi có dịp gặp lại Anh Phong Nhã.

Tác giả và nhà báo Vân Anh (nguyên TBT báo Nhi Đồng) với Nhạc sĩ Phong Nhã.

Tôi xin được chụp ảnh cùng Anh và nhà văn Vân Anh. Giữa buổi giao lưu ồn ào hôm ấy, tôi vẫn chưa thể hỏi chuyện Anh. Định dịp nào tiện tôi sẽ tìm đến nhà để viết bài về Anh. (Và vẫn tò mò về chi tiết anh đá bóng bị gãy chân như thế nào?) Nhưng than ôi, cái bệnh lười đã không cho tôi thực hiện được điều đó. Sáng hôm nay anh đã ra đi ở tuổi 96.

Viết bài này, tôi muốn tỏ chút lòng thành kính đến Anh.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Bài học nhỏ từ nhạc sỹ Phong Nhã và Báo Thiếu niên Tiền phong tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Lịch nghỉ hè 2024 của học sinh 63 tỉnh thành

Hầu hết các địa phương tổ chức bế giảng năm học 2023 - 2024 trước ngày 31/5 và cho học sinh nghỉ hè bắt đầu từ 1/6. Tùy thuộc thời gian bế giảng sớm hoặc muộn hơn, cuối tháng 5, các trường sẽ cho học sinh nghỉ hè.