Vì sao lại bị chuột rút?
Chuột rút là hiện tượng cơ bị co mạnh và đau, thường xảy ra một cách đột ngột. Nguyên nhân của hiện tượng chuột rút có thể là do trước khi bơi chúng ta chưa khởi động kỹ hoặc cũng có thể do vận động quá sức, cơ bắp không được cung cấp đủ can-xi dẫn đến bị chuột rút.
Cần làm gì khi bị chuột rút trong khi bơi?
Trong trường hợp không may bị chuột rút khi đang bơi, trước tiên, chúng ta cần bình tĩnh để nhờ người cứu hoặc tự cứu. Hãy cố gắng tự thả nổi bằng cách thả lỏng toàn thân, ngửa người xuôi theo dòng nước, đầu gối hơi co lại. Đồng thời hít một hơi thật dài, cố gắng thả lỏng phần cơ thể đang bị chuột rút để cơ dần duỗi ra. Tuyệt đối không được giãy giụa mạnh vì như thế sẽ càng dễ bị chìm và nhanh mất sức, phần cơ bị chuột rút càng đau thêm.
Nếu ngón tay bị chuột rút, bạn hãy nắm chặt bàn tay và sau đó xòe mạnh các ngón tay ra, lặp lại vài lần sẽ khỏi.
Nếu ngón chân, cẳng chân hoặc đùi của chân phải bị chuột rút, hãy dùng tay trái nắm lấy ngón chân, dùng sức kéo ngược lên phía thân người, đồng thời dùng tay phải ấn vào đầu gối của chân phải, giúp thoát khỏi tình trạng chuột rút. Trong trường hợp ngón chân, cẳng chân hoặc đùi của chân trái bị chuột rút, bạn hãy đổi bên tay và làm tương tự nhé.
Khi lên bờ, bạn cần xoa bóp bộ phận bị chuột rút, giữ ấm và không tiếp tục bơi nữa.
Cách phòng tránh chuột rút và tai nạn đuối nước
Điều bạn cần ghi nhớ đầu tiên để phòng tránh chuột rút khi bơi lội là phải khởi động kỹ trước khi xuống bơi, nhất là khi trời lạnh, nước lạnh. Còn khi trời nóng thì ngoài việc khởi động kỹ, bạn cũng nên uống đủ nước. Hãy khởi động cơ bắp và các khớp với các cường độ chậm, nhanh khác nhau.
Bạn tuyệt đối không nên bơi ở khu vực nước sâu nếu khả năng bơi còn hạn chế và cũng không nên bơi quá xa bờ, đồng thời tránh các vùng nước xoáy hoặc dòng nước chảy xiết. Khi cơ thể mệt mỏi, các động tác bơi không phối hợp nhịp nhàng thì bạn cần giảm tốc độ và bơi dần vào bờ, không nên cố bơi tiếp.