Bạn có biết: Vì sao gần một nửa người Việt Nam cùng mang họ Nguyễn?

Thu Trà
Chắc hẳn ai cũng từng nghe hoặc từng quen biết một người họ Nguyễn. Trên trường quốc tế, đó là một dấu hiệu nhận diện người gốc Việt. Nhưng tại sao gần 40% người Việt lại có chung một họ Nguyễn này?

Họ Nguyễn chiếm hơn 40% trên tổng số 96 triệu dân Việt Nam tính đến năm 2019, là họ phổ biến nhất ở Việt Nam và cũng là họ gốc Đông Á phổ biến nhất thế giới, xuất hiện ở nhiều nước  Âu Mỹ. Trên thế giới có tổng cộng 90 triệu người mang họ Nguyễn, có thể bắt gặp ở khắp năm châu bốn biển, trở thành một trong những họ quan trọng nhất cấu thành các cộng đồng người gốc Á trên thế giới.

Bạn có biết: Vì sao gần một nửa người Việt Nam cùng mang họ Nguyễn? - Ảnh 1
Thống kê về họ ở Việt Nam, nguồn: OneVietnam

Không phải tự nhiên mà số người mang họ Nguyễn ở Việt Nam lại đông đảo như vậy, cứ 3 người Việt thì có một người họ Nguyễn. Nhiều lý do dẫn đến việc này gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của Việt Nam kể từ thời cổ đại cho đến nay.

Nguồn gốc họ Nguyễn

Trước Công Nguyên, không có nhiều ghi nhận về cách người Việt đặt tên họ và dùng chữ viết theo hệ thống, hiện tượng này chủ yếu bắt nguồn cùng với thời kỳ Bắc Thuộc ở Việt Nam, do ảnh hưởng của người Trung Quốc (ví dụ, những năm 40 lúc hai Bà Trưng đánh giặc phương Bắc, người Việt vẫn chưa dùng họ).

Bạn có biết: Vì sao gần một nửa người Việt Nam cùng mang họ Nguyễn? - Ảnh 2
Chữ "Nguyễn" trong họ Nguyễn được viết bằng Hán Tự.

Họ Nguyễn được cho là do một bộ phận gia tộc họ Nguyễn chạy loạn từ phương Bắc xuống nước ta do ảnh hưởng của chiến tranh Nam Tề - Bắc Ngụy (năm 420 - 589), những người đi tị nạn này đã hòa hợp với cộng đồng người Việt và lưu truyền họ Nguyễn mãi về sau này. Đến năm 907, biến cố chính trị khiến Trung Hoa phân chia sâu sắc, gọi là thời Ngũ Đại Thập Quốc, kéo dài từ năm 907 đến 979, thời gian này lại có nhiều người họ Nguyễn đi về phương Nam, nhập vào cộng đồng người Việt.

Những biến cố lịch sử ở Việt Nam

Nói đến những mốc thời gian đáng nhớ của họ Nguyễn phải kể đến hành động đột phá của Quốc sư Trần Thủ Độ. Khi ông lập ra triều Trần đưa Trần Cảnh lên ngôi, với lý do tổ nhà Trần là họ Lý nên ông đã bắt tất cả con cháu họ Lý còn lại của vương triều nhà Lý đổi họ sang họ Nguyễn. Thực ra lí do trên chỉ là cái cớ, mục tiêu của ông là muốn khai tử dòng họ Lý để không còn ai vấn vương triều cũ rồi đem lòng đối nghịch nhà Trần. Còn vì sao ông chọn họ Nguyễn để thay thế thì đến giờ vẫn chưa có ai tìm ra được.

Bạn có biết: Vì sao gần một nửa người Việt Nam cùng mang họ Nguyễn? - Ảnh 3
Trung Vũ Đại Vương Trần Thủ Độ là người góp phần tạo ra nhiều người họ Nguyễn sau biến cố nhà Trần chiếm ngôi nhà Lý.

Lần thay tên đổi họ sang họ Nguyễn tiếp theo bắt nguồn từ sự kiện Trịnh Nguyễn phân tranh, Chúa Trịnh và Chúa Nguyễn đánh nhau từ năm 1627. Đến tận thế kỷ 18 nhà Tây Sơn (Nguyễn Huệ) nổi dậy đánh bại cả Chúa Trịnh lẫn Chúa Nguyễn. Lúc này nhà Nguyễn của anh em Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc nắm quyền, con cháu họ Trịnh nể sợ, lo bị trả thù nên cũng tự đổi họ thành Nguyễn.

Bạn có biết: Vì sao gần một nửa người Việt Nam cùng mang họ Nguyễn? - Ảnh 4
Trịnh Nguyễn phân tranh là một nguyên nhân khiến nhiều người họ Nguyễn xuất hiện.

Như vậy, bất kể vô tình hay hữu ý, nhiều lần thay tên đổi họ ở nước Việt xưa đều ghi nhận các họ khác đổi sang họ Nguyễn, khiến người họ này có số lượng cực nhiều. Thời phong kiến, việc đổi họ sang cùng họ của vương triều cầm quyền sẽ mang lại nhiều lợi ích, thể hiện sự trung thành. Thế nên kể từ thế kỷ thứ 18 có nhiều gia đình đổi thành họ Nguyễn cũng không phải chuyện lạ.

Đến thế kỷ 19, khi người Pháp sang xâm lược Việt Nam, một số quyết định của họ khiến người họ Nguyễn càng tăng lên nhiều hơn nữa. Rắc rối xảy ra trong khi người Pháp làm các điều tra về dân số của người Việt, họ cảm thấy rất khó khăn bởi vì nhiều người Việt là nông dân cùng đinh vốn không có họ (chỉ có các gia đình quý tộc, trí thức, đại gia tộc có thái ấp mới mang họ). Lúc này người Pháp nhớ tới vua Bảo Đại - vị vua triều Nguyễn, vương triều cuối cùng ở Việt Nam.

Bạn có biết: Vì sao gần một nửa người Việt Nam cùng mang họ Nguyễn? - Ảnh 5
Vua Bảo Đại (tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy)

Các quan chức pháp lệnh cho ghi hết tên những người không có họ là họ Nguyễn để dễ thống kê, vì vậy mà bỗng dưng lại có thêm vô số người mang họ Nguyễn kể từ lúc đó. Rõ ràng là số phận đẩy đưa, biến họ Nguyễn trở thành họ phổ biến nhất ở Việt Nam.

Họ Nguyễn trên thế giới

Họ Nguyễn xuất hiện ở Trung Quốc, Triều Tiên mặc dù không quá phổ biến. Sự phổ biến của họ Nguyễn ở hải ngoại do nhiều người Việt Nam di cư mà ra, chủ yếu là Mỹ, Úc...

Họ Nguyễn phổ biến thứ 7 ở Úc (chỉ đứng sau Smith trong danh bạ điện thoại ở Melbourne) và là họ phổ biến thứ 54 ở Pháp. Tại Hoa Kỳ, đây là họ phổ biến thứ 57 theo tài liệu Điều tra dân số năm 2000.

Bạn có biết: Vì sao gần một nửa người Việt Nam cùng mang họ Nguyễn? - Ảnh 6
Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, họ Nguyễn cũng được xếp hạng thứ 124 trong Bảng thống kê An sinh Xã hội Hoa Kỳ. Đây là họ phổ biến thứ 56 ở Na Uy và đứng đầu danh sách tên họ nước ngoài tại Cộng hòa Séc.

Cùng với các họ như Lee, Garcia, Hernandez, Gonzales, Zhang, Smirnov, Wang và Muller và Smith thì họ Nguyễn là 1 trong 10 họ phổ biến nhất thế giới.

Theo: Họ Nguyễn Việt Nam, Wikipedia Tiếng Việt và tổng hợp từ một số nguồn khác

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Bạn có biết: Vì sao gần một nửa người Việt Nam cùng mang họ Nguyễn? tại chuyên mục Phóng Viên Nhỏ của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Phóng Viên Nhỏ khác

Gặp mặt “Trạng nguyên nhí” ở xứ Đông

Mới đây, Lễ phát động Ngày hội Trạng Nguyên nhỏ tuổi lần thứ XXII, Viết chữ đẹp “Nét chữ - Nết người”, Bảng Vàng ghi danh lần thứ IV và thi tại chỗ Bảng Vàng ghi danh năm học 2023-2024 đã diễn ra tại tỉnh Hải Dương.

Bức thư của nhạc sĩ Phong Nhã

Nhà báo Nguyễn Huy Thắng là con trai của cố nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Ông nguyên là Trưởng ban Ban Thông tin và Khoa học của báo Thiếu niên Tiền phong (năm 1998), sau này từng giữ chức Phó Giám đốc Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng. Nhà báo Huy Thắng gửi tới chuyên mục bài viết về một kỷ niệm đáng nhớ…