Bạn học được gì từ những miền đất lạ?

My Anh và CTV
Trước giờ khởi hành du khảo khoa học, bạn Huỳnh Lê Như Ngân (lớp 9/2, trường THCS Võ Văn Ký, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) không giấu được niềm phấn khởi: “Lớp chúng mình đã có mặt đông đủ từ buổi sáng tinh sương, sẵn sàng khởi hành đến miền Tiểu Tây Á- Ninh Thuận đầy nắng và gió!”.

Khám phá "nơi rùa đẻ trứng"

Bình minh cũng là lúc đoàn tới chân Vườn Quốc gia Núi Chúa và bờ vịnh Vĩnh Hy nổi tiếng. Đích khám phá đầu tiên chính là Hang Rái, nơi mê hoặc du khách bởi khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ và địa hình thác nước đổ trên biển độc đáo.

Các bạn học sinh nghe giới thiệu về Vườn Quốc gia Núi Chúa.

Các bạn học sinh dừng chân và lắng nghe cô giáo Võ Thị Thu Thủy giới thiệu về tầng địa chất san hô. Bên dưới rìa bãi đá san hô cổ là bãi Đá Muối. Theo lời người dân địa phương ở đây kể lại, khi thủy triều lên, nước tràn lên mặt đá tạo nên hình ảnh những thác nước kỳ thú trên mặt biển. Đặc biệt, thềm đá này có thể đổi màu theo ánh nắng và mặt nước biển theo thời gian hằng ngày. Nghe xong, các bạn học sinh đều ngỡ ngàng trước sự kỳ diệu của thiên nhiên nơi đây. Càng thú vị hơn khi biết đáy biển Vĩnh Hy có quần thể san hô vô cùng phong phú như Hòn Mun ở Nha Trang quê mình.

Hành quân ra Hang Rái và nghe cô giáo Thu Thủy giới thiệu về địa chất nơi đây.

Tiếp đến là quần thể Núi Chúa, dãy núi đá đặc dụng khô hạn nổi tiếng ở Việt Nam mà chỉ ở Ninh Thuận mới có. “Nơi đây hệ động, thực vật như chà vá chân đen, gấu ngựa, beo lửa, sồi giẻ, họ vang, họ bàng, họ re... còn rất đa dạng. Và những loại cây có giá trị dược liệu như xá xị, mã tiền, quế chi, trầm... Cây làm cảnh họ lan, mun, gõ mật, gõ cà te”, anh Nguyễn Minh Hoàng - đại diện Trung tâm Giáo dục môi trường Vườn Quốc gia Núi Chúa cho biết.

Các bạn học sinh trường THCS Võ Văn Ký còn được trải nghiệm ươm hạt và gieo trồng tại Vườn để tái sinh thực vật. Cũng tại đây, các bạn được biết thêm một điều kỳ thú: Bãi Thịt - nơi có quần thể rùa biển đẻ trứng nổi tiếng nhất Miền Nam Trung Bộ! Tại đây, đã có nhiều nhóm khoa học và cả các bạn học sinh đã tham gia hỗ trợ rùa đẻ và bảo vệ trứng rùa nở, giúp rùa con về biển an toàn.

Tự tay làm gốm và ngắm vườn nho chín mọng

Các nghệ nhân Chăm đang trình diễn chế tác gốm

Điểm đến tiếp theo của các bạn là làng gốm Chăm Bàu Trúc (huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận). Cô giáo Huỳnh Thị Mỹ Hạnh (trường THPT Hà Huy Tập) và thầy Phạm Vũ Thanh An (trường THCS Võ Văn Ký) giới thiệu về quá trình làm ra sản phẩm gốm nổi tiếng này. Sản phẩm được các bà, các cô nặn thủ công, không dùng bàn xoay như nơi khác, nặn xong sẽ dùng rơm, nung gốm.

Say sưa chế tác gốm và trải nghiệm múa Chăm.

Nghệ nhân Đàng Thị Luyến cho biết: “Làng gốm Bàu Trúc đã sản xuất như vậy hàng nghìn năm nay và không thay đổi quy trình chế tác nên có tính chất bảo tồn rất cao. Vừa qua, tổ chức UNESCO đã chính thức ghi danh Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”. Sau khi xem các nghệ nhân thực hiện, các bạn lần lượt tham gia thực hành sản phẩm như một “nghệ sỹ Chăm” thứ thiệt làm cả làng gốm vang tiếng cười vui.

Những “chú cáo dễ thương” tại vườn nho.

Kết thúc chuyến đi là khoảnh khắc ngắm hoàng hôn trên đồi cát Nam Cương, bạn Nguyễn Trọng Tấn và Nguyễn Hoàng Kim Ngọc xúc động thốt lên: “Cuộc trải nghiệm này là kỷ niệm lớn nhất và ý nghĩa nhất của chúng mình ở mái trường THCS”.

Kỷ niệm chuyến đi đáng nhớ.

Còn nhiều bài viết hay, hấp dẫn, các câu chuyện thú vị đang chờ đón bạn khám phá tại ấn phẩm Thiếu niên Tiền phong Chủ Nhật. Nếu bạn quan tâm có thể mua báo và đọc trực tuyến tại cửa hàng trực tuyến của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhé!

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Bạn học được gì từ những miền đất lạ? tại chuyên mục Trường Lớp của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Trường Lớp khác