Các sự kiện, hoạt động vui chơi tại các trường THPT ngày càng được tổ chức nhiều và trở nên phổ biến hơn. Chính điều này đã tạo điều kiện cho câu lạc bộ ra đời, trong đó có câu lạc bộ MC trở thành một phần không thể thiếu trong danh sách ngoại khóa của teen.
Một số câu lạc bộ MC điển hình có thể kể đến như EMCI CLUB - câu lạc bộ MC trường THPT Việt Đức (Hà Nội) được thành lập từ năm 2014, TDM - câu lạc bộ MC Truyền thông trường THPT Thanh Đa (TP.HCM) thành lập năm 2018 hay những câu lạc bộ mới hoạt động như MCE - câu lạc bộ MC và Tổ chức sự kiện trường THPT chuyên Biên Hòa (Đồng Nai),...
Đây chính là "đại bản doanh" của những teen có niềm đam mê với công việc dẫn chương trình. Trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 5 hàng năm, EMCI CLUB sẽ tổ chức workshop (trao đổi, thảo luận). Câu lạc bộ MC Truyền Thông Thanh Đa thì tổ chức talkshow (trò chuyện) và phỏng vấn các thầy cô nhân dịp 20/11 nhằm giúp các bạn học sinh hiểu thêm về thầy cô của mình.
Riêng đối với câu lạc bộ MCE trường THPT chuyên Biên Hòa, ngoài việc cử các thành viên tham gia dẫn các sự kiện của trường thì các thành viên còn phụ trách chuyên mục phát thanh hàng ngày và có những số đặc biệt trong các ngày lễ lớn.
Bạn Khương Duy, chủ nhiệm câu lạc bộ EMCI chia sẻ: "Ban đầu câu lạc bộ lập ra với mục đích có một sân chơi bổ ích đối với những bạn có niềm đam mê với nghề MC. Thế nhưng giờ đây, mục tiêu hoạt động của câu lạc bộ đã bao quát hơn. EMCI CLUB không chỉ giúp các thành viên rèn luyện công việc của một MC mà còn giúp các bạn tự tin, cởi mở và dũng cảm hơn khi làm bất cứ điều gì".
Khi nhắc đến một người dẫn chương trình, nhiều teen sẽ nghĩ rằng có một giọng nói tốt là yếu tố quan trọng nhất. Tuy nhiên, theo bạn Phương Trang - chủ nhiệm câu lạc bộ MCE thì phong thái tự tin của MC sẽ cần đầu tiên: "Chúng mình dựa trên tiêu chí này để lựa chọn các thành viên vào ban phát thanh. Vì không phải bạn nào cũng có chất giọng và kỹ năng dẫn tốt từ đầu.
Như có 1 bạn bày tỏ rằng bản thân tự ti do giọng nói chưa hay lắm nhưng vẫn mong câu lạc bộ cho bạn ấy cơ hội trở thành phát thanh viên. Sau đó, ngày nào bạn cũng tự thu âm, gửi cho mình và các bạn khác nhận xét. Khoảng 1 tháng như vậy thì bạn ấy đã dẫn chương trình đầu tiên. Cô còn nhận xét nếu cứ tiếp tục luyện, bạn ấy có thể dẫn các chương trình lớn hơn như lễ mít tinh hay lễ kỷ niệm ở trường".
Để có được giây phút tỏa sáng trên sân khấu là cả một hành trình kiên trì luyện tập. Như tại câu lạc bộ trường THPT Việt Đức, các thành viên ban phát thanh luyện giọng với nhau mỗi tuần bằng cách đọc kịch bản tự chuẩn bị trước đó hay trực tiếp dẫn chương trình để các thầy cô trong Đoàn trường góp ý về thần thái, giọng nói,…
Không chỉ có vậy, MC còn phải luyện kỹ năng viết kịch bản phù hợp với phong cách của mình để có lối dẫn tự nhiên, lôi cuốn nhất. Đến khi có sự kiện, các bạn ấy sẽ được ban chủ nhiệm trao cơ hội casting như nhau. Người được chọn phải có giọng dẫn và phong cách dẫn phù hợp với yêu cầu của chương trình.
Đặc biệt nhất, qua mỗi lần được đứng trên sân khấu, các bạn ý còn thu về bao nhiêu là kinh nghiệm trong việc xử lý tình huống - một yếu tố quan trọng với bất cứ MC nào chỉ sau sự tự tin và giọng dẫn.
Nếu bạn cũng đang ấp ủ ước mơ trở thành một MC trong tương lai thì có thể tham khảo một số bí kíp để cải thiện giọng nói từ bạn Tất Hiển - Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ EMCI. Theo anh chàng này, cách để luyện tập là bạn hãy cố gắng đọc tròn các phụ âm, từng âm, từng chữ một: "A Ă E Ê O Ô Ơ I U Ư" và lưu ý phải đọc đúng dấu.
Về độ truyền cảm cần phải có độ lên xuống: Lên giọng với thanh sắc, ngã; Không lên, không xuống với thanh bằng (không dấu); Hạ giọng với thanh nặng, huyền, hỏi. Thêm nữa, khi đọc các đoạn văn bản dài, để trôi chảy cần phải lấy hơi và ngắt nghỉ đúng chỗ.
Thêm một bí kíp hữu ích nữa giúp có sự tự tin khi "cất giọng" từ cô bạn Phương Trang. Đó là bạn phải đứng trước gương tự điều chỉnh biểu cảm của mình, nói thử trước những bạn trong lớp để nhận những lời góp ý. Sự bạo dạn trước đám đông của bạn sẽ được hình thành từ những bước đi nhỏ nhất như thế, chỉ cần bạn có đủ sự kiên trì thôi.