Bão cytokine nguy hiểm thế nào mà khiến Phi Nhung và nhiều bệnh nhân COVID-19 bị đánh gục

Minh Hồng
Tiến sĩ Đỗ Ngọc Sơn, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, Phụ trách Trung tâm hồi sức tích cực tại TP.HCM cho biết, có 70% bệnh nhân COVID-19 mắc hội chứng cytokine khiến cơ thể suy sụp rất nhanh.

Trưa 28/9, người hâm mộ xót xa trước thông tin ca sĩ Phi Nhung qua đời tại Bệnh viện Chợ Rẫy sau hơn một tháng chiến đấu với COVID-19.

Theo đại diện bệnh viện, ca sĩ Phi Nhung qua đời do biến chứng nặng của COVID-19, hoại tử một phần phổi, bão Cytokine, suy đa cơ quan. Trước đó, nữ ca sĩ được chạy ECMO, lọc máu và được điều trị bằng các loại thuốc cao cấp nhất.

Ca sĩ Phi Nhung: Từ cô gái thiếu tình thương của bố mẹ đến
Ca sĩ Phi Nhung qua đời sau 1 tháng chiến đấu với COVID-19

Thực tế trong đợt dịch COVID-19 diễn ra ở TP.HCM vừa qua cũng đã ghi nhận không ít trường hợp bệnh nhân trải qua tình trạng "bão cytokine" như Phi Nhung.

Vậy "bão cytokine" là gì? Nó nguy hiểm như thế nào đối với bệnh nhân COVID-19?

“Bão cytokine” là hiện tượng hệ miễn dịch phản ứng quá mạnh. Trước hiện tượng này, các cơ quan trong cơ thể có thể gục ngã vì chính hệ miễn dịch của mình.

Khi mầm bệnh vừa xâm nhập vào cơ thể, hệ miễn dịch đã ngay lập tức chiến đấu với chúng. Đó là lý do khiến nhiều bệnh nhân COVID-19 không xuất hiện các triệu chứng như ho hoặc sốt nhẹ. Tất cả những bệnh nhân này vẫn có thể truyền bệnh cho người khác, nhưng họ không có nguy cơ gặp phải bất kỳ biến chứng hô hấp nào.

Một khi hệ thống miễn dịch chiến thắng mầm bệnh, những bệnh nhân đó sẽ có khả năng miễn dịch với SAR-CoV-2 trong điều kiện virus không biến đổi nhiều.

Bão cytokine nguy hiểm thế nào mà khiến Phi Nhung và nhiều bệnh nhân COVID-19 bị đánh gục - Ảnh 1

Các phân tử cytokine - những “chiến binh nòng cốt” trong cuộc chiến này sẽ tạo ra một loạt tín hiệu đến tế bào để sắp xếp thành một phản ứng. Thông thường, phản ứng miễn dịch càng mạnh, cơ hội đẩy lùi mầm bệnh càng lớn. Điều này phần nào lý giải tại sao trẻ em và những người trẻ tuổi ít bị tổn thương bởi COVID-19 hơn. Khi virus bị đánh bại, hệ miễn dịch sẽ tự tắt.

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp hệ miễn dịch kéo dài phản ứng sau khi virus không còn đe dọa. Khi đó, hệ miễn dịch tiếp tục giải phóng cytokine khiến cơ thể rơi vào trạng thái kiệt sức. Những cytokine này tấn công nhiều bộ phận bao gồm gan, phổi và thậm chí có thể dẫn tới tử vong.

Trong một cơn bão cytokine, phản ứng miễn dịch quá mức tàn phá các mô phổi khỏe mạnh, dẫn đến suy hô hấp cấp tính và suy đa tạng. Nếu không được điều trị, hội chứng bão cytokine có thể gây tử vong.

Bão cytokine nguy hiểm thế nào mà khiến Phi Nhung và nhiều bệnh nhân COVID-19 bị đánh gục - Ảnh 2
Hệ miễn dịch có thể "báo cháy giả" và hoạt động quá mức cần thiết, tàn phá các cơ quan kể cả khi đã diệt được virus.

Hiện nay có 2 phương pháp để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 có xảy ra "cơn bão cytokine" đó là dùng thuốc kháng viêm, ức chế miễn dịch và lọc máu liên tục cần đến nhân sự, máy móc, chi phí rất cao... Bệnh nhân đã tiêm ngừa vắc xin thì tỉ lệ diễn tiến nặng giảm đi rõ rệt, số lượng gặp "cơn bão cytokine" cũng ít hơn.

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Bão cytokine nguy hiểm thế nào mà khiến Phi Nhung và nhiều bệnh nhân COVID-19 bị đánh gục tại chuyên mục Thuốc - Bác Sỹ của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Thuốc - Bác Sỹ khác