Báo động tình trạng học sinh THPT gặp stress, trầm cảm, lo âu

NGỌC HÀ (TỔNG HỢP)
Một nghiên cứu mới đây tại 3 trường THPT trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cho thấy các bạn học sinh đang gặp phải nhiều vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Tại Hội nghị Khoa học Công nghệ Bệnh viện quận Thủ Đức (lần thứ IV) nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Y Dược, TP. Hồ Chí Minh đã công bố kết quả về vấn đề rối loạn tâm thần ở học sinh THPT.

Tác giả Thái Thanh Trúc cùng nhóm nghiên cứu của mình đã thực hiện hiện khảo sát trong năm 2018 tại 3 trường THPT trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh gồm: Nguyễn Khuyến; Nam Kỳ Khởi Nghĩa; Nguyễn Thái Bình với 1.114 học sinh tham gia ở quy mô 27 lớp gồm cả 3 khối, trên cơ sở đánh giá cả 3 khía cạnh trầm cảm, lo âu, stress.

Từ kết quả khảo sát, tỷ lệ stress ở học sinh chiếm hơn 35,1%; lo âu là 59% và trầm cảm là 38,7%. Trong đó, nhiều học sinh đang đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng về mặt sức khỏe tâm thần, không ít trường hợp mắc cả 3 vấn đề nêu trên.

Với khối lượng kiến thức học tập lớn, áp lực thi cử, học sinh khối 12 gặp phải vấn đề về sức khỏe tâm thần nhiều hơn. (Ảnh minh họa)

So với khối 10 thì học sinh khối 12 phải trải qua kỳ thi cuối cấp và kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia, khối lượng bài vở lớn và kiến thức nhiều nên tỷ lệ rối loạn tâm thần cao hơn. Bên cạnh đó, học sinh gia đình kinh tế mức nghèo bị stress cao hơn 1,5 lần học sinh nhà khá giả…

Tình trạng rối loạn tâm hồn học đường ngày càng cao, vì vậy mà các bạn học sinh thường có những hành động tổn hại đến bản thân mình.

Trong một  nghiên cứu khác, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn (Phó Hiệu trưởng trường ĐH Sư Phạm TP. Hồ Chí Minh) cùng các cộng sự của mình đã khảo sát 1.043 học sinh THCS ở TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương trong 2 năm. Nhóm đã đưa ra kết quả rất bất ngờ: Có đến 643 học sinh (chiếm 61,6%) có hành vi bỏ bê bản thân mình, thể hiện sự thiếu trách nhiệm với bản thân; 401 bạn học sinh có “suy nghĩ bi quan về cuộc sống” chiếm tỷ lệ cao thứ 2 (chiếm 38,4%); Có đến 149 học sinh thừa nhận “từng làm đau bản thân mình”, chiếm 31,6%. Nhóm nghiên cứu sàng lọc được 280 học sinh có thực hiện hành vi tự hủy hoại bản thân và tập trung chủ yếu ở nhóm học sinh khá, giỏi.

Từ những chỉ số đáng báo động trên, các nhóm nghiên cứu đã đưa ra một số biện pháp phòng ngừa như nâng cao nhận thức về hành vi tiêu cực này cho học sinh, giáo viên và chuyên viên tham vấn học đường. Bên cạnh đó sẽ tổ chức các chuyên đề kỹ năng sống lồng ghép nhằm phát triển năng lực ứng phó hành vi này cho học sinh. Đồng thời, xây dựng hệ thống kiến thức và bài tập hướng dẫn học sinh có dấu hiệu "tự hủy hoại bản thân" nhằm điều chỉnh trạng thái tâm lý và đối phó với các tác nhân kích thích hành vi này. Nhà trường và gia đình cũng cần tìm cần tìm hiểu về các rối loạn tâm thần phổ biến như nguyên nhân, biểu hiện, cách phòng tránh những vấn đề stress, lo âu, trầm cảm để giúp làm giảm các vấn đề về rối loạn tâm thần trong trường học. Việc phát hiện, can thiệp sớm sẽ giúp học sinh vượt qua được các giai đoạn khó khăn và phòng tránh những hậu quả nghiêm trọng trong đó có tự tử.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Báo động tình trạng học sinh THPT gặp stress, trầm cảm, lo âu tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Lịch nghỉ hè 2024 của học sinh 63 tỉnh thành

Hầu hết các địa phương tổ chức bế giảng năm học 2023 - 2024 trước ngày 31/5 và cho học sinh nghỉ hè bắt đầu từ 1/6. Tùy thuộc thời gian bế giảng sớm hoặc muộn hơn, cuối tháng 5, các trường sẽ cho học sinh nghỉ hè.