Chỉ trong 1 tuần nhưng trên khắp các phương tiện truyền thông liên tiếp đăng tải những vụ bạo hành trẻ em ở chính gia đình của mình. Thật xót xa, khi có một số đấng sinh thành lại tàn nhẫn làm tổn thương con cái của mình về cả thể xác lẫn tinh thần. Câu chuyện thời sự nóng hổi đó lại một lần nữa được mang ra phân tích, chia sẻ tại buổi tọa đàm "Bạo lực trẻ en trong gia đình - Hãy lắng nghe con". Các diễn giả: nhà văn Trang Hạ, chuyên gia tâm lý Kim Thành và nhà báo Bích Ngọc đã cùng nhau trao đổi.
Buổi tọa đàm đã cùng các mẹ tìm ra cách nuôi con thật tốt và gỡ nút thắt cho mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, góp phần hâm nóng tình cảm của tất cả mọi người trong tổ ấm.
Trong buổi tọa đàm, chuyên gia tâm lý Kim Thành đã chỉ ra những nguyên nhân dẫn tới hành vi bạo lực trẻ em trong gia đình. Mà đáng lưu ý chính là nhận thức của cha mẹ chưa thực sự đúng đắn.
Nhận thức gia đình về vấn đề bảo vệ trẻ em chưa đầy đủ và phần nào đó còn bị xem nhẹ, nhiều thói quen, phong tục, tập quán như quan niệm ″Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” ″ bấy lâu nay khiến cho người ta coi chuyện đánh con là “bình thường” đó là quyền của cha mẹ phải dạy cho con nên người. Chuyên gia Kim Thành nhấn mạnh, "roi vọt" ở đây chính là những thử thách mà cha mẹ cần tạo ra cho con mình để có những vốn sống, mạnh mẽ hơn để vượt qua mọi khó khăn trong cuộc đời chứ không phải hành hạ về mặt thể xác.
Khi câu hỏi được đặt ra cho tất cả mọi người trong buổi tọa đàm "Ai đã từng bị cha mẹ đánh hoặc từng có lần đánh con mình"...100% đều giơ tay cho câu trả lời "có". Nhà văn Trang Hạ cho rằng, trước kia các bậc phụ huynh cũng từng bị cha mẹ thắt chặt kỷ luật bằng đòn roi và cho tới bây giờ họ vô tình lặp lại như một thói quen trong tiềm thức. Thế nhưng trẻ em lại thường học lối cư xử bằng cách nhìn mọi người xung quanh, theo dõi các nhân vật trên truyền hình...Vì thế trẻ lại nhìn thấy cha mẹ giải quyết bằng bạo lực thì lại tiếp tục học cách hành động giống như vậy.
Do thiếu hiểu biết về pháp luật nói chung và pháp luật về quyền trẻ em nói riêng, chưa được các cấp, các ngành quan tâm, đấu tranh loại bỏ, tuyên truyền nâng cao hiểu biết cho các bậc cha mẹ về quyền trẻ em. Vì vậy mà các bậc phụ huynh thường hiểu đánh con là dạy con chứ họ không hề biết rằng đang vi phạm pháp luật.
Nhiều cha mẹ đánh con không hề ác, đó chỉ là một hành động thể hiện sự bất lực mà thôi. Khi áp lực tâm lý dồn nén với bao bộn bề cuộc sống, cha mẹ không tìm ra cách làm thế nào để con tốt hơn và tới một lúc không thể kiềm chế thì con cái chính là nạn nhân của những trận đòn roi.
Kết quả của những sự nghiên cứu về bạo hành đã chứng minh rằng những người có hành vi bạo lực thường muốn chế ngự người khác. Một người có hành vi bạo lực chẳng những có thể dùng vị trí thượng phong về thể lý, nhưng còn có thể dùng những khả năng trỗi vượt về tinh thần, tâm lý, về kiến thức, uy quyền...
Làm thế nào để "kỷ luật không nước mắt"?
Kỷ luật vẫn thường bị liên tưởng với trừng phạt. Một số nền văn hóa ủng hộ đòn roi, nhưng cũng nhiều quốc gia phản đối trừng phạt thể chất. Đòn roi được xem là có thể dẫn đến những thay đổi tiêu cực, khiến trẻ cảm thấy xấu hổ và mất lòng tin. Trong khi đó kỷ luật lành mạnh và công bằng giúp trẻ trưởng thành cả về cảm xúc và nhận thức.
Kiên trì, lập sơ đồ tính cách cho trẻ: Kỷ luật phải được xây dựng trên nền tảng yêu thương, tin cậy, tôn trọng và phù hợp với giai đoạn phát triển của trẻ con. Là người theo sát từng bước đi của con mình, cha mẹ sẽ cùng với chuyên gia tâm lý vạch ra sơ đồ tính cách để áp dụng những phương pháp kỷ luật nào cho hợp lý.
Thương thuyết, đưa ra những sự lựa chọn cho trẻ: Cha mẹ hãy luôn là những người bạn, đặt cho con cái niềm tin tưởng trọn vẹn. Cha mẹ không nên quá áp đặt những quyết định của mình cho con cái mà nên đưa ra nhiều sự lựa chọn, dần dần đưa con theo những kỷ luật riêng của gia đình.
90% thành công của giáo dục là khen thưởng: Khoa học đã chứng minh, được thưởng về tinh thần hiệu quả hơn thưởng về vật chất rất nhiều. Cha mẹ nên cố gắng nhìn vào những tiểu tiết nhỏ nhất của con để khen. Chẳng hạn, con không phạm lỗi cũng được khen. Những việc làm nhỏ nhất cũng được khen như việc đi học đúng giờ, tự mặc quần áo...
Bên cạnh buổi tọa đàm, còn có sự kiện ra mắt sách "Mẹ trong tâm trí con" (Hay "Điều con muốn nói"). Có thể nói cuốn sách là một tác phẩm văn hóa vật thể chứa đựng khía cạnh đa chiều trong mối quan hệ mẹ con mà bình thường các con không thể hoặc khó thổ lộ với mẹ... Cuốn sách lột tả nhiều khía cạnh khác nhau về chủ đề mẹ con: Tình cảm sâu kín của con dành cho mẹ, những vấn đề (tích cực, hạn chế) trong cách giáo dục con cái, góc nhìn của con về mẹ và về gia đình...
Ngọc Hà