Vợ chồng ông Nguyễn Văn Ngơi cùng con cháu dắt nhau sơ tán khỏi nhà ở Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò, Nghệ An lúc 16h30 ngày 15/9. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Bão cùng làm tốc mái, hư hỏng gần 24 nghìn nhà, trong đó nặng nhất là Hà Tĩnh hơn 23.000 nhà, Thừa Thiên-Huế hơn 600 nhà… Ngoài ra còn nhiều nhà bị tốc mái hư hỏng ở Quảng Bình đến nay chưa có số liệu thống kê cụ thể. Có gần 5.500 nhà bị ngập, trong đó, Hà Tĩnh gần 4.000 nhà và Quảng Bình khoảng 1.500 nhà… Bão cũng làm một cột truyền hình tại thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) bị gãy đổ; hơn 1.140 cột điện hạ thế bị đổ gãy, trên 1.700 cột bị nghiêng. Đến chiều qua, trên 1,3 triệu khách hàng bị mất điện, nhưng mới khôi phục cấp điện trở lại được gần 15%.
Bão cũng đánh chìm 4 tàu ở Quảng Ngãi; 5 ghe máy bị chìm ở Thừa Thiên-Huế. Nhiều hệ thống đê điều bị sự cố: Đê ở xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu, Nghệ An) bị sạt khiến nước tràn vào đồng; vỡ đê biển Tả Nghèn (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) dài 25m và trôi cống Kho Muối; sạt lở đê biển Cẩm Hà – Cẩm Lộc, huyện Cẩm Xuyên dài 2 km. Sóng cũng đánh tràn qua mặt đê gây sạt lở ở xã Hải Hoà, Hải Thịnh (huyện Hải Hậu, Nam Định)….
Trao đổi với PV, Bộ trưởng NN&PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai-ông Nguyễn Xuân Cường cho biết, bão số 10 là cơn bão rất lớn, gây thiệt hại nặng nề với các tỉnh Bắc Trung bộ.
Theo ông, bão số 10 có nhiều điểm đặc biệt, khi gió mạnh cấp 10-12, giật đến cấp 14. “Có lẽ cũng chưa có cơn bão nào lại dai dẳng, quằn quại trên đất Kỳ Anh (Hà Tĩnh) từ 9 giờ sáng, nhưng mãi đến 4 giờ chiều vẫn có gió mạnh cấp 9. Đây cũng là cơn bão đặc biệt, khi gây mưa lớn, cấp tập trên một diện rất rộng từ Nghệ An vào tận Thừa Thiên-Huế”- ông Cường nói.
Theo Bộ trưởng Cường, công tác dự báo và truyền thông đã bám rất sát diễn biến của bão. Trong đó, các địa phương đã kêu gọi và đưa được gần 70 nghìn tàu thuyền trú tránh hoặc về bờ an toàn. Đặc biệt, hơn 30 nghìn hộ và 115 nghìn người ở ba tỉnh trọng điểm là Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình đã kiên quyết di dời khỏi nơi nguy hiểm nên hạn chế thiệt hại về người.
Theo Tiền Phong