Bệnh đau mắt đỏ không lây lan qua đường nước uống

TNO
Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh nhận định số lượt người bị đau mắt đỏ tăng nhanh từ sau 2/9, chủ yếu là trẻ em, nguyên nhân do trẻ bắt đầu đi học.

Tăng 96,5% so với 10 ngày trước

Ngày 11/9, Sở Y tế TP.HCM họp bàn về tình hình bệnh đau mắt đỏ. Theo báo cáo của Sở, từ đầu năm 2023 đến ngày 5/9 tại các bệnh viện (BV) trên địa bàn TP có 71.740 lượt khám chữa bệnh do viêm kết mạc (đau mắt đỏ), tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2022 (58.853 ca). Trong số này có hơn 1.011 ca đau mắt đỏ có biến chứng, chiếm 1,41% (cùng kỳ năm 2022 có 892 ca biến chứng, chiếm 1,52%). Các biến chứng của bệnh đau mắt đỏ thường gặp gồm: viêm giác mạc, loét giác mạc, sẹo giác mạc, bội nhiễm, suy giảm thị lực…

Số trẻ em dưới 16 tuổi bị mắc bệnh đau mắt đỏ trong 8 tháng năm 2023 là 23.873 ca, chiếm 33,3% (cùng kỳ năm 2022 có 10.467 ca, chiếm 19,5%). Trong đó có 298 ca biến chứng, chiếm 1,65%.

Bệnh nhân đau mắt đỏ khám tại Bệnh viện Mắt TP. Hồ Chí Minh
Bệnh nhân đau mắt đỏ khám tại Bệnh viện Mắt TP. Hồ Chí Minh

Riêng từ ngày 1 - 10/9, số lượt khám chữa bệnh đau mắt đỏ tại các BV ở TP.HCM là 5.039 ca, tăng 96,5% so với 10 ngày trước đó (21 - 31/8 có 2.565 ca). Trong số đó 232 ca có biến chứng (4,6%), tăng 33% so với 10 ngày trước (174 ca). Số trẻ dưới 16 tuổi bị đau mắt đỏ trong 10 ngày qua là 3.708 ca, chiếm 73,6%, tăng 2,8 lần so với 10 ngày trước; trong đó 116 ca có biến chứng.

Trước tình hình bệnh đau mắt đỏ gia tăng, nhóm nghiên cứu các bệnh nhiễm trùng mới nổi BV Bệnh nhiệt đới - Đơn vị nghiên cứu lâm sàng ĐH Oxford (OUCRU) phối hợp BV Mắt TP.HCM và Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) khảo sát nhanh tìm tác nhân đối với những bệnh nhân (BN) đến khám tại BV Mắt TP.HCM vì đau mắt đỏ vào ngày 7/9. Có 39 BN đau mắt đỏ được lấy mẫu xét nghiệm, trong đó có 37 mẫu phát hiện nguyên nhân do vi rút entero và vi rút adeno. Đây là 2 tác nhân chính gây ra bệnh đau mắt đỏ hiện nay ở TP.HCM. Trong đó, chiếm ưu thế là vi rút entero với 86% (32 mẫu), vi rút adeno chiếm 14% (5 mẫu). Nhóm nghiên cứu tiếp tục phân tích giải mã gien nhằm định danh chính xác kiểu huyết thanh và kiểu gien của các vi rút entero và adeno gây bệnh.

Hiểu đúng về đường lây bệnh

Trước thông tin "bệnh đau mắt đỏ do vi rút entero có khả năng lây lan qua đường nước nên nếu chất lượng nước uống không tốt thì có thể cả gia đình đều bị bệnh", Sở Y tế khẳng định đây là thông tin hoàn toàn không đúng.

Theo các chuyên gia của BV Mắt TP.HCM và các tài liệu khoa học hiện nay trên thế giới, bệnh đau mắt đỏ thường do các tác nhân vi rút gây ra (adeno, entero, coxsackie…), lây truyền do tiếp xúc trực tiếp với nước mắt và các chất tiết của mắt có mang vi rút gây bệnh từ người bệnh. Việc cho rằng bệnh lây lan qua đường nước uống là hoàn toàn không chính xác.

Về thông tin "viêm kết mạc do vi rút entero thường nhẹ hơn so với viêm kết mạc do vi rút adeno và thường ít có khả năng gây dịch lớn so với viêm kết mạc do adeno", Sở Y tế cũng khẳng định đây là thông tin thiếu cơ sở khoa học. Bởi tác nhân vi rút entero gây viêm kết mạc mắt vẫn có thể gây ra bệnh cảnh nặng nhưng thường là cấp tính, khác với tác nhân vi rút adeno có thể gây ra viêm giác mạc mạn tính.

Tác nhân vi rút entero đã được ghi nhận gây ra những đợt dịch viêm kết mạc tại nhiều nước trên thế giới. Theo tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố năm 1973, vi rút entero type 70 đã gây đại dịch tại các nước châu Phi (Algeria, Ghana, Morocco, Nigeria, Tunisia), châu Á (Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan) và Anh trong giai đoạn 1969 - 1971. Gần đây, năm 2014, nhóm vi rút này gây viêm kết mạc mắt xuất huyết tại Thái Lan với hơn 300.000 trường hợp nhiễm trong vòng 3 tháng.

Khuyến cáo của bác sĩ nhãn khoa

Về thuốc nhỏ mắt sử dụng trong bệnh đau mắt đỏ, BN có thể dùng nước muối sinh lý (natri clorua 0,9%) hoặc nước cất để rửa mắt. Các loại thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh được bác sĩ chỉ định trong các trường hợp có dấu hiệu nghi bội nhiễm vi khuẩn (đau nhức, giảm thị lực, sợ ánh sáng…), phòng ngừa nhiễm trùng sau bóc giả mạc. Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh chứ không phải chỉ có một loại.

Theo Sở Y tế, các thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh hiện có nhiều loại khác nhau, đều có thể sử dụng cho bệnh đau mắt đỏ. Hiện nay, nguồn thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh trên thị trường là rất lớn và không thể xảy ra tình trạng khan hiếm thuốc.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ chuyên khoa mắt, người mắc bệnh đau mắt đỏ tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid. Việc tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid không những không có tác dụng mà còn làm tổn thương nặng hơn, kéo dài thời gian bệnh và lây lan của bệnh, tăng nguy cơ nhiễm trùng. 

Phòng ngừa lây nhiễm như thế nào ?

PGS-TS Lê Xuân Cung, Trưởng khoa Giác mạc - BV Mắt T.Ư (Hà Nội), lưu ý: Viêm kết mạc cấp khi phản ứng viêm mạnh thì mi sưng nề nhiều và xuất tiết viêm trên bề mặt kết mạc tạo thành giả mạc (màng trắng bám vào kết mạc). Giả mạc khiến phản ứng viêm nặng hơn và ngăn thuốc không thấm vào kết mạc được. Vì vậy, khi xuất hiện giả mạc thì cần phải bóc đi. Giả mạc có thể tái phát nên cần phải bóc nhiều lần cho đến khi hết hẳn.

Theo BV Mắt T.Ư, viêm kết mạc cấp nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ khỏi và không để lại di chứng. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp mặc dù được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh vẫn gây biến chứng viêm giác mạc, thậm chí gây viêm loét giác mạc (phần lòng đen của nhãn cầu). Đây là biến chứng nặng và thường xảy ra ở những người có sức đề kháng yếu (người già, trẻ nhỏ), những người không tuân thủ tốt điều trị, những trường hợp viêm kết mạc cấp nặng (mi sưng phù nhiều, có giả mạc). Do đó, BN đau mắt đỏ cần tuân thủ điều trị của bác sĩ chuyên khoa.

PGS-TS Lê Xuân Cung lưu ý, bệnh viêm kết mạc lây truyền qua dịch tiết của mắt người bệnh hoặc dịch tiết từ đường hô hấp nhiễm vào mắt người lành. Khi người bệnh đưa tay dụi mắt, tiết tố chứa tác nhân gây bệnh sẽ nhiễm vào tay và lây cho người khác qua các vật dụng dùng chung. Vi rút gây viêm kết mạc cấp có trong dịch tiết đường hô hấp và khi người bệnh nói, ho hoặc hắt hơi, nước bọt có chứa vi rút sẽ bắn ra ngoài và nhiễm vào mắt người khác, đây là con đường lây lan chính trong cộng đồng.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trẻ em bị bệnh nên nghỉ học; không đưa trẻ đến trường hoặc những nơi đông người trong thời gian bị bệnh. Khi trẻ bị đau mắt, thông thường sẽ bị một bên mắt trước, bố mẹ và người nhà cần chăm sóc trẻ thật cẩn thận, để tránh nhiễm bệnh cho mắt còn lại. Cho trẻ nằm nghiêng một bên, nhỏ mắt rồi dùng gạc y tế lau ngay ghèn, rỉ và nước mắt chảy ra (làm tương tự đối với người lớn). Người lớn tránh ôm ấp khi trẻ khi bị bệnh, nên ngủ riêng.

Trước và sau khi vệ sinh mắt, nhỏ mắt, cần rửa tay thật sạch bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Bệnh đau mắt đỏ không lây lan qua đường nước uống tại chuyên mục Thuốc - Bác Sỹ của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Thuốc - Bác Sỹ khác

Khuyến cáo dịch bệnh gia tăng dịp cuối năm tại TP. Hồ Chí Minh

'Giai đoạn cuối năm là thời điểm các bệnh lây truyền qua đường hô hấp có khả năng tăng cao, trong đó bao gồm cả COVID-19. Bên cạnh đó, nhu cầu giao thương, du lịch vào cuối năm tăng cao là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan' - Đây là khuyến cáo vừa được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) đưa ra trong thời điểm Tết Giáp Thìn 2024 đang cận kề.