Dấu hiệu nhận biết bệnh Whitmore
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Bửu Châu - Trưởng khoa Nhiễm B, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho biết, những nghiên cứu trong thời gian gần đây cho thấy bệnh “vi khuẩn ăn thịt người” phân bố ở nhiều tỉnh thành phía Bắc và phía Nam. Bệnh gặp ở nam nhiều hơn nữ, người lớn nhiều hơn trẻ em, mùa mưa nhiều hơn các mùa khác.
Tỷ lệ tử vong do bệnh Whitmore khá cao, trên 40%, nhất là các trường hợp sốc nhiễm khuẩn và viêm phổi nặng.
Triệu chứng của bệnh có thể cấp tính như sốt cao, suy hô hấp, tụt huyết áp hoặc có biểu hiện sốt kéo dài, viêm khớp, loét hoại tử một hay nhiều vùng da trên người.
Sau khi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn có thể gây nhiều thể lâm sàng khác nhau. Các thể lâm sàng này có thể xuất hiện riêng rẽ hay phối hợp như viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết/sốc nhiễm khuẩn.
Các dạng nhiễm khuẩn da mô mềm phổ biến như áp xe dưới da, mụn mủ, viêm mô tế bào, áp xe đa cơ quan, áp xe gan, lách, thận, tiền liệt tuyến, tuyến mang tai, áp xe đa ổ ở mô dưới da...
Bác sĩ Châu cho biết thêm, đôi khi biểu hiện lâm sàng của Whitmore giống bệnh cảnh lao. Nói chung đây là bệnh nhiễm trùng nặng, có tỷ lệ tử vong cao và một số trường hợp diễn tiến tối cấp, tử vong nhanh nếu bệnh nhân không được chẩn đoán sớm, chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời.
Đánh giá về loại bệnh này, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) chia sẻ: "Điều đáng ngại là không giống bệnh nhiễm trùng khác, Whitmore không có dấu hiệu lâm sàng đặc trưng mà biểu hiện nhiều triệu chứng khác nhau tùy theo chỗ xâm nhập, do đó, giới y khoa định danh căn bệnh này là kẻ bắt chước đại tài".
Ông cho biết bệnh Whitmore biểu hiện nhiều triệu chứng lâm sàng nên bác sĩ thường khó chẩn đoán ban đầu thông qua khám thông thường.
Chẳng hạn, khi vi khuẩn gây bệnh Whitmore xâm nhập phổi, người bệnh có triệu chứng sốt, ho, khó thở, lâu ngày diễn tiến viêm phổi, áp xe phổi. Khi vi khuẩn xâm nhập qua da và cơ, triệu chứng bên ngoài là các khối áp xe, vết mủ, lâu ngày dẫn đến áp xe cơ, viêm mô tế bào.
Khi vi khuẩn đi vào xương, người bệnh sẽ bị viêm xương, đau nhức, sưng nề khiến đi lại khó khăn. Vi khuẩn đi vào máu gây hiện tượng nhiễm khuẩn huyết. Ngoài ra, chúng còn có thể xâm nhập cơ quan nội tạng (gan, lách...) và hệ thần kinh trung ương gây viêm màng não.
Thời điểm bệnh Whitmore vào mùa
TS Lê Quốc Hùng phân tích, vi khuẩn gây bệnh Whitmore có khả năng gây bệnh ở nhiều hệ cơ quan là do chúng xâm nhập cơ thể con người qua nhiều con đường.
Trong môi trường tự nhiên, vi khuẩn có khả năng sống dai dẳng trong đất ẩm, cát, bùn đất, nước ô nhiễm... Chúng xâm nhập vào cơ thể người qua vết trầy xướt. Ngoài ra, người mắc bệnh còn do hít phải bào tử của chúng trong không khí.
"Whitmore gây bệnh quanh năm nhưng mùa phát bệnh nhiều nhất là mùa mưa, do vi khuẩn sống trong đất, mưa xuống gây ngập lụt, chúng đi theo dòng nước, phát tán nhiều hơn do gia tăng sự tiếp xúc của con người", ông nói thêm.
Từ con đường lây nhiễm này, TS Hùng cảnh báo 2 nhóm người có nguy cơ mắc bệnh Whitmore cao nhất là nông dân, người làm nghề chăn nuôi, người tiếp xúc nhiều với nước. Trường hợp thứ 2 là người có hệ miễn dịch yếu như mắc bệnh viêm phổi mạn tính, đái tháo đường, ung thư...
TS Hùng cảnh báo, từ lúc Whitmore khởi phát triệu chứng đến khi chuyển biến nặng chỉ trong khoảng 7 - 10 ngày, nếu chậm trễ điều trị, người bệnh có thể tử vong, tỷ lệ lên đến 70 - 80%.
Whitmore có thể được điều trị cho hiệu quả tốt bằng kháng sinh. Tuy nhiên, nếu đến bệnh viện muộn, tổn thương từ các cơ quan lan rộng, người bệnh có thể rơi vào tình trạng nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm trùng và tử vong.
"Bệnh này có từ lâu. Từ thập niên 1940-1970, nhiều trường hợp bệnh Whitmore trên lính Pháp và lính Mỹ tham chiến ở Việt Nam đã được ghi nhận. Họ gọi căn bệnh này là 'quả bom nổ chậm', bởi vi khuẩn có thể sống trong cơ thể con người đến 60 năm sau mới phát bệnh", TS Hùng nói thêm.
Do đó, nếu điều trị không đúng cách, sau một thời gian Whitmore có thể tái phát do xoắn khuẩn tồn tại lâu trong cơ thể, tái phát có thể dao động khoảng 10%.
(theo GĐVN)