Trong 2 năm qua, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp trên toàn thế giới. Hầu hết các hoạt động của doanh nghiệp đều phải diễn ra dưới hình thức online. Làm việc, họp và đến cả phỏng vấn đều phải thực hiện trực tuyến. Việc không thể gặp mặt trực tiếp nhà tuyển dụng sẽ ít nhiều gây ảnh hưởng đến buổi phỏng vấn của bạn. Dưới đây là những bí kíp phỏng vấn online mà bạn có thể áp dụng để ghi điểm với nhà tuyển dụng nhé!
1. Ghi nhớ thời gian hẹn phỏng vấn
Không phải phỏng vấn trực tiếp đồng nghĩa với việc bạn sẽ không phải tìm đường đến công ty hay phải chuẩn bị để đến nơi phỏng vấn sớm. Chính vì thế mà nhiều người có tâm lý “coi nhẹ” buổi phỏng vấn và dẫn đến việc sát giờ mới nhớ ra lịch phỏng vấn. Điều này khiến cho bạn sẽ bị cuống và quên hết những phần chuẩn bị trước đó.
Để không mắc phải sai lầm này, ngay sau khi nhận được lời mời phỏng vấn, bạn hãy đặt nhắc nhở trong điện thoại của mình. Tất nhiên, hãy luôn đặt giờ sớm hơn giờ phỏng vấn khoảng 30 phút để có đủ thời gian chuẩn bị nhé!
2. Làm quen với phần mềm phỏng vấn
Hiện nay, có rất nhiều phần mềm được sử dụng để phỏng vấn online như: Google Meet, Zoom, Skype, Slack,... Tuy đều là phần mềm để họp hành, trò chuyện nhưng thao tác của các ứng dụng này lại có phần khác nhau. Vì vậy, bạn hãy đảm bảo mình đã tải và truy cập phần mềm đó trước buổi phỏng vấn. Sau đó dành thời gian để làm quen với các thao tác, cách sử dụng phần mềm ở cả điện thoại và máy tính. Việc chuẩn bị sẵn sẽ giúp bạn bớt lúng túng và tránh các vấn đề phát sinh trong buổi phỏng vấn.
3. Đặt tên tài khoản (username)
“Tưởng không quan trọng nhưng quan trọng không tưởng”, việc bạn cập nhật tên và ảnh đại diện cho tài khoản của mình sẽ gây ấn tượng không nhỏ đến các nhà tuyển dụng. Nhiều người vẫn có thói quen đặt tên tài khoản trên mạng bằng nickname hoặc không phải tên thật, điều này khiến cho bạn bị mất điểm trong mắt các nhà tuyển dụng. Việc sử dụng đúng tên và để avatar lịch sự cũng sẽ là điểm cộng lớn dành cho bạn đấy nhé!
4. Chuẩn bị kế hoạch dự phòng
Phỏng vấn online cũng sẽ có rất nhiều trường hợp rủi ro xảy ra, ví dụ như các thiết bị công nghệ bỗng gặp trục trặc vào đúng thời điểm phỏng vấn. Tuy nhiên, các bạn cũng không cần lo lắng quá nhiều về vấn đề này. Bạn nên lưu số điện thoại của nhà tuyển dụng để nếu gặp trục trặc bất ngờ thì hãy liên hệ ngay. Bạn có thể xin phép nhà tuyển dụng chuyển sang một buổi phỏng vấn khác. Nhà tuyển dụng sẽ hoàn toàn hiểu cho bạn nếu vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát.
5. Chuẩn bị “địa điểm” phỏng vấn
Cho dù phỏng vấn online thì việc chuẩn bị địa điểm phỏng vấn cũng vô cùng quan trọng. Bên cạnh việc mặc trang phục tươm tất thì vị trí phỏng vấn của bạn cũng cần được sắp xếp gọn gàng, sạch sẽ. Trong trường hợp chưa kịp dọn dẹp phòng thì bạn có thể sử dụng background (hình nền) có sẵn trên các nền tảng. Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý chọn một nơi yên tĩnh để thực hiện phỏng vấn để đảm bảo bạn nghe rõ được nhà tuyển dụng nói gì và ngược lại.
Và đừng quên tắt chuông các thiết bị xung quanh, thông báo đến người xung quanh về lịch phỏng vấn của mình để đảm bảo không bị gián đoạn trong thời gian phỏng vấn.
6. Trang phục phỏng vấn
Cho dù là ở nhà thì bạn vẫn nên chú trọng đến trang phục phỏng vấn online. Một hình ảnh chỉn chu, gọn gàng sẽ giúp bạn ghi điểm hơn đối với nhà tuyển dụng. Trong trường hợp bạn vẫn chưa biết nên mặc trang phục nào, thì hãy mặc áo có cổ, lựa chọn những trang phục sáng màu để tổng thể tươi tắn hơn. Các bạn nữ thì có thể trang điểm nhẹ nhàng, không quá đậm. Các bạn nam thì đừng quên “dọn dẹp” râu trên mặt nhé!
7. Chuẩn bị “đồ nghề”
Buổi phỏng vấn online thường diễn ra nhanh hơn một buổi phỏng vấn trực tiếp. Tuy nhiên thì những câu hỏi vẫn không có sự thay đổi, nhà tuyển dụng sẽ đặt ra nhiều câu hỏi và cũng có thể trò chuyện với bạn trong một vài phút.
Bạn nên chuẩn bị sẵn giấy, bút để ghi chép một số thông tin cần thiết. Và đừng quên chuẩn bị một bản CV của bản thân để phòng trường hợp nhà tuyển dụng hỏi lại bạn những thông tin như học vấn, kinh nghiệm việc làm và thành tích.
8. Chuẩn bị câu trả lời cho một số câu hỏi thông dụng
Hầu hết các buổi phỏng vấn sẽ có những câu hỏi giống nhau như mục tiêu, dự định,... Việc bạn có thể trả lời những câu hỏi này một cách tự tin sẽ là điểm cộng cho sự chuyên nghiệp của mình. Trước buổi phỏng vấn, hãy tìm kiếm từ khóa “Câu hỏi phỏng vấn phổ biến” và luyện tập trả lời trước bằng cách tự đóng vai người phỏng vấn hoặc nhờ bạn bè.
9. Chuẩn bị câu hỏi riêng
Trong một buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng không phải là người duy nhất đưa ra câu hỏi cho bạn mà bạn cũng sẽ phải chuẩn bị một số câu hỏi để hỏi lại nhà tuyển dụng. Bạn có thể chuẩn bị từ 3 đến 4 câu hỏi, tập trung vào những vấn đề liên quan đến công việc bạn đang ứng tuyển, các chế độ đãi ngộ của công ty,....