"Biến thể BA.2.86 dường như đã tăng khả năng lây nhiễm tế bào biểu mô phổi ở người so với các biến thể Omicron trước đây, đồng thời tăng cường khả năng bám vào tế bào biểu mô phổi", Shan Lu Liu, tác giả của nghiên cứu kiêm giáo sư virus học tại Đại học Bang Ohio, Mỹ, nói.
BA.2.86, còn có tên là Pirola, là thế hệ trước của biến thế JN.1 vốn đang gây đa số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu. Biến thể này lần đầu được phát hiện ở châu Âu và Trung Đông.
BA.2.86 có nhiều hơn 60 đột biến protein gai so với virus gốc SARS-CoV-2 và nhiều hơn 30 đột biến so với các biến thể của omicron như BA.2 và XBB.1.5. Các nhà khoa học lo ngại việc xuất hiện nhiều biến thể có những khác biệt sẽ khiến nỗ lực chống dịch gặp khó khăn.
Ông Liu nói BA.2.86 nhiều đột biến protein gai hơn, nhưng khả năng kháng vaccine lại kém hơn XBB.1.5. Song, việc tăng khả năng lây nhiễm tế bào biểu mô phổi đặt ra những lo ngại liệu virus này gây bệnh mạnh hơn so với các biến thể Omicron khác hay không.
Theo GS Liu, Omicron có độc tính kém hơn so với các chủng trước đây như Delta, do đó người nhiễm Covid-19 do Omicron cũng sẽ sinh ra kháng thể thấp hơn 10 lần so với kháng thể từ vaccine. Do đó, chỉ dựa vào miễn dịch cộng đồng không phải là phương án tối ưu.
Tại Mỹ, biến thể JN.1 đã chiếm gần 86% số ca mắc Covid-19, theo Reuters ngày 23/1. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ trước đó cũng lo ngại số ca mắc có thể tăng trong bối cảnh tỷ lệ tiêm vaccine dưới mức kỳ vọng.
Cơ quan cũng nói hiện chưa có bằng chứng JN.1 gây bệnh nặng hơn các biến thể khác, do đó những vaccine hiện có vẫn hiệu quả trong việc phòng bệnh.
(Theo Znew)