Bộ GD&ĐT: Hoàn thiện quy định xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú

An Hảo
Tin giáo dục hôm nay - Ngày 30/11, Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội thảo trực tuyến tổng kết Nghị định số 27/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT và dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 27/2015/NĐ-CP.

Theo tin giáo dục hôm nay được biết, hội thảo trực tuyến diễn ra dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT: Vụ Giáo dục Mầm non; Vụ Giáo dục Tiểu học; Vụ Giáo dục Trung học; Vụ giáo dục Thường xuyên; Vụ Giáo dục Dân tộc; Vụ Pháp chế; Công đoàn giáo dục Việt Nam; Vụ Thi đua khen thưởng, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục; Cục Khoa học công nghệ và Môi trường.

Bộ GD&ĐT: Hoàn thiện quy định xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú - Ảnh 1
Thứ trưởng Ngô Thị Minh chủ trì và phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho biết: Từ khi Nghị quyết Hội nghị Trung ương 2 khóa 8 đã xác định giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng của giáo dục và được xã hội tôn vinh. Đến Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13 yêu cầu: cần đổi mới chính sách đãi ngộ, chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt.
Từ năm 1986 đến năm 2020, qua 15 lần xét tặng, Chủ tịch nước đã ký Quyết định phong tặng 650 Nhà giáo nhân dân và 9081 Nhà giáo ưu tú.
Triển khai thực hiện Nghị định số 27/2015/NĐ-CP ngày 10/3/2015 của Chính phủ quy định về xét tặng Nhà giáo nhân dân và Nhà giáo ưu tú, từ năm 2015 đến nay Bộ GD&ĐT đã tổ chức được 2 đợt xét tặng danh hiệu vinh dự này vào năm 2017 và năm 2020, trong đó đã có 82 Nhà giáo nhân dân và 1665 Nhà giáo ưu tú được Chủ tịch nước phong tặng.

Bộ GD&ĐT: Hoàn thiện quy định xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú - Ảnh 2
Đảng, Nhà nước và Ngành Giáo dục luôn quan tâm tới đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. 

Đây là sự quan tâm to lớn của Đảng, Nhà nước đối với ngành Giáo dục nói chung, và đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nói riêng, thể hiện truyền thống tốt đẹp “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Ngô Thị Minh, sau hai lần xét tặng danh hiệu vinh dự này, Nghị định số 27 đã cho thấy nhiều bất cập cần được thay thế cho phù hợp hơn với thực tiễn và phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục 2019 và Luật Thi đua, khen thưởng.
Các địa phương, bộ, ngành, cơ sở giáo dục đã tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định về xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú và đề xuất nội dung cần sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 27 cho phù hợp. Sau các cuộc tọa đàm, các buổi khảo sát, Bộ GD&ĐT đã dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 27.
Để có 1 nghị định thực sự đi vào thực tiễn, đáp ứng được nguyện vọng của đa số nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đề nghị các đại biểu tham dự tại 63 điểm cầu và đầu cầu Bộ GD&ĐT đóng góp công sức, tập trung trí tuệ, trách nhiệm để cho ý kiến về dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 27 và đóng góp ý kiến cho dự thảo Báo cáo tổng kết Nghị định số 27.
Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị định và trình Chính phủ ban hành trong năm 2022, kịp thời triển khai việc xét tặng danh hiệu vinh dự này lần thứ 17 vào năm 2023.
Tại Hội thảo đã nhận được 17 ý kiến đóng góp của đại diện các Sở GD&ĐT địa phương. Chủ yếu tập trung vào vấn đề quy đổi, tính thời gian trực tiếp cho cán bộ quản lý; Giảm tỉ lệ % số phiếu của Hội đồng xét tặng; Tỉ lệ số người trong Hội đồng xét tặng; Quy định cụ thể kinh phí cho hoạt động của Hội đồng xét tặng…

Bộ GD&ĐT: Hoàn thiện quy định xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú - Ảnh 3
Hội thảo được tổ chức trực tuyến tại 63 đầu cầu địa phương và 1 điểm cầu tại Bộ GD&ĐT

Thứ trưởng Ngô Thị Minh khẳng định Hội thảo đã trao đổi thẳng thắn việc thực hiện Nghị định số 27 và dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 27/2015/NĐ-CP. Các địa phương có trách nhiệm bố trí người tham gia, đóng góp ý kiến…
Đồng thời, Thứ trưởng cũng cho rằng đây là cơ hội nhìn nhận lại Nghị định 27 thực hiện trong thời gian qua và xem xét Nghị định mới thay thế Nghị định 27. Vì vậy đề nghị các đơn vị của Bộ GD&ĐT; các Sở GD&ĐT và trên 1000 thành viên đăng ký tham gia trực tuyến, nếu chưa phát biểu ý kiến tại Hội thảo và có ý kiến bổ sung thì tiếp tục gửi về Vụ Thi đua khen thưởng (Bộ GD&ĐT).
Mặt khác để Nghị định thay thế Nghị định 27 có hiệu quả, đi vào chiều sâu và đáp ứng được nguyện vọng thực tiễn của đội ngũ nhà giáo đang công tác trong ngành thì Công đoàn Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp thu, lấy ý kiến một cách linh hoạt qua nhiều kênh… để rà soát lại Nghị định dự thảo sao cho khi trình Chính phủ đạt chất lượng tốt nhất.
Với một số vấn đề được nêu ra tại Hội thảo, Thứ trưởng Ngô Thị Minh kết luận:
Trước hết, về đối tượng xét tặng, nhất trí với nội dung dự thảo và phù hợp với Điều 78 Luật Giáo dục. Thống nhất phân định rõ giáo viên, giảng viên với cán bộ quản lý giáo dục vì danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú là danh hiệu vinh dự, tôn vinh các giáo viên, giảng viên trực tiếp đứng lớp; cán bộ quản lý giáo dục phải bảo đảm thời gian trực tiếp giảng dạy theo quy định.
Về cách tính thời gian trực tiếp giảng dạy đối với cán bộ quản lý cơ sở giáo dục có tham gia giảng dạy, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị cần cập nhật thêm tính pháp lý để thể hiện tính quy đổi phù hợp trong dự thảo.
Ví như khi triển khai CTGDPT 2018, phát huy sâu không chỉ dạy chữ mà coi trọng dạy người. Như vậy phải tính đến các tiết dạy trải nghiệm trong thực tiễn; giờ dạy của giáo viên chủ nhiệm lớp; giờ dạy của cán bộ phụ trách; Cán bộ làm công tác Đoàn trường… Cần xem xét, rà soát lại để khi đưa vào Luật thấy được những đóng góp cống hiến của thầy cô một cách thấu đáo nhất…
Về việc chia nhóm đối tượng và tiêu chuẩn theo từng nhóm, Thứ trưởng đề nghị Vụ Thi đua - Khen thưởng tổng hợp ý kiến góp ý của các đại biểu, cân đối tiêu chuẩn giữa các nhóm đối tượng để hoàn thiện báo cáo giải trình về đề xuất xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 27, trong đó lưu ý phải thực sự có uy tín, lan tỏa, được người học kính trọng, đồng nghiệp và nhân dân quý mến.
Về hội đồng xét tặng: Vấn đề số phiếu của hội đồng nhất trí đề xuất giảm tỷ lệ phiếu từ 90% xuống 80% như xét tặng Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú. Tuy nhiên cần xem xét quy định những người đứng trong hội đồng xét tặng, không theo lựa chọn cơ cấu mà phải là những người tận tâm, xứng đáng để lá phiếu hội đồng thực sự đúng và uy tín…
Thứ trưởng Ngô Thị Minh đề nghị Vụ Thi đua - Khen thưởng tổng hợp ý kiến góp ý của các sở và của các đại biểu dự họp, tiếp tục lấy ý kiến của cả những cá nhân tâm huyết… để hoàn thiện, dự thảo Nghị định để đề xuất Chính phủ cho phép xây dựng Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú”.
Trong quá trình hoàn thiện dự thảo Nghị định, Bộ GD&ĐT mong muốn được các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục, các tầng lớp Nhân dân tiếp tục đóng góp ý kiến cho dự thảo Nghị định.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Bộ GD&ĐT: Hoàn thiện quy định xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú tại chuyên mục Sự kiện của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Sự kiện khác

Học sinh Hải Dương đua tài tri thức

Ngày 12/3, tại trường THCS Lê Quý Đôn (TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) đã diễn ra Lễ phát động Ngày hội Trạng Nguyên nhỏ tuổi lần thứ XXII, Viết chữ đẹp “Nét chữ - Nết người”, Bảng vàng ghi danh lần thứ IV và thi tại chỗ Bảng vàng ghi danh năm học 2023-2024.

Hòa nhịp cùng “Ngày hội gửi thư”

Thật nhiều trải nghiệm mới mẻ và ý nghĩa đã có trong “Ngày hội gửi thư - Hưởng ứng Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 53 năm 2024” vừa diễn ra thành công tại trường THCS Phan Chu Trinh (quận Ba Đình, Hà Nội). Đây là sự kiện lần đầu tiên được tổ chức với sự phối hợp của báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam.