Trong các bộ phim cổ trang Trung Quốc, từ Hoàng hậu tới phi tần hay các tiểu thư khuê các đều mang theo mình một chiếc quạt lụa nhỏ có hoạ tiết tinh tế. Mỗi chiếc có một kiểu dáng, kích thước khác nhau nhưng nhìn chung đều góp phần toát lên phong thái của chủ nhân.
Nếu là fan của các bộ phim nói về hậu cung như Diên Hi Công Lược, Như Ý Truyện, Chân Hoàn Truyện,... bạn sẽ thấy chiếc quạt lụa là vật phẩm quý giá chỉ được dùng để ban tặng trong những dịp đặc biệt bởi 1cm trên quạt đáng giá 3 chỉ vàng.
Tương tự như chiếc “nhẫn móng tay”, quạt lụa còn là thứ thể hiện sự phân cấp: Hoàng hậu sẽ dùng quạt thêu hình chim phượng, màu sắc rực rỡ và hoạ tiết cầu kỳ; các vương phi cấp dưới cũng dùng chiếc quạt nhã nhặn hơn, giản dị hơn.
Đắt là vậy nhưng không phải là không hợp lý. Quy trình làm ra chiếc quạt này là “cả một trời công sức” của những người thợ dệt Tô Châu nổi danh, nức tiếng.
Những chiếc quạt đầu tiên ở Trung Quốc xuất hiện cách đây 3000 năm. Nhưng loại quạt lụa tròn thì bắt đầu phổ biến từ thời nhà Tống. Về sau, chúng được biến tấu thành nhiều hình dạng khác như hình vuông, hình lục giác, hình hoa hướng dương,...
Cán quạt được làm bằng gỗ quý, xương hoặc ngà động vật, một số loại dành cho các mỹ nữ mới nhập cung thì dùng chất liệu tre. Cán quạt có thể để trơn, trạm trổ tinh xảo hoặc gắn thêm ngọc bích để tôn lên thân phận cao quý của người dùng.
Thế nhưng, thứ đắt tiền nhất trên chiếc quạt chính là lớp vải lụa. Chưa cần sử dụng kỹ thuật thêu thùa, các hoạ tiết tinh xảo xuất hiện trên đó chỉ thông qua công đoạn dệt mà thôi.
3 công đoạn tạo ra chiếc quạt: vẽ hoạ tiết, dệt lụa, thêu (nếu cần thiết)
Kỹ thuật dệt công phu này được gọi là “Kesi”, tức là “những sợi chỉ đan kết vào nhau”. Nghề dệt này gắn liền với làng nghề ở vùng hạ lưu sông Dương Tử, thành phố Tô Châu. Kỹ thuật dệt Kesi xuất hiện từ thời nhà Đường (618 – 907), lần đầu tiên được sử dụng rộng rãi vào thời nhà Nam Tống (1127 – 1279), trở nên phổ biến trong thời nhà Minh (1368 – 1644) và phát triển mạnh cho đến cuối triều đại nhà Thanh (1912).
Làng nghề không chỉ dệt vải làm quạt mà còn dệt khăn tay, thảm,... Nhưng nhờ kỹ thuật kỳ công, chất liệu nhẹ nhàng và hoa văn tinh tế, hoàng cung Trung Quốc thời xưa chỉ tìm đến những chiếc quạt của vùng này.
Nếu như dệt gấm sử dụng kỹ thuật dệt sợi ngang liên tiếp thì dệt Kesi lại tốn rất nhiều thời gian và đòi hỏi sự kỳ công. Mỗi hoạ tiết có một màu sắc khác nhau thì người thợ phải thay một cuộn chỉ và một con thoi dệt. Đã vật, tất cả đều làm thủ công nên có khi trong một ngày chỉ dệt được... 2cm. Một chiếc khăn tay sẽ tốn hơn một tháng và một tấm lụa lớn thì có khi mất tới hàng tháng trời.
Những chiếc quạt Kesi hiện nay không còn quá nhiều bởi số lượng nghệ nhân dệt ngày càng ít, nhu cầu sử dụng không cao và mức giá lại quá đắt đỏ.
Khách tham quan chiêm ngưỡng một tác phẩm lụa Kesi thủ công tại Bảo tàng Thạch Gia Trang