Cảm động câu chuyện của "Người làm từng việc nhỏ"

Nguyễn Như Quỳnh
Hiếm hoi lắm chúng tôi mới có thể hẹn gặp được “thuyền trưởng” của Sala Club. Bởi bác sĩ Ngô Văn Toàn luôn bận rộn trong ngày mổ phiên, hoặc mải miết với những chuyến phẫu thuật từ thiện ở vùng sâu, vùng xa của Tổ quốc.

Hành trình với tấm lòng nhân ái

Câu lạc bộ Sala (Sala Club) là nhóm thiện nguyện phẫu thuật miễn phí cho trẻ em nghèo khuyết tật, người bệnh dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa do PGS. TS, Bác sĩ Ngô Văn Toàn- Trưởng khoa chấn thương chỉnh hình(CTCH), Phó Viện trưởng Viện CTCH, Bệnh viện Việt Đức làm chủ nhiệm.

Cả đời gắn bó với ngành CTCH, bác sĩ Toàn không nhớ hết những bệnh nhân mình đã phẫu thuật thành công. Giờ đây, khi đã là chuyên gia đầu ngành CTCH của Việt Nam, ông vẫn chỉ nhận mình là “người làm từng việc nhỏ”. Cảm động tấm lòng của ông dành cho người bệnh nghèo, những người quen biết và yêu mến gọi ông là bác sĩ Toàn “xương”.

PGS.TS Bác sĩ Ngô Văn Toàn trong chuyến đi phẫu thuật từ thiện cho trẻ em nghèo.

Ngày 10/10/2010, Câu lạc bộ nhân đạo Sala được thành lập. Thành viên hầu hết đều là những bác sĩ đang công tác tại bệnh viện Viện Đức và các bạn trẻ có chung nhiệt huyết. Những người bệnh nghèo được tài trợ hoàn toàn hoặc một phần viện phí đi lại, ăn ở trong thời gian nằm viện, bao gồm cả chi phí dành cho người bảo trợ đối với bệnh nhi.

Những ngày đầu hoạt động nhóm chỉ có vài chục thành viên, họ gom góp từng đồng tiền túi ít ỏi của mỗi người với hi vọng phẫu thuật được càng nhiều trường hợp càng tốt. Về sau, càng đi nhiều vùng đất càng nhiều mảnh đời cơ cực, họ bắt đầu hành trình kêu gọi gây quỹ bằng chính trái tim yêu thương, đầy nhiệt huyết.

“Đọc những dòng tin cập nhật danh sách những mạnh thường quân, các nhà hảo tâm gửi tặng liên tiếp nối dài đăng tải trên trang web, facebook của Sala, nghĩ về những nụ cười trẻ thơ mỗi nơi đi qua đều tiếp thêm niềm tin về tương lai tươi sáng”- bác sĩ Toàn chia sẻ. 

Cứ dịp Tết đến hay hè về, Sala lại bắt đầu sôi động chương trình mới, vị "thuyền trưởng" của Sala lại cố gắng làm việc gấp hai, gấp ba lần những ngày bình thường để thu xếp thời gian đến với những trẻ nghèo khuyết tật. Kiến thức, kỹ năng chuyên môn được học hỏi và rèn luyện suốt cả cuộc đời trở thành hành trang theo ông trong những chuyến mổ từ thiện tới các vùng đất xa xôi của Tổ quốc.

Tâm huyết của bác sĩ Toàn "xương" với bệnh nhi nghèo

Bác sĩ Ngô Văn Toàn bùi ngùi nhớ lại kỷ niệm khó quên trong chuyến đi từ thiện Hà Giang cuối tháng 8/2011. 

“Đường lên cao nguyên đá hiểm trở, ngoằn ngoèo “cua tay áo” hết lên dốc lại đổ đèo. Mà dốc nào, đèo nào cũng vời vợi khiến mọi người trong xe không khỏi hoảng hốt và chóng mặt. Dường như đoán biết cảm giác của tôi, anh Bùi Văn Toán- khi ấy là Giám đốc Bệnh viện huyện Vị Xuyên, một học trò cũ của tôi làm hướng dẫn đoàn nói: “Thầy ơi, đẹp mà gian nan lắm thầy ạ”.

Chương trình lần ấy có đến 200 bệnh nhân là trẻ em, người nghèo ở Hà Giang được các bác sĩ tình nguyện khám và hội chẩn. Ngoài các bác sĩ đầu ngành Việt Nam còn có sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài thuộc Hội chữ thập xanh quốc tế là GS Claude Muller, bệnhviện Kanton – Bruderholz, Thụy sĩ. Nhiều kĩ thuật mới trước đây chỉ thực hiện ở ngoài hoặc tuyến trung ương đã được đưa vào ứng dụng thành công trên bệnh nhân.

Trong số 30 bệnh nhân được phẫu thuật miễn phí nhiều bệnh nhi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Như trường hợp của bé Tung Văn Trung (dân tộc Nùng), hai mẹ con phải đi bộ cả một ngày đường mới tới bệnh viện để được phẫu thuật 2 bàn chân khoèo bẩm sinh.

Bệnh nhi Sùng Seo Pàng (6 tuổi dân tộc Mông, ở Nà Khương, Quang Bình) với đôi chân quặt quẹo, không đứng đi được. Sau khi được các bác sĩ của Sala phẫu thuật, cháu đã có thể đi lại được bình thường.

Hay như bé Đặng Vương Quỳnh Duyên (dân tộc Tày, ở Thượng Mỹ- Việt Vinh- Bắc Quang) bị tật đôi bàn tay dính như chân vịt và co cứng do di chứng bỏng cũng được phẫu thuật thành công.

Đặc biệt, bệnh nhi Thò Mí Tông bị dị tật bẩm sinh khoèo 2 bàn chân. Tháng 6/2011 cháu đã được các bác sĩ phẫu thuật bàn chân trái nhưng do gia đình không tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ nên hiệu quả ca mổ không cao. Lần này, các bác sĩ Sala club quyết định mổ bàn chân phải cho cháu để bàn chân cháu thẳng và cháu có thể đi bằng bàn chân chứ không phải bằng má bàn chân như trước.

Trên cung đường hiểm trở về Hà Nội, trời nhá nhem tối, cả đoàn đã thấm mệt sau chuyến đi dài với cường độ làm việc căng thẳng. Đột nhiên, vị giám đốc nhờ ông tranh thủ mổ cho một thiếu nữ 24 tuổi, dân tộc Tày, bị gãy cánh tay phải cách đây hai năm và đang có biến chứng liệt thần kinh quay. Cô gái trẻ vì chán nản đã không dưới hai lần muốn từ bỏ cuộc sống.

Chuyện ngoài dự kiến khiến bác sĩ Toàn bất ngờ, nhưng trái tim nhân ái không cho phép ông làm ngơ trước một trường hợp khó. Vậy là ông quyết định để cả đoàn nghỉ ngơi trước, còn mình cùng kíp mổ tiến hành phẫu thuật ngay. Đêm khuya, ông và những thành viên Sala mới về đến Hà Nội nhưng ai cũng mãn nguyện vì một chuyến đi với nhiều điều ý nghĩa.

Các bác sĩ của Sala Club phẫu thuật cho trẻ em nghèo.

Bác sĩ kể cho chúng tôi câu chuyện xảy ra cách đây hơn mười năm, khoảng thời gian khó khăn trăn trở suốt ngày đêm để tìm hướng điều trị cho Hồng. Vượt qua hàng trăm ki-lô-mét đường trường từ Hà Nội, ông nhận lời tới Trung tâm chỉnh hình và phục hồi chức năng trẻ tàn tật Bắc Thái tại Thái Nguyên để tiến hành ca mổ từ thiện cho cô bạn nhỏ.

Sức nặng đè lên vai vị bác sĩ giàu nhiệt tâm khi trước đó, nhiều đoàn thăm khám tuyến trên đều đã bó tay. Kiên trì trong suốt một năm với bốn lần mổ cách nhau ba tháng, bất chấp điều kiện phẫu thuật nhiều thiếu thốn, khó khăn, người bác sĩ ấy vẫn chưa bao giờ thôi hy vọng. Sau mỗi lần mổ, trở ra Hà Nội, dù tất bật với công việc của bệnh viện ông vẫn không quên hằng ngày cập nhật tin tức về Hồng qua các bác sĩ ở Trung tâm Bắc Thái và đưa ra những hướng dẫn điều trị. Cuối cùng, trời cũng chiều lòng người, niềm hạnh phúc vỡ òa khi thấy cô bé tàn tật ngày nào đã có thể đứng dậy và tự đi trên đôi chân của chính mình.

Đôi mắt vị bác sĩ đã bước sang tuổi ngũ tuần không khỏi rưng rưng: “Với một chiếc nạng trên tay, Hồng tự xuống Hà Nội, đến Bệnh viện Việt Đức, rồi hỏi thăm phòng làm việc của tôi. Hai tiếng cảm ơn nghẹn ngào, ánh mắt lấp lánh niềm vui của cô bé nghèo tìm lại được hy vọng sống khiến tôi vô cùng xúc động. Nỗi xúc động ấy dâng lên gấp bội khi gần đây, tôi có dịp trở lại công tác, được tận mắt chứng kiến cô bé bại liệt ngày xưa giờ đang hạnh phúc trong niềm vui làm mẹ”.  

Gần đây nhất, em Hầu A Lia, 8 tuổi, người dân tộc Mông, quê ở xóm Cao Bắc, xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng), là trẻ mồ côi cha mẹ sống tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cao Bằng. Do bị dị dạng khớp giả bẩm sinh, chân em phát triển không đều nên không thể đi lại. Biết được hoàn cảnh của em, PGS.TS Ngô Văn Toàn và các bác sĩ Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Thái Nguyên đã phẫu thuật miễn phí cắt bỏ khớp giả để giúp Lia có thể dùng chân giả vận động.

Tình cảm nồng ấm của những “lương y như từ mẫu” đã làm lay động trái tim bao người. Những y, bác sĩ như bác sĩ Ngô Văn Toàn, các bạn tình nguyện viên, các nhà hảo tâm của Sala - họ là những cánh én cần mẫn mang niềm vui tới cho bênh nhi nghèo. 

Quỳnh Nguyên

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Cảm động câu chuyện của "Người làm từng việc nhỏ" tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Lịch nghỉ hè 2024 của học sinh 63 tỉnh thành

Hầu hết các địa phương tổ chức bế giảng năm học 2023 - 2024 trước ngày 31/5 và cho học sinh nghỉ hè bắt đầu từ 1/6. Tùy thuộc thời gian bế giảng sớm hoặc muộn hơn, cuối tháng 5, các trường sẽ cho học sinh nghỉ hè.