Phía trước mặt, một túp lều gỗ nhỏ xinh dần hiện ra, đó nhất định chính là cái chòi mà bố vẫn hay nhắc đến. Khi bố “hạ kiệu”, Ngọc mới có cơ hội đặt những bước chân của mình lên bãi cỏ xanh mềm, ngó cái chòi cho thật kỹ càng rồi hào hứng reo lên:
- Bố ơi, con muốn trèo lên đó xem thế nào!
- Ừ, nhưng phải cẩn thận đấy nhé! - Bố dặn dò, rồi vác cái cần tre có gắn túi nilon màu xanh ở đằng trước đi lùa vịt.
Ngọc hí hửng bước lên từng bậc cầu thang rồi ló đầu vào trong chòi. Nó thực sự rất chật hẹp, chẳng có gì ngoài một ít vật dụng cần thiết như: cốc nhựa, bình nước (phòng khi bố khát), đèn pin (để dò xem ban tối có ai ăn trộm vịt không), chăn chiếu (tất nhiên là để bố nằm ngủ rồi). Ngồi trong chòi nhìn ra ngoài cửa, Ngọc có thể thấy đàn vịt trắng phau đang bơi lội, xa hơn là cánh đồng vừa mới gặt xong. Làn gió từ đâu thổi vào mát rượi, Ngọc ngáp một cái thật dài rồi nằm lăn ra ngủ, thật là thoải mái!
Gần chiều, Ngọc chưa dứt cơn mơ thì bỗng thấy gan bàn chân mình buồn muốn giật mình. Hóa ra là bố đã dùng ngón tay cù nhẹ vào chân nó để báo thức.
- Nào cô gái, hãy mau xuống đây cùng bố đi chăn vịt nào!
Nhanh như sóc, nó liền đội cái nón con chạy theo sau lưng bố. Có được hai ngày cuối tuần rảnh rỗi nên Ngọc quyết tâm sẽ đi khám phá và học hỏi thật nhiều điều ở nơi này.
Hai bố con Ngọc lùa đàn vịt ra bờ sông, cách chòi một đoạn khá xa để chúng được tự do bay nhảy kiếm ăn. Cạnh đó là những đồng lúa xanh mơn mởn và có nhiều con bù nhìn rơm đứng “canh gác”. Nó ngồi trên bờ đê, hết ngắm đàn vịt xỉa lông rồi lại ngó lên trời. Những cánh diều ai thả mà bay cao vút.
Bố của Ngọc dường như chẳng bao giờ ngơi nghỉ chân tay, ông dặn Ngọc: “Con ngồi đó chơi rồi trông chừng đàn vịt. Bố phải đi chặt chuối, băm nhuyễn để tối vịt còn có cái ăn mà đẻ thật nhiều trứng!”. Nó đáp: “Vâng ạ!” thật to rồi nhận nhiệm vụ.
Lát sau, Ngọc cảm thấy chán ngồi một chỗ nên đi bộ lang thang một chút. Tới đoạn có cây cầu gỗ bắc qua sông, nó mon men theo đường đó và đặt chân đến phía bờ bên kia. Trước mắt Ngọc, một cánh đồng cỏ bất tận. Giữa con đê, có một bạn nam đang ngồi chăn bò, dáng dấp và cả nét mặt trông quen quá là quen!
- Giáp, có phải cậu đó không?
Ngọc vừa cất tiếng gọi, bạn nam đã ngẩng mặt lên và chợt nhận ra nó. Hai đứa đều bất ngờ, mừng rỡ và lúng túng vì lâu rồi mới gặp. Giáp có vẻ hơi gầy, đen sạm so với trước, nhưng tính cách hiền lành và dễ mến của cậu thì vẫn vậy.
Ngọc nhiệt tình hỏi han:
- Giáp này, sao lâu rồi tớ không thấy cậu đi học? Cậu có chuyện gì phải không?
- Tớ… tớ… đã bỏ học rồi! - Mặt bạn nam chợt cúi gằm xuống, vì buồn.
Hai đứa là bạn cũ của nhau, lên cấp Hai chỉ học chung trường mà không cùng chung lớp. Tuy vậy, khi nghe được thông tin này Ngọc vẫn cảm thấy bất ngờ và hụt hẫng.
- Sao cậu lại bỏ? - Ngọc hỏi.
- Hoàn cảnh của gia đình tớ thì cậu biết rồi đấy, nhà nghèo nên bố mẹ không thể lo đủ cho bốn anh em. Tớ phải nghỉ học để phụ giúp gia đình, nhường việc học lại cho mấy đứa nhỏ.
- Trời đất! Vậy sau này lớn lên cậu tính làm gì?
- Tớ cũng không biết nữa. Bây giờ, tớ cũng giống như mấy con bù nhìn rơm ở bên kia sông vậy! - Giáp chỉ tay, hướng ánh mắt ra khoảng không xa vời vợi.
Ngọc nhìn theo đó. Bây giờ nó mới để ý kỹ hơn đến những con bù nhìn rơm. Chúng chỉ biết đứng im làm nhiệm vụ xua đuổi đàn chim hay đàn cò xuống phá hoại mùa màng. Mà hơn cả, những con bù nhìn ấy không được đi học, cũng giống như Giáp, hằng ngày cậu phải đi chăn bò lam lũ, cực nhọc, rồi mỗi khi trông thấy đám bạn nô nức cắp sách đến trường mà lòng thầm ao ước… Ngọc cứ thở dài.
Đêm qua hai bố con Ngọc nằm ngủ lại chòi canh vịt. Sáng ra vịt đẻ bao nhiêu là trứng, quả nào quả nấy đều to và trắng trẻo, xinh xinh. Có lúc thấy nó ngồi nhặt trứng mà mặt cứ đăm chiêu nghĩ ngợi, bố liền dò hỏi:
- Sao thế con gái, con có tâm sự gì à?
Ngọc thỏ thẻ kể lại với bố chuyện gặp cậu bạn cũ và hoàn cảnh của cậu ấy. Bố thở dài an ủi, bảo nó cố gắng động viên bạn thử xem sao.
Chiều lại, Ngọc chạy qua bên kia sông rủ Giáp sang chơi. Hai đứa đang đi thong thả trên đê thì thấy đằng xa khói bay mù mịt, những con bù nhìn bị đám trẻ con nghịch dại đốt cháy tơi tả. Giáp tức quá, liền đến đuổi chúng chạy té khói và mắng cho một trận. Ngọc thấy buồn cười mà chẳng dám cười, chỉ mím môi bảo:
- Cánh đồng đã gặt xong rồi rồi, bù nhìn rơm của ruộng nhà mình đâu, cậu đừng quá tức giận mà làm gì!
- Nhưng bù nhìn có tội tình gì đâu. Để mùa sau khỏi mất công làm lại chẳng tốt hơn à? Lũ nhóc kia đúng là hết trò nên mới nghịch dại! - Giáp vẫn còn ấm ức.
- Thôi mà! Những con bù nhìn rơm cháy rồi có thể làm lại được. Còn cậu đấy, nếu từ bỏ việc học, bỏ dở ước mơ của mình thì sẽ không làm lại được đâu!
- Tớ…
Nhắc tới chuyện đi học, Giáp tự dưng trở nên im lặng, buồn buồn. Đã lâu rồi cậu không được cắp sách đến trường, gặp lại thầy cô và bạn bè. Thi thoảng ngồi chăn bò một mình, Giáp hay nhớ đến những bài giảng của cô giáo, nhớ cái mùi thơm tho, sạch đẹp của sách vở mà muốn đi học quá chừng! Có lẽ hiểu được điều đó nên Ngọc cảm thấy rất thương bạn. Nó đặt tay lên vai Giáp, an ủi:
- Xin lỗi cậu, đừng buồn vì câu nói của tớ nhé! Bọn mình hãy tới bãi đất trống nướng khoai thôi nào!
Ngọc kéo tay Giáp để giục cậu đi nhanh hơn nhưng Giáp chợt đứng khựng lại, nói với vẻ mặt vô cùng nghiêm túc:
- Nhờ cậu mắng mà tớ mới nhận ra…
- Nhận ra điều gì?
- Việc học là rất quan trọng. Tớ không thể làm bù nhìn rơm mãi được!
Nghe được thế, Ngọc mừng rỡ:
- Đúng đấy! Cậu hãy mạnh dạn chia sẻ hoàn cảnh gia đình mình với mọi người, tớ tin chắc rằng cả lớp và cô giáo sẽ có cách để giúp đỡ cậu được đến trường. Tớ hứa cứ cuối tuần ra đồng giúp bố trông đàn vịt, tớ sẽ tặng cậu mấy quả trứng mang về cho các em cải thiện bữa ăn. Cậu phải cố theo học tiếp nhé!
- Tớ cũng mong là như vậy! Tớ sẽ cố gắng đi học một buổi, còn một buổi thì đi làm để giúp đỡ bố mẹ!
- Hi hi! Cậu thật siêng và hiếu thảo! Tớ phải học tập theo cậu mới được!
Ngọc và Giáp cùng cười tươi rạng rỡ. Rơm và củi khô vừa được kiếm về, hai đứa phân công nhau nhóm bếp hì hụi nướng khoai. Cuối cùng, những củ khoai nóng hổi và thơm phức cũng ra lò. Ngọc để dành cho bố một củ to bự, phần còn lại là của “hai đầu bếp nhí”. Trong lúc ăn khoai, cả tay và mặt mũi Ngọc dính đầy vết than nên đen thùi lùi. Giáp cũng nhem nhuốc trông giống “thổ dân” không kém!
Chợt một cơn gió ào đến làm lá cờ trên tay chú bù nhìn rơm bay phấp phới. Hình như các chú bù nhìn rơm cũng đang vui bởi một ước mơ vừa được nhen lên trên cánh đồng này! Và Ngọc thầm cảm ơn công việc thầm lặng và giản dị của các chú bù nhìn rơm đã nhắc người bạn của mình tìm lại ước mơ đến trường…
DƯƠNG THỊ PHƯƠNG
(Số 1 Hoàng Văn Thụ, Hà Đông, Hà Nội)