Các chuyên gia nhãn khoa cảnh báo tật lác mắt đang gia tăng ở nhiều đối tượng, đặc biệt là lứa tuổi thiếu nhi, do thói quen sử dụng thiết bị điện tử không đúng cách như vừa nằm vừa dùng điện thoại, để màn hình quá gần mắt hoặc liên tục thay đổi tiêu điểm khi lướt nội dung.

Giáo sư Kyoko Ono – chuyên gia nhãn khoa thuộc Bệnh viện Đại học Y và Nha khoa Tokyo – cho biết việc dán mắt vào màn hình điện thoại ở khoảng cách gần trong thời gian dài khiến mắt bị kích thích mạnh, dễ dẫn đến rối loạn điều tiết và mất phối hợp giữa hai mắt. Nhiều người dùng điện thoại thông minh không nhận thức được mức độ nguy hại của việc sử dụng thiết bị quá lâu. Giáo sư Kyoko Ono cũng đưa ra khuyến cáo cần kiểm soát chặt thời lượng sử dụng thiết bị điện tử và khuyến khích các bạn nhỏ nên tham gia hoạt động ngoài trời. Bên cạnh đó thì cũng nên đi khám ngay khi thấy dấu hiệu bất thường như hai mắt không thẳng hàng.

Giáo sư thỉnh giảng Miho Sato – chuyên ngành nhãn khoa tại Đại học Y Hamamatsu – nhận định rằng chứng lác mắt ở các bạn nhỏ có thể được cải thiện nếu thay đổi cách sử dụng thiết bị điện tử, như giảm thời gian tiếp xúc hoặc giữ khoảng cách an toàn khi nhìn màn hình. Tuy nhiên, biện pháp can thiệp chỉ hiệu quả với các trường hợp mới khởi phát hoặc nhẹ, do đó việc phòng ngừa sớm đóng vai trò then chốt.
Thống kê từ Văn phòng Nội các Nhật Bản cho thấy thời gian trung bình học sinh sử dụng thiết bị điện tử mỗi ngày đã tăng rõ rệt trong giai đoạn 2018–2022. Học sinh tiểu học tăng từ 118 phút lên 214 phút/ngày, trung học cơ sở từ 164 lên 277 phút và trung học phổ thông từ 217 lên 345 phút/ngày.

Lác mắt là tình trạng hai mắt không nhìn cùng về một hướng, khiến mắt không thể tập trung vào cùng một hình ảnh. Khác với lác bẩm sinh, hiện nay phần lớn trường hợp mắc tật này là cấp tính, do các yếu tố bên ngoài tác động, đặc biệt là việc sử dụng thiết bị điện tử kéo dài. Xu hướng này càng trở nên rõ nét trong thời kỳ giãn cách vì COVID-19 khi thói quen sinh hoạt bị thay đổi, trẻ em và người lớn đều gia tăng thời gian tiếp xúc với màn hình điện thoại, máy tính bảng, máy chơi game…
Các chuyên gia nhấn mạnh: Điều chỉnh thói quen sử dụng thiết bị điện tử đúng cách và xây dựng lối sống lành mạnh là chìa khóa để bảo vệ thị lực, đặc biệt trong giai đoạn thị giác đang phát triển như tuổi thiếu nhi và vị thành niên.