Câu cá vàng của biển

TNTP Chủ Nhật
Ở vùng Duyên hải Nam Trung Bộ có một nghề gọi là nghề “câu cá ngừ đại dương”. Nghề này không chỉ mang lại một nguồn thu nhập đáng kể cho ngư dân mà còn góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu cho nhiều địa phương. Mời các bạn cùng tìm hiểu về hành trình “săn” loài cá đặc biệt này nhé!

Loài cá kỳ diệu dưới biển sâu

Cá ngừ đại dương thuộc họ Cá bạc má (Scombridae), chủ yếu thuộc chi Thunnus. "Bộ tộc" cá ngừ đại dương vô cùng đa dạng với hơn 48 loài khác nhau. Nổi tiếng nhất là cá ngừ vây xanh, được mệnh danh là “cá vàng” của đại dương. Ngoài cá ngừ vây xanh còn có các loại: vây vàng, mắt to, sọc dưa, vằn… “Mẹ biển” đã ưu ái cho vùng biển Việt Nam của chúng ta khi có đủ các loài cá quý giá này.

Cá ngừ cắn câu
Cá ngừ cắn câu

Nhiều ngư dân ở làng biển Phú Câu (TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) kể rằng, cuối năm 1993, đầu năm 1994, trong một chuyến đi đánh lưới cá chuồn, tình cờ ngư dân nhặt được một đoạn dây câu, trong đó có mấy con cá ngừ mắc câu. Mổ ra, trong bụng cá vẫn còn nguyên mồi cá chuồn. Vậy là bà con lần hồi làm lưỡi câu, dây câu rồi đi câu thử. Kết quả đã bắt được nhiều cá ngừ đại dương. Nghề câu cá ngừ đại dương ra đời từ đó.

Cuộc săn cá gian nan nơi biển thẳm

Ban đầu nghề câu cá ngư đại dương dùng “cần” câu cột phao nhựa thả dây, cho trôi trên mặt biển, khi cá cắn nhấp phao thì kéo cá lên ghe. Đến nay, ngư dân đã chuyển sang dùng dây cước dài hàng nghìn mét, đấu từng sợi cột phao thả xuống vùng biển có cá để câu. Vậy làm thế nào để các bác ngư dân biết nơi nào có cá ngừ để câu? Theo chú Năm Hoàng – người có nhiều năm kinh nghiệm đi tàu và câu cá ngừ đại dương ở vùng biển Nha Trang, Khánh Hòa cho biết, đây là loài cá rất khỏe, chúng có thể di chuyển hàng nghìn hải lý trên đại dương. Tuy nhiên, vùng biển Việt Nam có nhiệt độ “lý tưởng” khiến cá ngừ rất thích trú ngụ ở đây. Khi biết tập quán và sở thích di chuyển của loài cá này, các bác ngư dân có thể “săn đón”.

Ngư dân xuống biển đánh bắt cá
Ngư dân xuống biển đánh bắt cá

Khi tàu chạy ra đến vùng biển “cá ngừ đại dương” thì các bác ngư dân bắt đầu kiếm mồi câu. Món khoái khẩu nhất của cá ngừ đại dương là loại mực ống bay hay cá nục than. Mỗi “cần câu” có độ dài từ 20 – 40 sải tay. Cá ngừ đại dương là loài cá cực khỏe, với hình dáng như “quả tên lửa” nó có thể dễ dàng băng qua những dòng hải lưu chảy xiết.

Cá ngừ được đưa lên từ hầm cá
Cá ngừ được đưa lên từ hầm cá

Lúc cá cắn câu, “cuộc chiến” bắt đầu. Chú Năm Hoàng kể: “Sợi cước bắt đầu rung nhẹ, rồi giật mạnh. Chú giật dây câu cho lưỡi câu móc chắc hơn rồi nương dây theo cá. Cá kéo mạnh thì thả cước ra một chút, cá chùng lại thì từ từ thu cước lên. Sợi cước cứa vào tay đau điếng nhưng cứ phải giữ cho dây câu luôn căng, nếu không, cá sẽ tuột mất”. Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng với trọng lượng lên tới hàng chục kilogram, phải mất hơn nửa giờ các bác ngư dân mới kéo được cá lên tàu.

Quà quý của đại dương

Cá ngừ đại dương là món quà quý giá từ biển cả, không chỉ nổi tiếng khắp trong nước mà còn được bạn bè quốc tế biết đến. Với vị ngọt thanh, tươi ngon đặc trưng, cá ngừ đại dương có thể chế biến thành hơn 101 món ăn hấp dẫn, từ sashimi, mắt cá ngừ tiềm thuốc bắc, đến lẩu, gỏi, nướng… mỗi món ăn đều là một trải nghiệm vị giác khó quên.

Một con
cá ngừ đại dương
vừa được câu lên
Một con cá ngừ đại dương vừa được câu lên

Nghề câu cá ngừ đại dương không chỉ làm thay đổi đời sống của nhiều ngư dân vùng Duyên hải Nam Trung Bộ mà còn tạo động lực phát triển một số ngành nghề khác.

 

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Câu cá vàng của biển tại chuyên mục Khám Phá của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Sân chơi vui mê tơi

Nếu bạn từng mơ ước một lần được hóa thân thành Thánh Gióng, cưỡi ngựa sắt, vung roi ...

Bài Khám Phá khác

"Hóa thạch sống" của Trái Đất

Nhà tự nhiên học Charles Darwin là người đầu tiên đặt ra thuật ngữ "hóa thạch sống" vào năm 1859. Đây là thuật ngữ chỉ những loài gần như không tiến hóa trong hàng triệu, thậm chí hàng trăm triệu năm và có vẻ ngoài giống hệt tổ tiên của chúng.

"Viên ngọc đỏ" của tháng Ba

Khi hoa gạo nở là những đợt lạnh cuối cùng sắp đi qua, cái lạnh thưa thớt dần và chuẩn bị chuyển tiếp sang mùa hè. Ca dao từ xưa đã coi hoa gạo như một tín hiệu dự báo thời tiết. Ở thôn Tân Mỹ, xã Lãng Sơn (huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) có một cây gạo cổ thụ mỗi khi nở hoa là đỏ rực rỡ cả một góc trời.

Bất ngờ với những trái tim "kỳ quặc"

Thế giới động vật có rất trái tim “kì quặc” nhiều điều kỳ thú. Chỉ riêng câu chuyện xung quanh trái tim của các loài động vật thôi cũng đủ khiến bạn “Mắt chữ A, mồm chữ O” luôn đó.

Những tấm pin mặt trời rực rỡ sắc màu

Lấy cảm hứng từ đôi cánh xanh lấp lánh của bướm Morpho, các nhà khoa học Đức đã phát triển các tấm pin năng lượng mặt trời vừa có màu sắc tươi vui vừa đảm bảo hiệu suất.