Nghề nặn tò he - từ đâu mà có?
Tớ đã “phỏng vấn” nghệ nhân Đặng Văn Cương – Phó chủ nhiệm câu lạc bộ Làng nghề truyền thống ngay cạnh Hồ Gươm. Ông kể: Làng Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội là "cái nôi" đã sinh ra nghề nặn tò he có tuổi đời hàng mấy trăm năm!
Thuở ban đầu, người làng Xuân La thường nặn tò he có hình ngũ quả, chim công, chim phượng... làm lễ vật dâng cúng vào dịp hội làng. Sau đó, thấy trẻ con thích mê các nắm bột màu có thể “biến hình” thành chú lợn, con trâu béo tròn… các bác nông dân đã “biến” việc nặn tò he thành trò chơi dân gian dành tặng niềm vui cho trẻ thơ.
"Đấu mào, nhào bột - Hay cực bạn ơi"
Để làm tò he, cần có gạo nếp trộn đều với gạo tẻ, đem ngâm nước, rồi xay thành bột mịn. Bột nhào kỹ, không còn dính tay mới nắm thành từng nắm nhỏ, đem luộc chín. Luộc bột cũng phải ở nhiệt độ hợp lý, mùa đông thì làm bột dẻo hơn mùa hè.
Bột chuẩn bị xong, sẽ đem bột “đấu” với màu. Màu để nhuộm bột lấy từ nước màu: Đỏ của gấc, màu đen từ nhọ nồi, màu xanh từ lá trầu không... Hiện nay tò he được làm nhiều phục vụ các điểm du lịch, lễ hội và trở thành môn học trong nhà trường nên có thể thay thế bằng màu từ thực phẩm an toàn. Khi làm bột, chọn nhiều gạo nếp hơn thì tò he bóng mượt và màu sắc tươi đẹp hơn.
Thử làm tò he - thích mê bạn ạ!
Quanh cổng đền Ngọc Sơn, có 20.000 đồng là bạn chọn được một tò he ưng ý. Và trong “vài nhịp kim phút”, nghệ nhân có thể hô biến nắm bột màu thành ngay siêu nhân hay một nhân vật hoạt hình giống hệt trong phim ảnh.
Nếu muốn tự tay làm tò he, bạn sẽ được hướng dẫn tỉ mỉ từ việc cho tay vào sáp ong để tránh bị dính, cách uốn, nắn bột để tạo hình tò he. Nhìn qua thì “dễ như hái lá me” nhưng nặn tò he giống như một môn nghệ thuật, phải khéo tay và rất kiên trì để hoàn thành sản phẩm “made by tui” đấy bạn ạ.
Câu chuyện tò he vươn tầm quốc tế
Nhìn du khách tò mò ngắm các nghệ nhân rồi hân hoan mua tò he, tớ cảm thấy rất tự hào. Vậy là tò he đã được thổi hồn để trở thành tác phẩm nghệ thuật khiến bạn bè quốc tế cũng “xiêu lòng”.
Các con giống tò he, ngoài các nhân vật bước ra từ truyền thuyết như Aladdin, Tôn Ngộ Không, Pokemon… các nghệ nhân còn thể hiện cả các chú bộ đội hay chiến sĩ công an giữa đời thường. Mỗi hình tò he vì thế, không phải chỉ là đồ chơi yêu thích của tuổi thơ mà còn trở thành những “nhân vật kể chuyện”- những nhân chứng lưu giữ bản sắc văn hóa, lịch sử về cội nguồn dân tộc Việt Nam.
Bài viết được đăng tải trên ấn phẩm Cún bông chăm học, số Tết năm 2024, mời các bạn độc giả mua báo đón đọc nhé!
Còn nhiều bài viết hay, hấp dẫn, các câu chuyện thú vị đang chờ đón bạn khám phá tại ấn phẩm Cún bông chăm học. Nếu bạn quan tâm có thể mua báo và đọc trực tuyến tại cửa hàng trực tuyến của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhé! |