Trước đây, việc phòng chống muỗi chủ yếu dựa vào đèn UV, nhang muỗi, hóa chất diệt côn trùng hoặc lưới chắn. Tuy phổ biến nhưng những phương pháp này chưa thật sự hiệu quả và tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm không khí trong không gian sinh hoạt, đặc biệt ảnh hưởng tới trẻ nhỏ, người già và người có cơ địa nhạy cảm.

Trong những năm gần đây, công nghệ AI được ứng dụng mạnh mẽ vào lĩnh vực phòng chống muỗi, cho ra đời các thiết bị có khả năng nhận diện và xử lý mục tiêu chính xác. Một trong những sản phẩm đáng chú ý là Bzigo Iris thiết bị do các kỹ sư Israel phát triển. Thiết bị sử dụng camera hồng ngoại kết hợp trí tuệ nhân tạo để quét không gian, phát hiện muỗi khi chúng đậu trên tường hoặc trần nhà và đánh dấu bằng tia laser công suất thấp. Người dùng sẽ nhận cảnh báo trên điện thoại thông qua ứng dụng kết nối. Tuy không tiêu diệt muỗi trực tiếp, nhưng Bzigo giúp phát hiện nhanh và xử lý hiệu quả, đặc biệt trong môi trường kín như nhà ở đô thị.
Ở quy mô lớn hơn, các nhà khoa học tại Đại học South Florida (Mỹ) đã phát triển loại bẫy muỗi tích hợp AI có thể phân biệt các loài muỗi dựa trên hình dạng và chuyển động cánh. Thiết bị sử dụng camera, cảm biến và bộ xử lý trực tiếp để nhận diện những loài nguy hiểm như Aedes aegypti tác nhân chính gây bệnh sốt xuất huyết và Zika. Khi phát hiện, thiết bị sẽ tự động hút hoặc bẫy muỗi mà không cần sự can thiệp của con người. Hệ thống này là một phần của dự án EMERGENTS trị giá 3,6 triệu USD do Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ tài trợ, có thể hoạt động bằng pin hoặc điện mặt trời và được thiết kế phù hợp cho cả thành thị lẫn nông thôn.
Tại Uganda và Ấn Độ, các tổ chức y tế đang thử nghiệm VectorCam thiết bị dùng điện thoại thông minh gắn thêm kính hiển vi và phần mềm AI, cho phép nhận diện loài muỗi tại chỗ chỉ trong vòng 15 - 18 giây. Phương pháp này giúp rút ngắn thời gian giám sát dịch bệnh ở các khu vực khó tiếp cận.

Ngoài ra, các mô hình AI kết hợp bản đồ vệ tinh cũng được triển khai tại châu Âu để xác định những khu vực có nguy cơ cao là nơi sinh sản của muỗi. Việc này giúp tối ưu hóa thời gian và phạm vi phun thuốc, hạn chế lạm dụng hóa chất và bảo vệ môi trường tự nhiên.
Tại Việt Nam, các thiết bị sử dụng AI bắt muỗi hiện vẫn còn mới nhưng được đánh giá có tiềm năng ứng dụng lớn, đặc biệt trong bối cảnh dịch sốt xuất huyết gia tăng theo mùa. Các thiết bị như Bzigo Iris phù hợp sử dụng trong gia đình, còn các bẫy AI ngoài trời có thể tích hợp vào chương trình phòng dịch cộng đồng nếu có sự hỗ trợ về kỹ thuật và ngân sách.
Dù chi phí đầu tư ban đầu cao hơn phương pháp truyền thống, nhưng robot bắt muỗi ứng dụng AI có nhiều ưu điểm: không hóa chất, không tiếng ồn, dễ dàng cập nhật phần mềm và có thể hoạt động liên tục trong thời gian dài.
Việc áp dụng công nghệ mới không chỉ góp phần bảo vệ sức khỏe gia đình mà còn giúp nâng cao năng lực kiểm soát dịch bệnh một cách chủ động, chính xác và hiệu quả hơn trong bối cảnh muỗi đang phát triển quanh năm và mở rộng địa bàn sinh sống do biến đổi khí hậu.