Cậu học trò vùng cao sáng chế đồ chơi chạy bằng sức gió

ctv03
Từ những kiến thức học được trên lớp, cậu học sinh vùng cao nảy ra ý tưởng về một món đồ chơi chạy bằng sức gió. Đặc biệt, “nhà sáng chế nhí” còn đưa cả đặc trưng văn hóa dân tộc vào món đồ chơi của mình.

Từ những kiến thức học được trên lớp, cậu học sinh vùng cao nảy ra ý tưởng về một món đồ chơi chạy bằng sức gió. Đặc biệt, “nhà sáng chế nhí” còn đưa cả đặc trưng văn hóa dân tộc vào món đồ chơi của mình.

Phùng Tiến Hưng, học sinh lớp 7A, trường PTCS Trần Quốc Toản (xã Đắk Ha, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông) được thầy cô và bạn bè trong trường biết đến với biệt danh “nhà sáng chế nhí” kể từ khi món đồ chơi bằng sức gió được chế tạo từ phế liệu của cậu bạn đoạt giải cao trong hai cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên năm ngoái. Thế nhưng, nhiều người không biết rằng, cậu học trò ấy còn có tình yêu đối với văn hóa dân tộc, đặc biệt là văn hóa Nùng, một phần trong con người cậu.

Vừa kết thúc buổi học, Hưng chạy ào về trông nhà để bố mẹ đi rẫy. Căn nhà nhỏ bằng gỗ nơi Tiến Hưng sống cùng bố mẹ và hai em nằm lọt thỏm dưới những tán cao su. Dù đơn sơ, tuềnh toành nhưng cô Vương Thị Lê (mẹ của Hưng) vẫn dành một chỗ trang trọng nhất để treo những tấm giấy khen của con. Giới thiệu lần lượt từng tấm một, rồi Hưng dừng lại ở tấm giấy khen đóng khung, khoe: “Chính nhờ mô hình đồ chơi bằng sức gió mà năm ngoái mình được ra Hà Nội nhận tấm giấy khen này”.

Mô hình đồ chơi sức gió của Phùng Tiến Hưng

Hưng kể, hồi lớp 5, mình có được học bài “Sử dụng năng lượng mặt trời, gió và nước chảy” trong bộ môn khoa học, ban đầu mình cũng tò mò về những loại năng lượng này, đem sự tò mò đó hỏi cô chủ nhiệm. Không nhớ hai cô trò trao đổi với nhau những gì, mà sau buổi sáng hôm đó, cô và mình lên kế hoạch sáng tạo ra sản phẩm “Đồ chơi sức gió”.

“Năng lượng của gió trong tự nhiên có thể làm cho mọi vật di chuyển và hoạt động dễ dàng. Từ nguyên lý đó, mình nảy ra ý tưởng tạo một mô hình thể hiện được những nét đặc trưng của văn hóa dân tộc mình. Cùng với sự hướng dẫn của cô giáo chủ nhiệm, mình tận dụng các phế phẩm, rác thải trong gia đình như: Hộp giấy, biển nhựa, lõi sắt, nhôm để thiết kế sản phẩm”, Tiến Hưng cho biết.

Ngoài ra, cậu bạn còn quan sát rất kỹ các hoạt động lao động sản xuất của người dân. Rồi tất cả được Hưng cẩn thận cắt tỉa, sắp xếp để mô phỏng thành những con rối. Đặc biệt, những con rồi được làm bằng bông và vải vụn được cậu bạn mặc cho trang phục truyền thống của người Nùng, sinh hoạt sản xuất đều giống với đời sống thực tế của bà con đồng bào Nùng.

Giải thích về nguyên lý hoạt động của món đồ chơi, Tiến Hưng cho biết, cánh quạt sẽ được gắn kết bên dưới chân các con rối. Khi gió thổi mạnh sẽ giúp cho cánh quạt quay, tạo lực đẩy cho các con rối bên trên mô hình di chuyển. Do mỗi con rối được gắn với một công việc cụ thể nên khi mô hình hoạt động tạo nên cảnh sinh hoạt, lao động.

Cậu học trò vùng cao bên cạnh những tấm bằng khen trong căn nhà gỗ đơn sơ

Cô Vương Thị Lê (mẹ của Tiến Hưng) cho biết, Hưng rất hiếu động, thích mò mẫm làm ra những sản phẩm đồ chơi mới. “Trong quá trình làm sản phẩm, phần lớn những dụng cụ mà Tiến Hưng sử dụng đều được cháu tận dụng.Thấy cháu ham quá nên vợ chồng cô cũng ủng hộ, chứ ban đầu cũng có ý phản đối để cháu tập trung vào việc học. Bản thân vợ chồng cô đầu tắt mặt tối, suốt ngày ngoài rẫy nên cũng không tưởng tượng được cháu làm gì, chỉ đến khi món đồ chơi thành hình và hoạt động thì mới ngỡ ra”, cô Lê cho hay.

Được biết, mô hình “Đồ chơi và sức gió” của Hưng đã đoạt 2 giải nhì trong Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Đắk Nông (không có giải nhất) và cấp quốc gia. Sản phẩm không chỉ có tác dụng giải trí mà còn được dùng để trưng bày, quảng bá nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số, đặc biệt là dân tộc Nùng tại Đắk Nông.

Cô Nguyễn Thị Thủy, giáo viên chủ nhiệm đồng thời là người hướng dẫn Tiến Hưng thực hiện mô hình này cho biết: “Phần lớn do Hưng chủ động làm, những gì khó quá em mới hỏi tôi. Hai cô trò bàn bạc, tìm hiểu cuộc sống đồng bào Nùng rồi cùng nhau thực hiện, nhưng công sức chủ yếu vẫn là của Hưng”.

Theo: Dân trí

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Cậu học trò vùng cao sáng chế đồ chơi chạy bằng sức gió tại chuyên mục Gương Mặt của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Gương Mặt khác

Cậu bé đa tài

“Cậu bé đa tài” hay “anh bạn nhỏ thông thái” là những lời nhận xét của thầy cô và bạn bè khi nhắc tới Nguyễn Khải - học sinh lớp 3A, trường Tiểu học Chu Văn An A (TP. Hà Nội).

"Cô Tổng" tài năng và yêu mến học trò

Hơn 16 năm công tác tại ngôi trường vùng xa của thị xã Điện Bàn, cô giáo Phan Thị Ngọc Phương (trường THCS Lê Văn Tám, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) luôn nhiệt huyết, năng động, sáng tạo trong công việc và hết lòng thương yêu học trò.

Mô hình lớp học đường phố của thầy giáo Ấn Độ

Xuất thân từ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thầy giáo Deep Nayak, 37 tuổi, mong muốn mọi đứa trẻ đều được học hành đầy đủ. Để hiện thực hóa giấc mơ, anh dạy miễn phí cho trẻ em nghèo ngoài đường phố bang Tây Bengal, Ấn Độ.

Môi trường để bạn trẻ rèn luyện, cống hiến, trưởng thành

Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu (GMTVNTB) Đặng Cát Tiên và Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2023 Lê Văn Phúc đã có những chia sẻ đầy cảm xúc về hành trình phấn đấu vươn lên, cống hiến, đặc biệt là sự đồng hành của tổ chức Đoàn, Hội, Đội giúp các bạn trở thành những tấm gương truyền cảm hứng như ngày hôm nay.

Ước mơ trở thành nhà Toán học

Ghé thăm lớp 5A7, trường Tiểu học Thanh Xuân Nam (quận Thanh Xuân, Hà Nội), nếu bạn ngỏ ý muốn gặp “cây Toán” của lớp, hẳn là các bạn trong lớp sẽ vui vẻ giới thiệu ngay cậu bạn Nguyễn Hoàng Việt – người sở hữu một loạt thành tích ấn tượng cấp Quốc gia, Quốc tế với bộ môn thú vị này