Tin giáo dục hôm nay, nữ Giáo sư Toán học đầu tiên của Việt Nam - Bà Hoàng Xuân Sính sinh năm 1933, là người làng Cót, Từ Liêm, Hà Nội, từng bảo vệ luận án Tiến sĩ ở Paris, Pháp.
Ở thời điểm hiện tại, bà Sính đang giữ cương vị là một nữ chính khách, nhà Quản lý giáo dục, nhà Toán học, giáo sư và nhà giáo Nhân dân nổi tiếng. Không chỉ vậy, bà còn được biết đến với tên tuổi là nữ Giáo sư Toán học đầu tiên của Việt Nam.
Sinh ra trong gia đình có nền tảng giáo dục nên ngay từ nhỏ, bà Sính đã có cơ hội gặp gỡ với các bậc tri thức nôi tiếng đương thời như Giáo sư Vũ Đình Hòe, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn. Do đó, niềm đam mê với sách vở nghiên cứu của nữ Giáo sư ngày một lớn dần.
Năm 1948, sau khi học hết cấp II, bà Sính quyết định theo học tại trường cấp III Chu Văn An, khi ấy vốn là trường nam sinh. Thời đó, việc nam nữ học chung một trường là chuyện rất không bình thường, nhưng bà Hoàng Xuân Sính vẫn vượt qua mọi định kiến xã hội để theo đuổi niềm đam mê học tập của mình.
Năm 1951, bà tốt nghiệp bằng Tú tài 1 ở Hà Nội ban Sinh ngữ tiếng Anh và tiếng Pháp. Sau đó, bà sang Pháp du học lấy thêm bằng Tú tài 2 chuyên ngành Toán học.
Sau khi tốt nghiệp đại học, bà tiếp tục kiên trì mục tiêu học lên cao học để lấy được bằng Thạc sĩ Toán học và nhận được bằng vào năm 26 tuổi. Ở thời đó, ngay cả người Pháp cũng thi trượt Thạc sĩ rất nhiều, thế nhưng một cô gái người Việt như bà Hoàng Xuân Sính đã xuất sắc chinh phục được tấm bằng giá trị này. Rất nhiều tờ báo trong nước thi nhau đăng tải thông tin cô gái Việt xuất sắc, đa tài đạt học vị cao ở nước ngoài. Việc luôn được quê hương dõi theo đã khiến bà Sính vô cùng xúc động và càng thôi thúc kế hoạch về nước để cống hiến.
3 tháng sau khi nhận bằng Thạc sĩ, bà Hoàng Xuân Sính đã chính thức trở về quê hương và đảm nhiệm công tác giảng dạy tại khoa Toán, trương Đại học Sư phạm Hà Nội với cương vị Chủ nhiệm bộ môn Đại số.
Vừa dạy học, bà Sính vừa nghiên cứu khoa học. Cũng trong thời gian này, bà đã viết luận án về: "Lý thuyết Gr-phạm trù" dưới sự hướng dẫn của nhà Toán học nổi tiếng người Pháp Alexander Grothendieck.
Đến năm 1975, bà Hoàng Xuân Sính tiếp tục quay trở lại Pháp bảo vệ luận án tại Đại học Paris 7. Trước hành trình đến Paris bảo vệ luận án, bà đã trình bày kết quả nghiên cứu của mình tại Đại hội Toán học Việt Nam năm 1971 ở Hà Nội và Đại hội Toán học thế giới năm 1974 được tổ chức ở Vancouver (Canada).
Dù bị thử tài bằng cách ra đề thi tại chỗ nhưng bà Hoàng Xuân Sính vẫn tự tin và xuất sắc vượt qua, nhận danh hiệu nữ Tiến sĩ toán học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Paris. Bà cũng là người phụ nữ nước ngoài đầu tiên đến Paris bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ quốc gia về toán học.Ngày 29/4/1980, Thủ tướng Phạm Văn Đồng kí quyết định công nhận chức vụ khoa học Giáo sư cho 83 cán bộ và Phó Giáo sư cho 347 cán bộ làm công tác giảng dạy đại học và nghiên cứu khoa học. Trong đó có nữ giáo sư toán học đầu tiên của Việt Nam, Giáo sư Hoàng Xuân Sính ở lĩnh vực Toán Đại số. Như vậy, Giáo sư Hoàng Xuân Sính là nữ Giáo sư Toán học đầu tiên ở Việt Nam.
Hiệu trưởng đầu tiên của trường Đại học Thăng Long
Giáo sư Hoàng Xuân Sính còn là một trong những người đầu tiên sáng lập ra Đại học Thăng Long, đồng thời là Hiệu trưởng đầu tiên của trường. Hiện tại, bà đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Đại học Thăng Long. Những năm qua, nữ Giáo sư Toán học đầu tiên của Việt Nam đạt được rất nhiều giải thưởng danh giá như: Được phong tặng danh hiệu "Nhà giáo Nhân dân" cao quý; được chính phủ Pháp (Gouvernement de la République française) trao tặng "Huân chương Cành cọ Hàn lâm" vào năm 2003 vì những đóng góp to lớn của cá nhân bà cho công cuộc phát triển và hợp tác nghiên cứu khoa học giữa hai quốc gia Pháp-Việt.
Ngoài ra bà Hoàng Xuân Sính còn từng là thành viên Hội đồng xét tặng Giải thưởng Kovalevskaya cho các nhà khoa học nữ xuất sắc ở Việt Nam. Nhiều năm liên, bà luôn giữ vai trò trưởng đoàn học sinh Việt Nam tham dự các kỳ thi Olympic Toán quốc tế.
Tấm gương sáng về học tập, nghiên cứu và cống hiến của giáo sư Hoàng Xuân Sinh luôn là niềm tự hào và vinh dự đối với các thế hệ thầy cô giáo, học sinh, sinh viên.