Núi Phạm Tịnh có độ cao 2.570 m, là đỉnh cao nhất dãy núi Vũ Lăng, tỉnh Quý Châu, tây nam Trung Quốc. Khối núi đá vôi nổi tiếng ở đây có tên Đỉnh Vàng, với hình dáng được cho rằng giống ngón tay cái, cao hơn 100 m. Năm 2018, Phạm Tịnh được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới và 2 ngôi chùa có tầm quan trọng lớn trong Phật giáo, là nơi giác ngộ của Phật Di Lặc.
Trên đỉnh khối đá có hai ngôi đền thờ Phật Thích Ca và Di Lặc, kết nối với nhau bằng một cây cầu nhỏ vòm qua hẻm Kiếm Vàng. Trong đó, đền thờ Phật Thích Ca Mâu Ni - tượng trưng cho hiện tại nằm ở phía Nam và đền thờ Phật Di Lặc - biểu tượng cho tương lai nằm hướng phía Bắc.
Được xây dựng vào thế kỷ 7 trước Công nguyên, 2 ngôi chùa đến nay vẫn lưu giữ nhiều mảnh kiến trúc nguyên vẹn trong khi hầu hết ngôi chùa cùng thời đã bị phá hủy.
Để lên được Đỉnh Vàng, du khách mất 4 tiếng để leo 8.888 bậc đá và bám vào các dây xích sắt. Ngoài ra, bạn cũng có thể chọn cách đi cáp treo lên đến tảng đá Nấm nổi tiếng gần đó.
Không chỉ sở hữu hình dáng và công trình kiến trúc độc đáo, hệ sinh sinh vật ở núi Phạm Tịnh cũng đa đạng đáng nể. Trên độ cao từ 500-2.570 m so với mực nước biển, nơi đây là môi trường sống của hơn 2.000 loài thực vật đặc hữu và hàng trăm động vật quý hiếm. Một số loài có mặt từ hàng triệu năm trước.
Để bảo vệ môi trường và cảnh quan thiên nhiên, từ năm 2018, chính quyền địa phương đã giới hạn mỗi ngày cho phép tối đa 23.480 khách tham quan.
Thời gian thích hợp nhất để tham quan núi Phạm Tịnh là mùa hè và mùa thu với khí hậu mát mẻ, thảm thực vật nhiều màu sắc. Những tháng mùa đông thời tiết lạnh và khắc nghiệt hơn với băng tuyết trên đỉnh núi.