Khó khăn lớn nhất hiện nay trong dự báo bão Mặt Trời là xác định hướng của từ trường – được gọi là thành phần Bz – trong các vụ phun trào vành nhật hoa (CME). Từ trường này có thể hướng về phía bắc hoặc phía nam. Nếu Bz hướng nam, nó dễ "kết nối" với từ trường Trái Đất, khiến năng lượng tràn vào tầng điện ly, tạo ra cực quang nhưng đồng thời cũng gây nguy cơ gián đoạn lưới điện, hệ thống định vị và liên lạc. Ngược lại, nếu Bz hướng bắc, bão Mặt Trời có thể đi qua mà không gây ảnh hưởng nghiêm trọng.

Hiện nay, các thiết bị đo Bz chủ yếu được đặt ở điểm Lagrange 1 (L1), cách Trái Đất khoảng 1,5 triệu km – nơi các tàu vũ trụ như ACE và DSCOVR hoạt động. Những thiết bị này chỉ có thể đo từ trường khi cơn bão đã tới rất gần Trái Đất, tức là chỉ có thể đưa ra cảnh báo trong khoảng 15 đến 60 phút – khoảng thời gian quý giá nhưng không đủ dài để có các phương án phản ứng linh hoạt hơn.
Theo các chuyên gia, để cải thiện khả năng dự báo, nhân loại cần đặt thêm các vệ tinh quan sát ở các điểm Lagrange khác như L4, L5 hoặc L3 – nơi có thể quan sát CME từ lúc mới rời khỏi Mặt Trời. Dù chi phí không nhỏ, các nhiệm vụ như vậy được đánh giá là hoàn toàn khả thi trong tương lai gần.
Một hệ thống quan trọng đang hoạt động là GONG (Mạng lưới Dao động Toàn cầu) – gồm 6 kính viễn vọng đặt tại nhiều nơi trên thế giới, theo dõi hoạt động của Mặt Trời gần như liên tục từ những năm 1990. GONG cung cấp hình ảnh cập nhật mỗi phút về bề mặt Mặt Trời, giúp phát hiện các vùng có nguy cơ phun trào mạnh.
Thời tiết vũ trụ hiện vẫn là lĩnh vực chưa được đầu tư tương xứng, dù ngày càng có vai trò quan trọng. Khi thế giới ngày càng phụ thuộc vào vệ tinh, hệ thống định vị và cơ sở hạ tầng điện toàn cầu, một sự kiện giống như Carrington năm 1859 – cơn bão Mặt Trời mạnh nhất từng được ghi nhận – nếu tái diễn, có thể gây thiệt hại lên tới hàng nghìn tỷ USD.
Dù chưa thể dự báo hoàn toàn chính xác, các nhà khoa học vẫn đang nỗ lực phát triển công cụ và mô hình để sớm nhận diện nguy cơ, nhằm bảo vệ Trái Đất khỏi những tác động cực đoan từ không gian vũ trụ.