Theo Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos), quá trình tái nhập khí quyển của Kosmos 482 đã được giám sát bởi Hệ thống cảnh báo tự động về các tình huống nguy hiểm trong không gian gần Trái Đất. Không có thiệt hại hay thương tích nào được ghi nhận sau vụ rơi.

Kosmos 482 từng là một phần của Chương trình Venera – dự án chinh phục Sao Kim nổi tiếng của Liên Xô trong giai đoạn 1961–1984. Tuy nhiên, sứ mệnh của nó thất bại do sự cố ở tầng đẩy cuối, khiến tàu không thể thoát khỏi quỹ đạo Trái Đất. Sau khi phóng ngày 31/3/1972, Kosmos 482 tách thành bốn mảnh, trong đó hai mảnh nhỏ hơn rơi xuống New Zealand vài ngày sau đó. Phần module hạ cánh nặng gần 500 kg tiếp tục quay quanh Trái Đất cho đến nay.
Nhờ cấu tạo đặc biệt bằng titan để chịu được điều kiện khắc nghiệt tại Sao Kim, phần lớn bộ phận của Kosmos 482 đã sống sót khi đi qua bầu khí quyển Trái Đất. Điều này khiến giới khoa học từng lo ngại về khả năng va chạm nếu tàu rơi xuống khu vực dân cư.

Sự kiện cũng đặt lại vấn đề về rác thải vũ trụ – mối đe dọa ngày càng lớn khi số lượng vệ tinh không còn hoạt động gia tăng. Theo Roscosmos, hiện có khoảng 3.000 vệ tinh "chết" như Kosmos 482 vẫn đang quay quanh Trái Đất. Năm 2023 ghi nhận gần 2.000 vật thể rơi từ quỹ đạo xuống Trái Đất, trong đó khoảng 1/7 có khối lượng trên 500 kg. Dù đa số cháy rụi trong bầu khí quyển hoặc rơi xuống vùng biển, rủi ro tiềm ẩn vẫn hiện hữu.
Dù không hoàn thành sứ mệnh, Kosmos 482 vẫn là phần di sản đặc biệt của thời kỳ đỉnh cao thám hiểm không gian, đồng thời phản ánh những thách thức hiện tại của ngành hàng không vũ trụ hiện đại.