"Ô nhiễm trắng" từ túi nilon: "Gánh nặng" của môi trường
Túi nilon đã trở thành vật dụng khó có thể thiếu trong cuộc sống thường ngày. Với ưu điểm bền, chắc, tiện dụng và giá thành thấp, túi nilon được sử dụng phổ biến và hầu như có mặt ở mọi nơi. Mỗi năm có 8 triệu tấn rác thải nhựa bị đổ ra đại dương. Gần 1/3 số túi nilon mà con người sử dụng không được thu gom và xử lý và hậu quả là rác thải nhựa và nilon phát sinh không ngừng, có mặt ở khắp nơi, gây ra thảm họa mà các nhà khoa học gọi là "ô nhiễm trắng”.
Việc sử dụng bọc vở nilong của các bạn học sinh. Mỗi năm trung bình một học sinh sẽ sử dụng ít nhất 30 bọc vở nilon, chưa kể sang học kỳ mới nếu bọc vở đã sờn cũ, mờ tối lại phải thay mới. Cứ thế chúng ta nhân lên cho hàng chục triệu học sinh ở Việt Nam thì con số lớn lên tới hàng trăm triệu bọc vở nilong cũ thải ra mỗi năm học.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới, tác hại nguy hiểm nhất của túi nilon tới môi trường chính là tính chất rất khó phân hủy trong điều kiện tự nhiên. Chiếc túi nilon nhỏ bé và mỏng manh như vậy nhưng lại có quá trình phân hủy có thể kéo dài từ 500 - 1.000 năm nếu không bị tác động của ánh sáng mặt trời. Bên cạnh đó, hàng loạt sinh vật biển chết sau khi nuốt phải một lượng lớn túi nilon hay mắc kẹt trong rác thải nhựa.
Dự án “Đổi bọc vở nilon lấy bọc vở giấy” của học sinh tiểu học nhằm đẩy lùi “ô nhiễm trắng”
Nhận thấy rằng những tác hại của túi nilon với môi trường là rất lớn, vì thế các bạn Các bạn học sinh lớp 3B0 do cô giáo Bùi Minh Thủy làm chủ nhiệm đã cùng nhau thực hiện dự án “Đổi bọc vở nilon lấy bọc vở giấy” nhằm hạn chế tối đa thảm họa “ô nhiễm trắng”.
Nhóm học sinh lớp 3B0 đang thực hiện tuyên truyền việc đổi bọc vở nilon.
Bạn Đặng Linh Chi, một thành viên của dự án cho biết: “Bọc vở nilon có hại cho môi trường và khó có thể tiêu hủy tự nhiên, mà cho vào nhà máy xử lý rác thải cũng mất nhiều thời gian và vẫn có hại cho môi trường. Vì thế mình nghĩ nên nói không với bọc vở nilon và từ năm học trước tới giờ mình đã không còn sử dụng bọc vở nilon nữa rồi”.
Cô giáo Bùi Minh Thủy chia sẻ: “Sau mỗi một học kỳ, tôi thấy các bạn thay vở và vứt ra rất nhiều bọc vở nilon, mà những chiếc bọc vở ấy không thể tái sử dụng bởi vì đã sước mờ, tối, rách. Tôi thấy bọc vở nilon không có tác dụng nhiều trong việc bảo quản sách vở mà cũng không làm sách vở đẹp hơn. Tôi có mua cho các bạn giấy kê tay để bọc bên ngoài vở thì thấy không hỏng, sạch sẽ, sang kỳ hai có thể bóc ra và bọc sang quyển vở mới dùng tiếp, không phải vứt đi. Cùng lúc đó nhà trường triển khai tiết học dự án, vì thế tôi quyết định để các bạn học sinh trong lớp làm một dự án vì môi trường mang tên “Đổi bọc vở nilon lấy bọc vở giấy”.
Tấm poster do chính tay các bạn học sinh lớp 3B0 thiết kế.
Với dự án “Đổi bọc vở nilon lấy bọc vở giấy”, các bạn học sinh tự chia nhóm để thiết kế poster cổ động và “gõ cửa” từng lớp học trong trường để vận động “nói không với bọc vở nilon”, thực hiện đổi bọc vở.
Thế nhưng là những bạn học sinh còn quá nhỏ, thì có lẽ việc tuyên truyền cũng gặp khó khăn lúc ban đầu. Bạn Đặng Linh Chi nhớ lại: “Khi ấy mình có vào một số lớp, tuy nhiên thì do các bạn đang phải làm bài nên bị từ chối. Có một số bạn trong nhóm cũng hơi nản, nhưng mình động viên các bạn cố gắng đi thêm vài lớp nữa và còn dán thông báo, poster trong trường để nhiều người biết đến dự án hơn. Mình thấy rất vui khi mình cùng các bạn đã góp một phần vào việc bảo vệ môi trường”.
Trong ngày hội chợ xuân đầu năm 2019 chính là thời điểm để các bạn lớp 3B0 thực hiện đổi 5 bọc vở nilon lấy 1 bọc vở giấy. Và đã có khoảng 1000 bọc vở nilon được thu hồi, ngày một gia tăng.
Với việc triển khai dự án, tuyên truyền tới toàn bộ giáo viên, học sinh trong trường đã phần nào giúp mọi người thay đổi tư duy, thói quen sử dụng túi nilon. Không những vậy, trong quá trình thực hiện, các bạn học sinh lớp 3B0 đã có cơ hội được gắn kết với nhau hơn, rèn luyện kỹ năng về thuyết trình, tuyên truyền, tìm kiếm thông tin, thiết kế poster, làm việc nhóm… Đây quả là một hoạt động đẹp và ý nghĩa.
Trường Ngôi Sao hướng tới một năm học mới giảm rác thải nhựa, không bóng bay
Từ đầu năm học 2018 – 2019, Trường Liên cấp Tiểu học và Trung học cơ sở Ngôi Sao Hà Nội đã đưa ra chủ đề xuyên suốt năm học là bảo vệ môi trường, ngay trong ngày lễ khai giảng đã không sử dụng bóng bay. Trong từng tiết học, hoạt động ngoại khóa, nhà trường luôn mong muốn tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các bạn học sinh trong việc bảo vệ môi trường.
Cô Nguyễn Thị Vân Trang (Hiệu trưởng nhà trường) cho biết: "Ở trường Ngôi Sao ngay từ khai giảng năm học trước đã thực hiện không thả bóng bay, thay vào đó là những hoạt động khác. Tôi nghĩ là thông qua việc này để tuyên truyền đến các thầy cô giáo, các bạn học sinh về ý nghĩa của việc mình không thả bóng bay để bảo vệ môi trường. Chắc chắn trong năm học tiếp theo này chúng tôi vẫn sẽ nói không với bóng bay trong ngày lễ khai giảng. Và tôi nghĩ nếu có sự đồng lòng, chung tay liên kết từ nhiều trường sẽ tạo nên sự thay đổi lớn về thói quen sử dụng túi nilon".
Một năm học mới nữa lại tới, để bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải từ bọc vở nilon, các bạn học sinh có thể thay bằng bìa họa báo, bìa lịch, mua bọc vở bằng giấy để bọc hoặc để nguyên bìa nếu bìa đủ cứng.