Chương trình mới: Học sinh ngồi học theo nhóm

ngochiep
Giáo viên từ đơn môn khi chuyển sang dạy tích hợp sẽ được đào tạo lại và cấp chứng chỉ, sĩ số học sinh/lớp phải giảm để ngồi học theo nhóm và hoạt động trải nghiệm.

Đó là những thay đổi được quan tâm thảo luận tại hội nghị trực tuyến triển khai công tác chuẩn bị các điều kiện để áp dụng chương trình sách giáo khoa mới, do Sở GD&ĐT TP.Hà Nội tổ chức vào ngày 20/1 với sự tham dự của hàng nghìn cán bộ, giáo viên (GV) ở 30 điểm cầu trên toàn TP.

Thầy Đoàn Công Thạo, Hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ, băn khoăn về việc nhiều môn học tích hợp được đưa vào chương trình THCS, với việc GV đang dạy đơn môn như hiện nay khi dạy tích hợp sẽ khó tránh khỏi việc dạy trái tay khi phải dạy các môn khác.

Thầy Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT), cho hay: Bộ GD&ĐT đã có tính toán cụ thể về việc bồi dưỡng đội ngũ GV dạy đơn môn chuyển sang dạy tích hợp ở THCS. Dự kiến, mỗi GV sẽ phải học 20 tín chỉ (mỗi tín chỉ 15 tiết) cho một lĩnh vực cần bổ sung. Ví dụ, GV lịch sử sẽ cần học thêm 20 tín chỉ về địa lý (và ngược lại) để có thể dạy môn tích hợp lịch sử - địa lý. Sau khi hoàn thành đợt bồi dưỡng này, GV sẽ được cấp chứng chỉ chứ không cấp văn bằng mới.

Học sinh không ngồi dàn hàng ngang như hiện nay nếu theo chương trình mới

GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới, cho rằng trước mắt việc dạy tích hợp không đặt ra yêu cầu 1 GV phải dạy nhiều lĩnh vực mà có thể 3 người dạy 1 môn tích hợp. Còn những chủ đề liên môn thì thiên về môn nào, GV môn đó sẽ đứng lớp. Tuy nhiên, thầy Thuyết cũng cho rằng, về lâu dài, trường sư phạm sẽ xây dựng chương trình đào tạo GV tích hợp.

Đề nghị giảm sĩ số học sinh

Nhiều ý kiến của lãnh đạo các cơ sở giáo dục cũng lo ngại trước thực trạng phần lớn trường học của Hà Nội, nhất là cấp tiểu học, đều đang quá tải về sĩ số trong khi trường lớp chưa đáp ứng kịp.

GS Nguyễn Minh Thuyết cho hay khi thực hiện chương trình mới thì lớp học sẽ bố trí theo hình thức làm việc theo nhóm, học sinh (HS) không ngồi dàn hàng ngang như hiện nay, đồng thời sẽ tiến hành nhiều hoạt động trải nghiệm giáo dục. "Do vậy, chúng tôi tha thiết đề nghị Hà Nội giảm sĩ số HS theo quy định, với tiểu học là 35 HS/lớp và với trung học là 40 - 45 HS/lớp. Nếu sĩ số 50 - 60 HS/lớp như hiện nay thì không cách gì tổ chức được lớp học theo nhóm", GS Thuyết nói.

Thầy Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.Hà Nội, khẳng định ngay sau hội nghị, Sở sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết về việc tiếp tục thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa mới. Đồng thời, chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, các trường sư phạm, tham mưu UBND TP về việc tăng cường ngân sách, kinh phí, cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục phổ thông; công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp; công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ; công tác tài chính phục vụ đổi mới chương trình, sách giáo khoa.

Trước đó, chia sẻ thêm về hoạt động trải nghiệm sáng tạo, TS Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Trung học, Bộ GD&ĐT cho rằng, không phải tất cả các hoạt động trải nghiệm sáng tạo đều do giáo viên đảm nhận.

Ví dụ như học sinh trải nghiệm ở bảo tàng thì giáo viên chỉ đóng vai trò là người lên kế hoạch, nội dung, còn nhân viên bảo tàng mới là người hướng dẫn. Cũng như dạy về hướng nghiệp, rõ ràng các chuyên gia tư vấn tâm lý hướng nghiệp hay các doanh nghiệp thành đạt, đại diện các nhà máy, xí nghiệp tổ chức trải nghiệm cho học sinh sẽ hiệu quả hơn.

Thầy Chuẩn cũng cho biết, hoạt động trải nghiệm sáng tạo không hề mới mẻ, các nhà trường đều đã tổ chức thực hiện nhưng với mật độ ít hơn. Như tiết chào cờ, sinh hoạt đầu tuần hay sinh hoạt lớp, lâu nay, giáo viên là người tổ chức, thực hiện, nay chúng ta đổi vai, giáo viên chỉ là người thiết kế, học sinh đóng vai trò thi công, để cho học sinh “tự nhúng mình” vào trong các hoạt động, và đây cũng là quá trình giúp các bạn hình thành các phẩm chất, năng lực….

Ngọc Hiệp (Tổng hợp)

 

 

 

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Chương trình mới: Học sinh ngồi học theo nhóm tại chuyên mục Trường Lớp của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Trường Lớp khác

Hành trình kết nối nụ cười

Một buổi sáng đầy ắp tiếng cười và kiến thức bổ ích vừa diễn ra tại trường THCS Trần Quốc Tuấn (quận 7, TP. Hồ Chí Minh) khi chương trình giao lưu “Hành trình kết nối nụ cười” ghé thăm học sinh nơi đây.

"Chiến binh nhí" bảo vệ môi trường

Trước kỳ nghỉ hè, sân trường THCS Lê Quý Đôn (TP. Thủ Đức) và trường Tiểu học Chi Lăng (quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh) bỗng rộn ràng hơn bao giờ hết khi xuất hiện một nhân vật đặc biệt - chim cánh cụt khổng lồ siêu dễ thương.

Niềm vui ở trường Chi Lăng

Tuần qua, trường THCS Chi Lăng (quận 4, TP. Hồ Chí Minh) đã trở thành điểm đến sôi động của chương trình “Hành trình trở thành công dân toàn cầu” – hoạt động ý nghĩa do Báo TNTP&NĐ và Doanh nghiệp xã hội Cùng Con Đi Khắp Thế Gian tổ chức.