Đổi mới, sáng tạo trong dạy học
Năm học 2022-2023, lần đầu tiên sách giáo khoa mới lớp 3 được đưa vào giảng dạy tại trường Tiểu học Thịnh Liệt. Cùng với đó, cách dạy học của giáo viên và tiếp thu kiến thức của học sinh cũng có nhiều thay đổi. Trong đó, học sinh phải chủ động trong cách tiếp nhận kiến thức và bày tỏ ý kiến cá nhân trong bài học. Giáo viên không trực tiếp truyền thụ kiến thức mà sẽ là người dẫn dắt học sinh khám phá bài học. Ngoài ra, chương trình học mới khá cởi mở, khuyến khích giáo viên tìm những phương pháp dạy phù hợp để đáp ứng nhu cầu dạy và học.
Sau những bỡ ngỡ ban đầu, cô Linh Hương bắt đầu quen dần với phương pháp dạy học mới. Ngoài việc tham gia các chương trình tập huấn nâng cao nghiệp vụ, cô giáo cũng chủ động tìm các phương pháp mới để học sinh tiếp thu kiến thức chủ động hơn và nhớ bài lâu hơn.
Khó khăn nhất trong dạy học đối với nữ giáo viên trẻ là môn Tiếng Việt. Cô Linh Hương cho biết: “Qua thực tế giảng dạy tại lớp 3A9, nơi tôi chủ nhiệm, tôi nhận thấy một số học sinh chưa thực sự hứng thú trong các giờ học Tiếng Việt, học sinh chưa sôi nổi, tích cực trong giờ học. Các em còn rụt rè, chưa tự tin chia sẻ. Các sản phẩm học tập của học sinh chưa tốt, các đoạn văn viết còn sơ sài. Số học sinh tích cực tương tác trong các giờ học Tiếng Việt mới chỉ chiếm 52,3% và số học sinh hoàn thành tốt cũng chỉ đạt 56,8%”.
Học trò chưa chú ý trong học tập, kết quả không đạt kỳ vọng khiến cô Hương trăn trở làm thế nào để cải thiện chất lượng học tập. Vì vậy có đã đưa ra 4 hoạt động đổi mới, sáng tạo trong dạy học, đó là: Phát huy trải nghiệm của học sinh; Đóng vai và trò chơi học tập; khai thác thế mạnh của việc ứng dụng Công nghệ thông tin; tăng cường đồ dùng, thiết bị, phương tiện trực quan.
“Khi dạy hoạt động chia sẻ của chủ điểm “Anh em một nhà”, tôi nhờ một bạn học sinh đóng vai phóng viên hỏi các bạn trong lớp một số câu hỏi như: Bạn biết các dân tộc nào? Bạn biết các dân tộc đó nhờ thông tin ở đâu? học sinh rất hào hứng khi được chia sẻ với các bạn về những dân tộc mình đã biết. Một số học sinh còn chuẩn bị cả tranh ảnh mình đã chụp cùng đồng bào dân tộc thiểu số ở nơi mình từng được đi du lịch cùng gia đình. Nhờ sự chủ động này, các em tiếp thu kiến thức nhanh và sôi nổi hơn trong giờ học”, cô Linh Hương kể.
Trong các tiết học, học sinh đã chăm chú nghe giảng, tích cực suy nghĩ, hăng hái phát biểu xây dựng bài, thực hiện đầy đủ các bài tập giáo viên giao. Tỉ lệ học sinh tích cực học tập môn Tiếng Việt đạt 79,5% đã tăng 27,2% so với đầu năm học.
Mặt khác, cô giáo cũng áp dụng các trò chơi học tập được nhiều hoạt động như: khởi động, hình thành kiến thức mới, luyện tập và vận dụng trải nghiệm. Một số trò chơi gây được hứng thú cho học sinh như: Ai nhanh - Ai đúng, Đuổi hình bắt chữ, Rung chuông vàng, Vòng quay kì diệu, Trò chơi vũ điệu hoá đá. Theo cô Linh Hương, đây là hình thức dạy học rất phù hợp với tâm lí lứa tuổi của học sinh tiểu học.
“Em thấy cô Hương hiền, xinh nữa, giảng bài rất dễ hiểu và nhiệt tình với học trò. Trong khi học, chúng em được chơi nhiều trò chơi để tìm hiểu về bài học nên bạn nào cũng vui. Nếu chúng em chưa hiểu bài, cô sẽ giảng bài và giải thích để học sinh biết được kiến thức đó”, bạn Đinh Khả Ái, lớp 3A9 cho hay.
Ứng dụng công nghệ trong giảng dạy
Hiện nay, khoa học công nghệ ngày càng phát triển đòi hỏi giáo viên cần khai thác thế mạnh của việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học. Cô Hương cũng đã tìm tòi và áp dụng một số phần mềm hỗ trợ để áp dụng vào công việc.
Các phần mềm cô Linh Hương ứng dụng trong dạy học gồm Padlet, Plickers, Quizizz, Kahoot, Canva. Những ứng dụng này giúp giao bài tập củng cố kiến thức cho học sinh; hỗ trợ cha mẹ học sinh trong việc ôn tập kiến thức cho các con; học sinh chuẩn bị bài và gửi cho cô giáo và các bạn cùng quan sát, học tập; làm bài tập trắc nghiệm ngay trên lớp,…”.
Cô chia sẻ về việc ứng dụng phần mềm Plickers: “Tôi xây dựng câu hỏi trên phần mềm, học sinh tham gia trả lời câu hỏi bằng cách giơ thẻ mã. Giáo viên quét mã và kiểm soát kết quả trên phần mềm. Từ đó, tôi có thể biết được đáp án của tất cả học sinh trong lớp và số lượng học sinh lựa chọn ở mỗi đáp án. Với hình thức này, học sinh rất vui khi thấy tên mình được hiển thị trên màn hình”.
Ngoài các dụng cụ, đồ dùng dạy học sẵn có tại trường, cô Linh Hương cũng chủ động tự làm các sản phẩm riêng để phục vụ nhu cầu dạy học, kể đến như: phiếu bài tập, hình con rối mô phỏng nhân vật, sản xuất video, các thẻ từ để gắn bảng, bảng nhóm. Cô Linh Hương quan niệm, việc sử dụng đồ dùng dạy học tự làm sẽ giúp học sinh được trải nghiệm thực tế, từ đó áp dụng các kiến thức đã học vào thực tiễn tốt hơn.
Đánh giá về đồng nghiệp, cô giáo Trần Thị Thủy - Khối trưởng Khối 3 nhận định: “Ngay từ khi về trường, cô Linh Hương đã ham học hỏi, nhờ vậy hiện tại cô đã có chuyên môn vững vàng. Cô Hương có sự điềm đạm, thân thiết, gần gũi với học sinh nên đều được các em yêu quý. Tôi đã dự giờ nhiều tiết học, kể cả đột xuất và thấy rằng, cô giáo có sự sáng tạo, tâm huyết trong giảng dạy để truyền thụ kiến thức cho học trò”.
Với sự nỗ lực, sáng tạo trong giảng dạy, cô Hà Linh Hương đã đạt được một số thành tích nổi bật như: giải Nhất Hội thi Giáo viên dạy giỏi quận Hoàng Mai, cấp Tiểu học năm học 2023-2024; giải Nhất Hội thi Giáo viên dạy giỏi Thành phố Hà Nội, cấp Tiểu học năm học 2023-2024; giải Nhất Cuộc thi Thiết kế bài giảng điện tử, sản phẩm CNTT/STEM quận Hoàng Mai, cấp Tiểu học năm học 2023-2024; giải Khuyến khích cuộc thi Thiết kế bài giảng điện tử, sản phẩm CNTT/STEM Thành phố Hà Nội, cấp Tiểu học năm học 2023-2024.
“Với riêng tôi, một người thầy tâm huyết sẽ truyền cảm hứng cho học sinh để phát huy được sự chủ động, sáng tạo của các em bởi hứng thú là mạch nguồn của sự sáng tạo”, cô Hương nói.
“Cô giáo Linh Hương là một cô giáo trẻ nhưng có chuyên môn tốt, nghiệp vụ vững vàng và rất tâm huyết với nghề. Cô luôn tìm tòi, đổi mới phương pháp trong từng bài giảng để giúp cho học sinh tiếp thu bài một cách chủ động, hứng thú, tích cực và hiệu quả. Những giờ dạy của cô luôn cuốn hút học sinh ngay từ những phút đầu tiên. Tiết học được cô linh hoạt đổi mới các phương pháp giảng dạy một cách sáng tạo giúp học sinh có cơ hội được phát huy hết năng lực riêng của bản thân. Do đó, học sinh lớp cô chủ nhiệm luôn chủ động trong giờ học, các tiết học diễn ra nhẹ nhàng, thoải mái mà vẫn đạt hiệu quả cao”. Nhà giáo Nguyễn Thị Thương - Hiệu trưởng trường Tiểu học Thịnh Liệt |