Cô nàng "khùng" đặt niềm tin đúng chỗ để thành công

Chu Hải
TNTP - Với những nỗ lực không ngừng nghỉ cùng với niềm đam mê đặt đúng hướng, cô bạn sinh năm 2000 – Lê Hồng Thụy đã xuất sắc giành học bổng toàn phần trị giá 3,7 tỷ đồng từ đại học SOKA, Mỹ (SOKA University of America).

Hồng Thụy và mẹ (bên trái) trong lễ trao tặng học bổng Vì Tầm Vóc Việt cùng với Bà Trần Thị Như Trang – Giám đốc Quỹ Vì Tầm Vóc Việt và ông Greg Hollis – Hiệu trưởng trường cấp III TH School (bên phải).

Chúng mình hãy cùng gặp gỡ cô bạn xuất sắc này nhé!

Phóng viên (PV): Từng đỗ chuyên Hoá trường Phố thông năng khiếu thành phố Hồ Chí Minh, vì sao giờ Thụy lại chọn theo học ngành học xã hội như vậy?

Hồng Thụy (HT): Khi quyết định từ bỏ trường Phổ thông Năng khiếu, chuyển ra TH School tại Hà Nội học tiếp hai năm lớp 11, 12, ai cũng nói mình “khùng”. Với mọi người, trường chuyên là danh tiếng, là bề dày thành tích, là môi trường học tập mơ ước dành cho những học sinh xuất sắc nhất. Vậy mà mình lại bỏ đi để đến với một ngôi trường hoàn toàn mới, thậm chí lúc đó TH School còn chưa xây xong nữa. Khi rút hồ sơ, mình lo lắng hoang mang lắm, muốn khóc luôn vì Năng Khiếu là giấc mơ suốt bốn năm cấp 2 của mình. Nhưng đến bây giờ, mình có thể nói là mình không hối hận về những gì đã chọn. Quyết định ngày ấy đã mở ra một trang mới cho cuộc đời mình.
Tại TH School, mình được học thêm các môn xã hội, thay vì chỉ tập trung ba môn Toán – Lý – Hoá để thi đại học. Khi được học môn Global Perspective (Tư duy toàn cầu) trong bộ môn tiếng Anh, hay môn World History (Lịch sử thế giới) trong bộ môn Lịch sử, mình đã nhận ra các bộ môn xã hội mới thực sự khiến mình yêu thích và đam mê. Có lẽ nếu tiếp tục học ở trường chuyên, mình sẽ không có cơ hội được học những môn học với cách tiếp cận rất khác chương trình học thông thường như vậy.

PV: Thụy có thể chia sẻ thêm về những khó khăn khi chuyển ra Hà Nội học tại một môi trường giáo dục hoàn toàn mới không?

HT: Ra Hà Nội, mình không có người quen nào hết. Mình ở ký túc xá và hàng ngày đi học ở trường thôi. Hai tuần đầu ra đây nhập học, mình không thể giao tiếp được với các bạn miền Bắc, miền Trung do khác biệt giọng nói vùng miền. Học sinh trường mình đến từ trường chuyên ở 10 tỉnh thành khác nhau trên khắp cả nước nên sự đa dạng văn hóa là rất lớn.
Bỏ trường chuyên đến một môi trường mới, với cách giáo dục khác với truyền thống, mình đã rất lo không biết tương lai như thế nào. Khi học trường chuyên, mình có sẵn một cái “mác” là học sinh học giỏi rồi, đi đâu ai cũng biết. Với trường quốc tế TH School thì không như vậy, nhiều người có định kiến về học sinh trường quốc tế nữa. Do đó mình đã phải nỗ lực rất nhiều để chứng minh rằng việc đạt được thành tựu gì không phải vì cái tên của một ngôi trường, hay gia đình có điều kiện, mà phần lớn do nỗ lực của chính bản thân mình.

Hồng Thụy và cô giáo, các bạn tại trường TH School.

PV: Vượt qua những khó khăn, phải xa gia đình để ra Hà Nội “tầm sư học đạo”, vậy bạn “được” những gì?

HT: Trải qua hai năm sống và học tập ở Hà Nội, mình đã trang bị được những kỹ năng sống và học tập giúp thích nghi với việc du học sau này, ba mẹ thấy vậy cũng yên tâm hơn rất nhiều.
Trong hoạt động ngoại khoá ở trường, môi trường TH School rất cởi mở và thân thiện. Ở đây tiếng nói của mình được lắng nghe nhiều hơn, mình dám đề xuất các ý tưởng và nhận được hỗ trợ rất nhiệt tình của nhà trường, thầy cô và các bạn để biến chúng thành hiện thực.
Khi đến Hà Nội, mình cũng có cơ hội tham gia nhiều hoạt động xã hội như tổ chức “Bảo tàng thấu cảm” dưới sự cố vấn của chú Đặng Hoàng Giang, tiếp xúc và học hỏi từ các cộng đồng tranh biện, cho mình kiến thức nền tảng và cơ hội tham gia các cuộc thi tranh biện trong suốt hai năm qua.

PV: Động lực nào đưa Thụy từ Bình Dương ra Hà Nội học, rồi giờ lại tiếp tục đến Mỹ du học nữa?

HT: Năm 2014, mình tham gia và lọt vào Top 24 chung kết chương trình Chinh Phục (Vietnam’s Brainiest Kids). Lúc đó mình đi thi vì niềm yêu thích kiến thức. Nhưng không ngờ, kết quả này mang đến cho mình học bổng toàn phần học phí A-Level và ăn ở tại trường TH School tại Hà Nội do Quỹ Vì Tầm Vóc Việt trao tặng. Việc nhận được học bổng này và ra Hà Nội học đã làm thay đổi thế giới quan của mình rất nhiều.
Mình muốn đi du học Mỹ từ rất sớm nhưng gia đình không dư dả về tài chính nên mình luôn cố gắng học tập và tìm kiếm học bổng để đạt được điều đó. Mình đã nhận được học bổng toàn phần học phí và học bổng Học thuật (Merit Scholarship) của trường Đại học SOKA. Thế nhưng số tiền đó vẫn chưa đủ để mình chi trả cho các chi phí khác để theo học tại trường như tiền vé máy bay, bảo hiểm... Với sự động viên của thầy cô, mình đã viết thư và gửi hồ sơ xin tài trợ số tiền còn thiếu trị giá 34.744 USD (khoảng 800 triệu đồng) đến Quỹ Vì Tầm Vóc Việt và may mắn được chấp nhận.
Mình rất biết ơn và trân trọng học bổng của Quỹ Vì Tầm Vóc Việt và sự giúp đỡ nhiệt tình của các thầy cô giáo trong suốt quá trình xin học bổng. Đó là động lực để mình cố gắng hơn nữa trong tương lai, có những hành động giúp đỡ, đóng góp cho cộng đồng và mọi người xung quanh, giống như những điều mình đã nhận được trong thời gian vừa qua.

PV: Thuỵ có thể chia sẻ với độc giả về phương pháp học tập của mình không?

HT: Tại TH School, mình phải tự chủ động, tự học rất nhiều. TH School giảng dạy theo phương pháp Đại Học, thầy cô chỉ dạy cho mình kiến thức thôi, còn mình không chịu học, chịu ôn mà trượt là lỗi của mình. Để hoàn thành bài thi của A-Level, mình phải học sâu, hiểu rõ bản chất của kiến thức đó, cách áp dụng đó như thế nào trong đời sống thực tế.
Học tập tại môi trường giáo dục quốc tế, mình cũng được linh hoạt hơn về thời gian. Ngoài thời gian học tập trên lớp, mình có thể dành thời gian bổ sung thêm nhiều kỹ năng và tham gia vào các hoạt động ngoại khoá.
Để cân bằng giữa việc học và hoạt động ngoại khoá, mình thường ghi ra thứ tự ưu tiên các đầu việc và thực hiện theo thứ tự đó. Mình vẫn chưa tự tin lắm về việc lên kế hoạch và quản lý thời gian đâu, nhiều khi cũng rối lắm. Nhưng ít nhất khi làm việc gì, mình luôn cố gắng làm tốt nhất có thể để hoàn thành việc đó.

PV: Bạn đã tham gia và dành rất nhiều giải thưởng trong các quộc thi tranh biện ở Việt Nam và quốc tế, đó có phải là chiến lược “làm đẹp” hồ sơ xin học bổng không?

HT: Tham gia các cuộc thi tranh biện đúng là sẽ góp phần cho hồ sơ mình sáng hơn. Thế nhưng khi đi thi mình không nghĩ đến việc được giải hay không. Vì yêu thích và mong muốn phát triển kỹ năng tranh biện nên mình đi thi thôi. Tại các cuộc thi, mình được học hỏi từ rất nhiều người giỏi, được lắng nghe ban giám khảo chỉ ra những điểm được và chưa được của mình. Kỹ năng tranh biện chắc chắn sẽ được áp dụng rất nhiều trong việc học tập và công việc sau này nữa.

PV: Thụy hãy chia sẻ một kỷ niệm đáng nhớ về các cuộc thi tranh biện trong nước và quốc tế mà bạn đã tham gia?

HT: Đáng nhớ nhất là cuộc thi World’s Scholar Cup, nhà trường đã hỗ trợ tài chính và người dẫn đoàn 2 đội gồm có đội của mình và một đội nữa đến Mỹ dự thi. Lúc đó mùa đông, Hà Nội đã rất lạnh rồi mà Connecticut (Mỹ) còn lạnh hơn nữa. Có đến Connecticut mình mới biết có muốn nộp hồ sơ học ở trường nào cũng phải xem thời tiết ở đó ra sao. Mình không thể tài nào sống được ở nơi quá lạnh như Connecticut đâu! (cười)
Đáng nhớ nhất với mình trong chuyến đi đó là cuộc nói chuyện với bác lái taxi người Parkistan đưa mình từ khách sạn đến địa điểm thi. Không chỉ nói chuyện với mình về cuộc thi như là năm nay cuộc thi như thế nào, đấu mấy trận, thắng mấy trận, luận điểm đề ra như thế nào thì chặt chẽ… hai bác cháu còn nói chuyện rất “hợp cạ” về chính sách phát triển, tình hình chính trị, quan điểm của Việt Nam về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ… Mình đã rất bất ngờ về kiến thức của một người lái taxi như vậy.
Được biết bác cũng được học đại học ở Parkistan. Do xung đột chiến tranh và các vấn đề kinh tế trong nước, bác phải nhập cư sang Mỹ làm nghề lái taxi. Chính những con người vậy càng khiến mình thấy quý mến và trân trọng đất nước này. Lý do không phải vì sự hào nhoáng của nó, mà chính bởi sự đa dạng về con người đến từ nhiều nơi, tạo nên nền văn hoá, chính trị phong phú đa dạng.

PV: Ước mơ của Hồng Thụy là gì?

HT: Ước mơ của mình từng thay đổi nhiều lắm (cười), nhưng hiện tại mình muốn sau này được làm cho các tổ chức phi chính phủ về Sustainable Development (Phát triển bền vững).
Mình sẽ theo học ngành International Studies (Nghiên cứu quốc tế) tại Đại học SOKA, Mỹ. Trong chương trình học, mình rất háo hức với một tuần ngắn thực tập tại Trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New York. Theo học ngành này, mình sẽ được học về cả phương Đông và phương Tây, với góc nhìn thế giới từ cả hai phía, cũng như các kiến thức về kinh tế, chính trị… Sau khi học xong đại học, mình dự định học tiếp thạc sĩ sâu hơn về Phát triển bền vững. Đây chắc chắn sẽ là một nền tảng kiến thức tốt để mình đạt được ước mơ của mình.

Cảm ơn Hồng Thụy về những chia sẻ thú vị và xin chúc bạn thành công trên con đường của mình!

PV

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Cô nàng "khùng" đặt niềm tin đúng chỗ để thành công tại chuyên mục Gương Mặt của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Cậu bé đa tài

“Cậu bé đa tài” hay “anh bạn nhỏ thông thái” là những lời nhận xét của thầy cô và ...

Bài Gương Mặt khác

Môi trường để bạn trẻ rèn luyện, cống hiến, trưởng thành

Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu (GMTVNTB) Đặng Cát Tiên và Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2023 Lê Văn Phúc đã có những chia sẻ đầy cảm xúc về hành trình phấn đấu vươn lên, cống hiến, đặc biệt là sự đồng hành của tổ chức Đoàn, Hội, Đội giúp các bạn trở thành những tấm gương truyền cảm hứng như ngày hôm nay.

Ước mơ trở thành nhà Toán học

Ghé thăm lớp 5A7, trường Tiểu học Thanh Xuân Nam (quận Thanh Xuân, Hà Nội), nếu bạn ngỏ ý muốn gặp “cây Toán” của lớp, hẳn là các bạn trong lớp sẽ vui vẻ giới thiệu ngay cậu bạn Nguyễn Hoàng Việt – người sở hữu một loạt thành tích ấn tượng cấp Quốc gia, Quốc tế với bộ môn thú vị này

Đỗ Hà My - cô gái tài năng

Thích học Toán, mê tiếng Anh, nghiền khoa học, có tài lẻ về khiêu vũ thể thao, vẽ tranh và có chiều cao vượt trội… là những điều mà mọi người luôn ấn tượng khi nhắc tới cô bạn Đỗ Hà My (lớp 6CI1, trường liên cấp Nguyễn Siêu, Hà Nội).

"Thầy Tổng" đa tài và tâm huyết

Gắn bó với phong trào, công tác Đội trong nhiều năm, thầy Đinh Công Thành (trường Tiểu học Trung Yên, quận Cầu Giấy, Hà Nội) luôn dành nhiều tâm huyết, sáng tạo để có những cách làm đổi mới, phù hợp với các bạn thiếu nhi, học sinh.