Bạn Nguyễn Ngọc Ánh, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Đại Từ, quận Hoàng Mai (Hà Nội) nói rằng, Tết là dịp em phải theo bố mẹ về quê nên mong cô giáo không giao bài tập về nhà. Nếu giao bài tập, em vẫn sẽ hoàn thành nhưng phải mang theo sách vở lỉnh kỉnh trong dịp Tết là điều em không thích. Năm ngoái, Ánh khá hào hứng với bài tập không cần sách vở của cô giáo giao. Đó là quay một video ghi lại lời chúc Tết tới bạn bè, người thân và gửi vào nhóm lớp. Khi về quê, em được mẹ cho mặc áo dài, đi đến chợ hoa vừa du xuân vừa ghi hình gửi cô giáo.
Trong khi đó, bạn T.A, học sinh lớp 10, Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội), bày tỏ mong muốn thầy cô giao bài tập để trong thời gian nghỉ không bị lãng quên kiến thức đang học. Tuy nhiên, chỉ nên giao ở mức vừa phải để học sinh có thời gian đi chơi với gia đình, em nói.
Chú Trần Văn Minh (có 2 con đang học bậc THCS và THPT tại Hà Nội) nêu quan điểm, dịp Tết nên để cho học sinh có thời gian nghỉ ngơi, không nên giao bài tập các môn. Kể cả học sinh cuối cấp vì trong năm học các con đã học chính, học thêm tối ngày căng thẳng.
Ý kiến giáo viên
Cô Phạm Thị Ngọc Huệ, giáo viên dạy Bộ môn Toán, Trường THPT Đông Anh (Hà Nội), cho rằng, giao bài tập dịp Tết cho học sinh hay không là quyền chủ động, linh hoạt của từng giáo viên. Trước đây, khi mới bước chân vào nghề dạy học, mỗi dịp Tết do lo sợ học sinh mải chơi, quên kiến thức nên cô Huệ thường giao rất nhiều bài tập cho học sinh. “Sau khi ra trường nhiều năm, học sinh cũ quay lại thăm cô và nói: Chúng em ăn Tết mất ngon vì bài tập về nhà của cô. Từ đó mình cũng suy nghĩ, dù là học sinh lớn, học sinh cuối cấp cũng nên cho các em khoảng thời gian nghỉ ngơi thực sự và không giao bài tập nữa”, cô Huệ nói.
Tuy nhiên, cô cũng ủng hộ việc giáo viên khuyến khích học sinh khai bút đầu xuân bằng việc đặt bút viết về mục tiêu, kỳ vọng trong năm học mới. Hay giáo viên giao bài tập dạng dự án cho học sinh giúp các em kết nối với các thành viên trong gia đình, rèn luyện cảm xúc. Ví dụ, trong Tết em cùng gia đình làm một món ăn yêu thích, sau đó chụp ảnh kết quả gửi cho cô giáo. Tuy nhiên, để giao bài tập dạng dự án, giáo viên phải “chắc tay” ra đề phù hợp, thuận lợi cho học sinh thực hiện và dự án phải có ý nghĩa. Dịp Tết, học sinh thường theo bố mẹ di chuyển đi thăm ông bà, họ hàng ở nhiều nơi, không nên giao bài khó, gây áp lực cho các em.
Cô Trần Thị Bích Liên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tràng An (Hà Nội) cho rằng, không nên giao bài tập cho học sinh dịp Tết vì đó là khoảng thời gian quý giá để các em nghỉ ngơi, vui chơi trọn vẹn với gia đình, người thân. Ở Trường Tiểu học Tràng An, nhà trường không chủ trương giao bài tập cho học sinh. Cấp quản lý là Phòng GD&ĐT cũng không có yêu cầu về việc đó.
Trong bối cảnh thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, hướng tới phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh, các cô giáo có thể sáng tạo khuyến khích học sinh viết nhật ký hoặc quay video ghi lại các hoạt động, cảm xúc trong dịp Tết. “Hay sau khi trẻ trở lại trường, giáo viên dành ra một tiết để cho các em phát biểu cảm nhận, viết bài thu hoạch về quang cảnh Tết nơi em ở. Điều này sẽ đòi hỏi trẻ phải quan sát, cảm nhận, rèn kỹ năng nhưng vẫn không bị áp lực”, cô Liên nói.
Thầy Đào Chí Mạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hội Hợp B, TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), cho biết, địa phương cho học sinh nghỉ Tết 11 ngày, nhưng thầy không ủng hộ việc giáo viên giao bài tập Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh. Thay vào đó, Ban Giám hiệu khuyến khích học sinh thực hiện một nhiệm vụ nào đó trong dịp Tết nhằm phát triển năng lực, phẩm chất cá nhân.
(theo TPO)