Lề và thói là hai từ gần nghĩa với nhau. Lề là “những thói quen đã thành nếp, thành lệ” (lề lối: cách thức đã trở thành thói quen) và thói là “lề lối lâu ngày đã thành nếp” (thói hư tật xấu: thói và tật lạc hậu, không hay). Người Việt Nam từ ngàn xưa, ở các vùng nông thôn thường tôn trọng những nguyên tắc sống, những quy định dành riêng cho vùng miền nào đó. Câu tục ngữ đất có lề, quê có thói (còn hay được nói tắt là đất lề quê thói) muốn chuyển tới chúng ta một điều răn: Phải biết và tôn trọng các lề thói của mỗi vùng. Điều này sẽ giúp chúng ta tạo nên thiện cảm với dân địa phương và cũng giúp chúng ta mau chóng hòa nhập với cộng đồng mới. Đến “phép vua (có lúc) còn thua lệ làng” đấy các em ạ.
Câu này còn nhằm tới một ý nữa: Dù chúng ta có đi đâu làm đâu, cũng phải nhớ về quê hương với nhiều kỷ niệm, trong đó có những lề thói tập tục bao đời vẫn còn lưu giữ như một nét đẹp văn hóa không thể thiếu. Từ việc hiểu tập tục quê hương mình, chúng ta sẽ hiểu và tôn trọng tập tục những quê hương khác. Đáo giang tùy khúc, nhập gia tùy tục (qua sông có khúc này khúc nọ khác nhau, vào một gia đình, một nơi nào đó cũng sẽ có lề thói khác nhau, ta phải tuân theo tục lệ, lề thói nơi ấy). Đó cũng là một nét đẹp rất đáng quý. Có như vậy chúng ta mới có thể hòa nhập, sống “cộng sinh” tốt đẹp, vui vẻ với nơi mình đến:
Đất lề, quê thói phải rành
Người quen, người lạ mới thành bạn thân...
PGS.TS Phạm Văn Tình
Bài viết được đăng tải trên ấn phẩm Chăm học. Còn nhiều bài viết hay, hấp dẫn, các câu chuyện thú vị đang chờ đón bạn khám phá tại ấn phẩm Chăm học. Nếu bạn quan tâm, có thể mua báo và đọc trực tuyến tại cửa hàng trực tuyến của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhé! |