Đại biểu thiếu nhi lên tiếng về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng và bạo lực, xâm hại trẻ em

TP - Ngọc Nguyễn
Chiều ngày 9/9, 263 đại biểu thiếu nhi tham dự Phiên họp giả định Quốc hội Trẻ em đã họp thảo luận tổ về hai vấn đề “Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng” và “Phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em”.

Tham dự chương trình có chị Nguyễn Phạm Duy Trang – Bí thư T.Ư Đoàn – Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư – Trưởng ban Tổ chức Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em; chú Nguyễn Danh Tú - Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội – Phó Chủ tịch Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ; anh Lê Hải Long – Trưởng ban Công tác thiếu nhi T.Ư Đoàn – Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Đội T.Ư cùng đại diện T.Ư Đoàn, Hội đồng Đội T.Ư, Nhóm đại biểu Quốc hội Trẻ, Tổ chức Plan International cùng các bạn đại biểu thiếu nhi tham gia thảo luận.

Đại biểu thiếu nhi tại chương trình họp thảo luận tổ.

Phát biểu tại cuộc thảo luận tổ, Phó Chủ tịch Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ Nguyễn Danh Tú cho biết, Phiên họp giải định Quốc hội Trẻ em lần thứ I lần này, thể hiện quyền tham gia của thiếu nhi vào những vấn đề của chính các bạn.

Phó Chủ tịch Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ Nguyễn Danh Tú phát biểu trong cuộc thảo luận tổ.

“Mong rằng sau phiên họp, các em sẽ hiểu biết và tuyên truyền về các hoạt động của Quốc hội tới gia đình, các anh chị em, bạn bè. Một mặt nữa, các em sẽ phát huy nhận thức, hiểu biết, tiếng nói, tâm tư, suy nghĩ của mình. Qua đó, phản ánh với Quốc hội và các cơ quan liên quan giúp cho các quyết sách sát thực tế và gắn bó hơn nữa với thiếu nhi và phát huy được Quyền của trẻ em”, Phó Chủ tịch Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ nhấn mạnh.

Chương trình thảo luận tổ diễn ra nghiêm túc với nhiều ý kiến được đưa ra.

Các đại biểu thiếu nhi được chia thành 8 tổ thảo luận để cùng nhau thảo luận vấn đề các bạn cùng quan tâm. Trong đó cùng nhau nêu lên thực trạng, số liệu liên quan, câu chuyện, tình huống về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng; phòng chống tai nạn đuối nước nơi công cộng, gia đình; tình trạng bắt nạt, bạo lực trẻ em tại trường học; các đề xuất đối với các cơ quan nhà nước các biện pháp phòng chống tai nạn thương tích; vai trò của các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bảo vệ trẻ em; những sáng kiến, đề xuất để giảm thiểu tai nạn thương tích, bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.

Đại biểu thiếu nhi tỉnh Cà Mau Lê Nguyễn Hoàng Nhật Đình cho rằng, nên tạo các trò chơi về thực hành quyền trẻ em; tạo ra các tình huống giả định trong trò chơi sát với thực tế để các bạn thiếu nhi nhận diện. Trò chơi sẽ giúp các bạn thiếu nhi hứng thú hơn trong việc tìm hiểu các quyền và nghĩa vụ của trẻ em.

Bạn Trần Minh Đăng cho biết (Quảng Bình) cho biết, nhóm bạn đã thảo luận về nạn tảo hôn, xâm hại, bạo lực đối với trẻ em. Trung bình mỗi năm có 1.600 đến 1.800 vụ xâm hại, con số đáng báo động. Việc xâm đến từ chính những người quen biết, người trong gia đình,... Điều đó sẽ để lại bóng đen tâm lý khiến các bạn nhỏ không thoát ra được những ám ảnh.

Đại biểu Trần Minh Đăng trình bày kết quả thảo luận.

Minh Đăng cho rằng, trẻ em cần chọn lọc thông tin từ nguồn chính thống, tìm hiểu các số liệu, từ đó có thể đề phòng; các bạn có hiểu biết cũng chính là những tuyên truyền viên trong nhà trường, giúp tư vấn tâm lý cho bạn bè; thay đổi cách thức truyền tải, phân ra đối tượng tiểu học và THCS vì mỗi cấp học cần có phương pháp tuyên truyền khác nhau; gia đình cần quan tâm, cung cấp kiến thức cho con về xâm hại, bạo lực để có thể phòng tránh,...

Bạn Trần Nguyễn Song Khuê (đoàn Bình Dương) chia sẻ, theo khảo sát hơn 400.000 bạn trẻ em, khoảng 33% bị xâm hại tinh thần, 45% giải quyết xung đột bằng cách xung đột. Tình trạng xâm hại, bạo lực là vấn đề cấp thiết cần được toàn xã hội. Một số nguyên nhân được chỉ ra là: trẻ em chưa được trang bị kiến thức, phụ huynh chưa quan tâm giáo dục con cái, hình thức tuyên truyền nhàm chán.

Do đó, nhóm của Song Khuê đề nghị, cần mở rộng tuyên truyền lên các nền tảng mạng xã hội; giáo dục vào giờ vàng của các đài quốc gia; xây dựng hệ thống kiểm duyệt để lọc tin xấu; Bộ GD&ĐT tạo ra các chương trình giáo dục kỹ năng miễn phí, Bộ Y tế nâng cao chất lượng các phòng tham vấn, Bộ Công an cần quan tâm hơn đến vấn đề bắt nạt học đường,...

Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Phạm Duy Trang (ở giữa) lắng nghe ý kiến của các đại biểu thiếu nhi.

Trong thời gian ngắn, các tổ đã đưa ra được nhiều thông tin và giải pháp để thực hiện tốt hơn nữa việc tuyên truyền giúp trẻ em tự bảo vệ bản thân trên không gian mạng; phòng trành xâm hại, bạo lực học đường. Các ý kiến đều rất thực tế, thể hiện sự hiểu biết sâu rộng vấn đề của các đại biểu Phiên họp giả định Quốc hội Trẻ em.

Cũng trong chiều cùng ngày, Ban Tổ chức đã tập huấn các bạn thiếu nhi chủ chốt để chuẩn bị cho Phiên Trọng thể sẽ diễn ra vào sáng ngày 10/9.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Đại biểu thiếu nhi lên tiếng về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng và bạo lực, xâm hại trẻ em tại chuyên mục Sự kiện của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Sự kiện khác