Thầy Hồ Tuấn Anh cho biết, 10 bài tập dành cho học sinh toàn trường trong 12 ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2023. Các bài tập không nặng về kiến thức, nằm ngoài chương trình học, nội dung chủ yếu liên quan đến những giá trị nhân văn, truyền thống, bài học về đạo đức, ứng xử ngày Tết...
“Ở Quỳnh Phương có phong tục đi tảo mộ cho người thân đã mất vào sáng 30 Tết. Em có tham gia buổi tảo mộ vào sáng 30 Tết của dòng họ không? Nếu tham gia thì em có cảm nhận như thế nào”; “Em có đi chợ Tết không? Hãy miên tả một số chợ mà em đã đến dịp Tết Quý Mão”… là yêu cầu trong bài tập về nhà của thầy giáo Nghệ An.
Ngoài các câu hỏi liên quan đến giá trị truyền thống, văn hóa, thầy Tuấn Anh cũng lồng ghép thêm các vấn đề đời sống, giao tiếp cho học sinh như: “Theo em có nên bóc bao lì xì ngay trước mặt người tặng khi vừa được tặng không? Vì sao”; “Nếu có tiền lì xì thì em có dự định chi tiêu như thế nào?”…
Các bài tập này không áp lực về điểm số, chỉ mong các em vui vẻ trải nghiệm và ghi chép lại những điều trên, sau đó chia sẻ với các bạn, thầy cô sau kỳ nghỉ Tết.
“Chúng ta không cần quá lo lắng học sinh nghỉ Tết dài mà quên kiến thức bởi các em vừa kết thúc học kỳ 1 ra Tết mới bước vào chương trình kỳ 2 của năm học. Bên cạnh đó khi nghỉ Tết xong các em đi học ngay, giáo viên sẽ có phương pháp đánh giá khác nhau để biết được học sinh nào thiếu hụt kiến thức để bổ sung”, thầy Hiệu trưởng Tuấn Anh nói.
Cũng theo thầy Hiệu trưởng, hiện một số trường học, một số giáo viên vẫn đánh giá học sinh thông qua thành tích; đánh giá kết quả giáo dục thông qua điểm số và điều này tạo nên áp lực rất lớn. Do vậy, các trường học, trực tiếp là giáo viên cần bám sát vào tinh thần đổi mới của Chương trình giáo dục phổ thông để cởi bỏ áp lực thành tích, thi cử cho học sinh.