Tài hoa từ nhỏ
Cao Bá Quát (1808 - 1855) tự là Chu Thần, hiệu là Cúc Đường. Ông sinh ra tại làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh (nay là xã Quyết Chiến, huyện Gia Lâm, Hà Nội).
Cha của Cao Bá Quát luôn hướng các con theo con đường học vấn. Từ nhỏ, cậu bé Cao Bá Quát đã nổi tiếng thông minh, có tài văn thơ, đối đáp. Năm 12 tuổi, Cao Bá Quát đã theo các bậc đàn anh mang lều chõng đi thi.
Ý chí vượt ngàn chông gai
Giai thoại vẫn kể rằng, hồi nhỏ, chữ Cao Bá Quát xấu không thể đọc được. Có lần ông đã làm liên lụy đến một người hàng xóm nhờ ông viết hộ đơn kiện, lý do là vì chữ Cao Bá Quát quá xấu nên quan không hiểu gì, người đi kiện còn bị vạ lây.
Vì việc đó mà Cao Bá Quát rất xấu hổ và luôn tự trách mình. Từ đó, ông quyết tâm chăm chỉ tập viết chữ không kể ngày hay đêm. Nhiều khi buồn ngủ quá, ông tự buộc tóc lên xà nhà để mỗi lần ngủ gật bị giật tóc đau sẽ phải tỉnh lại. Ông còn buộc chân mình vào bàn học để không thể bỏ đi đâu được.
Nhờ sự quyết tâm, kiên nhẫn, một thời gian sau, từ viết chữ xấu, Cao Bá Quát lại nổi tiếng khắp vùng về biệt tài viết chữ đẹp. Tương truyền, chữ viết của ông như “rồng bay phượng múa”, bút tích hiện được lưu lại tại bài đề tựa cuối cùng trong Mai Am thi tập của công chúa Lại Đức, con gái vua Minh Mạng.
Danh nhân yêu quê hương tha thiết
Cao Bá Quát say mê cảnh đẹp của đất nước, ông tới thăm hầu hết những danh lam thắng cảnh của miền Bắc và miền Trung nước ta và có thơ ngâm vịnh về những địa danh đó. Đối với ông, thiên nhiên là niềm tự hào của đất nước.
Cao Bá Quát cũng chính là “quân sư” trong cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương - cuộc khởi nghĩa nông dân đã giáng một đòn khá mạnh vào chế độ phong kiến nhà Nguyễn giai đoạn giữa thế kỷ XIX. Ông đã chiến đấu dưới lá cờ nghĩa và anh dũng hy sinh ngay tại trận chiến. Tuy chỉ kéo dài trong 2 năm nhưng cuộc khởi nghĩa này được coi là niềm tự hào của người dân huyện Mỹ Lương xưa (nay thuộc thành phố Hà Nội và một phần tỉnh Hòa Bình).
Ngày nay, gần chợ Sủi (Gia Lâm, Hà Nội) có một khu tưởng niệm danh nhân Cao Bá Quát trải rộng trên diện tích hơn 4.000 m2. Nơi đây có nhiều hoạt động tưởng nhớ, tri ân công lao của “Thánh Quát”. Hằng năm, nhiều trường học thường xuyên đưa học sinh đến đây để dâng hương và tìm hiểu về vị danh nhân đặc biệt này.