Cô bạn Đào Mai Linh sinh năm 2004 hiện đang là học sinh THPT Marie Curie (Hà Nội). Linh lớn lên tại vùng quê yên ả xã Quyết Thắng, huyện Thanh Hà, Hải Dương nên những hình ảnh người nông dân vất vả, người lao động khó khăn rất gần gũi với cô bạn. Cô bạn luôn ước mơ có thể làm gì đó để giúp đỡ mọi người.

Từ tấm lòng với quê hương đến ý tưởng khởi nghiệp
Những năm gần đây, dịch bệnh cùng với việc cạnh tranh gắt gao của thị trường đã khiến nông sản nhiều khi gặp khó khăn trong việc tiêu thụ. Mỗi khi có dịp về quê, Linh lại được nghe những câu chuyện, biết được những khó khăn của bà con nông dân, những câu chuyện được mùa - mất giá, tiền bán được không đủ tiền giống tiền chăm sóc có khi còn chưa kể đến công thu hoạch, sản phẩm thu hoạch xong không tiêu thụ được đành phải vứt bỏ lãng phí...

Mẹ của Linh vẫn thường hay tổ chức những chương trình hỗ trợ tiêu thụ cho bà con nông dân và Linh lại chủ động cùng phụ giúp mẹ mỗi khi ngoài giờ học. Ban đầu, Linh hỗ trợ mẹ chụp ảnh, đăng tin bài lên mạng xã hội để kêu gọi ủng hộ, rồi đến việc đóng hàng, vận chuyển đến tay khách hàng. Cô bạn rất hào hứng với công việc và sự hăng say, nhiệt tình đó đã truyền cảm hứng đến nhóm bạn thân của Linh. Vậy là “team hỗ trợ tiệu thụ nông sản” của Linh đã được hình thành với những cá nhân đều là các bạn học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường nhưng chung một tấm lòng giúp đỡ mọi người lúc khó khăn.

“Mình thấy những người nông dân thật là quá vất vả và đáng thương, hoa màu sản xuất ra không được tiêu thụ thật là quá lãng phí. Ở các thành phố lớn, vẫn có những đợt thu gom nông sản cho bà con nông dân ở các nơi để bán “giải cứu” nhưng đây mới chỉ là những đơn lẻ, mang tính chất tạm thời. Mình cũng ấp ủ suy nghĩ làm được gì đó thiết thực cho bà con nông dân để chia sẻ, giúp đỡ được cho lâu dài và đảm bảo hơn” – cô bạn Mai Linh chia sẻ.
Và rồi cơ duyên đến với Mai Linh khi cô cùng nhóm bạn quyết định tham gia cuộc thi “Khởi nghiệp trẻ quốc tế - SAGE global 2021” tổ chức tại Mỹ. Để tham gia cuộc thi, các bạn tìm hiểu và đã được giảng dạy về kinh doanh, lập kế hoạch cho đến triển khai ý tưởng. Và rồi mọi thứ cứ mở ra dần dần với Linh, sẵn có ý tưởng về công việc, giờ lại có thêm kiến thức về kinh doanh và lập kế hoạch, cô cùng nhóm bạn đã đưa ra một hướng đi mới cho việc hỗ trợ người nông dân tiêu thụ nông sản.

Chúng tôi sẽ áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ hiện đại và xu hướng tiếp cận xã hội hiện nay để kết nối người nông dân – người tiêu dùng đến với nhau một cách nhanh nhất, đảm bảo và an toàn nhất thông qua công nghệ số. Thật may mắn là cả nhóm chúng tôi đã được bố mẹ hiểu và ủng hộ hết mình.
Sự ra đời của Eat Deli và ước mơ san sẻ đồ ăn cùng mọi người
Ban đầu, nhóm của Linh gặp khá nhiều khó khăn nhưng được sự hỗ trợ từ giảng viên dự án và các chuyên gia cùng với sự tư vấn, giúp đỡ của các phụ huynh nên Linh và các bạn cũng đã dần hiểu và nắm bắt được mô hình hoạt động kinh doanh cũng như triển khai.

Những phần mềm, ứng dụng mua bán dần được xây dựng và hoàn thiện, các đơn vị vận chuyển cũng được hỗ trợ, nguồn hàng được giới thiệu ngày một phong phú và đa dạng đã khiến các bạn trẻ càng hăng say với dự án của mình. Trong nhóm mỗi người sẽ được phân công phụ trách các công việc như vận hành, marketing, tìm nguồn khách, chăm sóc KH, theo dõi thu chi,…

Đào Mai Linh phấn khởi chia sẻ: “Mình rất vui vì những đơn hàng đã bước đầu thành công, chúng tôi luôn mong muốn làm được chút gì đó giúp cho người nông dân, cho những người có hoàn cảnh khó khăn đã dần được thực hiện thông qua dự án này. Bản thân mình đã rất trăn trở khi đến những siêu thị, nhà hàng lớn nhìn thấy thức ăn, thực phẩm thừa phải bỏ đi, trong khi ở đâu đó ngoài kia lại có những hoàn cảnh thiếu thốn, không đủ bữa ăn. Thực tế đó đã khiến mình nghĩ đến việc làm thế nào để những hoàn cảnh khó khăn có cơ hội biết đến và nhận được sự chia sẻ từ những nguồn thực phẩm dư thừa kia”.
Từ khi triển khai dự án, chương trình của Linh và các bạn đã hỗ trợ được rất nhiều cho việc kết nối xã hội và thực sự mạng lại được những lợi ích cho người tiêu dùng. Có thể kể đến như việc phối hợp đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều, dưa lê cho 1 HTX ở Bắc Giang, khoai lang tím cho 1 đơn vị ở Vĩnh Long, dưa vàng cho vùng trồng ở Lam Sơn (Thanh Hóa), trái cây miền Tây, rau củ của HTX Mỹ Đức, cá hồi Sa Pa…

Các đơn vị sản xuất kinh doanh thực phẩm với những mặt hàng tồn, hàng cận date nhưng đảm bảo chất lượng cũng được chương trình kết nối để bán giá tốt cho sinh viên, người lao động nghèo như: công ty sx bánh ngọt Bảo Ngọc, công ty TP An Việt, công ty sữa Lavina, công ty trứng Ba Huân, trứng Cường Hương,…

Từ tấm lòng đối với quê hương, mong muốn chia sẻ với người lao động khó khăn, Đào Mai Linh bằng sự quyết tâm và trau dồi bản thân đã trở thành một “doanh nhân trẻ tuổi” với ý định kinh doanh táo bạo và đầy tính nhân văn đã đang bước trên con đường thành công của mình. Dự án của Linh đã góp phần giúp kết nối xã hội tăng cao, thêm hướng đi mới cho tiêu thụ thực phẩm và nông sản trong thời đại công nghệ số và bận rộn hiện nay.