Đấu tranh sinh tồn khi mới “lọt lòng”

TP
Không phải loài động vật nào khi sinh ra cũng được bố mẹ chăm sóc và bảo vệ cẩn thận. Một số loài như cá ngựa, cá sấu, rồng Komodo, gấu Bắc Cực... phải tự mình chống chọi với kẻ thù ngay từ khi mới “lọt lòng”.

1. Cá ngựa

Ít ai biết rằng, trong số 1.000 con cá ngựa mới sinh thì chỉ có khoảng 5 con sống sót đến tuổi trưởng thành. Lý do nào khiến tỉ lệ sống sót của cá ngựa non lại thấp đến vậy? Cá ngựa là loài vật không có dạ dày, bởi vậy chúng cần phải ăn liên tục. Ngay từ khi mới “lọt lòng”, cá ngựa con vừa phải đáp ứng nhu cầu ăn liên tục vừa tìm cách để trốn tránh kẻ thù tự nhiên như cua, cá đuối, thậm chí là chính đồng loại của chúng.

Thêm vào đó, sự ô nhiễm môi trường sống cũng khiến cá ngựa con trở nên kiệt sức. Để sinh tồn, chúng thay đổi màu sắc cơ thể để lẩn trốn kẻ thù. Chúng thường sử dụng chiếc đuôi “nắm” lấy lá rêu dưới đáy đại dương để yên vị một chỗ thay vì bơi liên tục.

2. Hươu cao cổ

Khi hươu cao cổ con vừa mở mắt chào đời, chúng không có quá nhiều thời gian để tận hưởng khoảnh khắc đón chào thế giới.

Đầu tiên, chúng phải trải qua cú rơi tự do gần 2 mét từ bụng mẹ xuống mặt đất. Chưa kịp hoàn hồn thì chúng bị mẹ buộc phải đứng dậy bằng những cú đá và huých vì lo sợ kẻ thù tấn công.

Hươu cao cổ con còn quá nhỏ để có thể vươn tới những cây cao nên chúng sống hoàn toàn dựa vào sữa mẹ trong vòng 12 tháng đầu. Trong những tuần đầu tiên sau khi chào đời, chúng buộc phải ẩn mình sau những “cây cao bóng cả” để trốn kẻ săn mồi khi mẹ đi tìm kiếm thức ăn.

3. Cá sấu

Sau khi trứng nở, cá sấu mẹ sẽ ngậm đàn con trong miệng và mang xuống nước - nơi cá sấu con học cách bơi, săn mồi. Chỉ một vài tiếng sau, cá sấu con đã có thể bơi thành thạo và tự kiếm cho mình bữa ăn đầu đời - thường là con cá nhỏ.

Vài tuần sau, cá sấu mẹ buộc phải rời xa đàn con để chúng tự chăm sóc bản thân. Hơn 50% cá sấu con không vượt qua nổi năm đầu, đa phần là do sự tranh đấu giữa các con cá sấu với nhau.

4. Gấu Bắc Cực

Sau khi có thai, gấu Bắc Cực mẹ sẽ tích trữ lương thực để nuôi sống bản thân và đứa con nhỏ qua mùa Đông lạnh giá. Trong vài tháng đầu đời, gấu con trú ẩn trong hang, sống nhờ vào sữa mẹ và bắt đầu học cách sống cùng với tuyết và băng.

Ngoài việc chống chọi với nhiệt độ khắc nghiệt, gió rét và sự đe dọa của loài cáo háu đói, gấu Bắc Cực con còn phải đối mặt với nguy cơ bị chết đói. Tuy vậy, với khả năng kỳ diệu, hầu hết gấu con đều sống sót qua năm đầu đời và trở thành những “thợ săn” cừ khôi.

5. Rồng Komodo

Rồng Komodo mẹ thường bỏ lại trứng trong những chiếc tổ trống không. Quá trình trứng nở mất khá nhiều thời gian nên rồng con thường bị kiệt sức khi phải tự mình phá vỡ vỏ trứng để chui ra.

Khi ra ngoài, chúng còn phải đối mặt với nhiều loại kẻ thù khác nhau như rắn, mèo và thậm chí là các loại bò sát khác. Để bảo vệ bản thân, chúng tìm cách leo lên cây gần nhất và ở đó cho đến khi thực sự cứng cáp.

6. Hà mã

Hà mã con được sinh ra dưới nước và chúng không thể tự thở. Do vậy, hà mã mẹ phải nhanh chóng lặn xuống bên dưới và sử dụng mũi của mình đẩy con lên trên bề mặt nước để hít thở không khí.

Việc đầu tiên của hà mã con khi mới chào đời là tập bơi. Trong thực tế, nếu hà mã con muốn ăn, chúng phải tập giữ hơi và bơi xuống dưới nước để uống sữa mẹ. Nếu mực nước quá sâu, chúng sẽ trèo lên lưng của mẹ và nghỉ ngơi ở trên đó.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Đấu tranh sinh tồn khi mới “lọt lòng” tại chuyên mục Vui - Độc - Lạ của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Vui - Độc - Lạ khác

Ú òa... đẹp quá

Không hề có phép thuật để “úm ba la xì bùa” như ông Bụt hay bà Tiên trong truyện cổ tích, nhưng chú Oak Oak – một nghệ sĩ đường phố người Pháp - cũng có thể “hô biến” những thứ xấu xí, buồn chán trở nên đẹp đẽ và hài hước hơn.