Theo số liệu từ Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt Trung ương, có 85% các bạn trong độ tuổi từ 6 đến 8 tuổi bị sâu răng. Đây là con số đáng báo động về tình trạng sức khỏe răng miệng của người Việt Nam nói chung và các bạn nhỏ nói riêng.
Các kết quả nghiên cứu cho thấy rằng, chúng ta - những người ở độ tuổi thiếu niên có nguy cơ bị sâu răng nhiều hơn khi lớn lên. Vì vậy, việc phòng ngừa sâu răng sớm sẽ giúp ta tránh được các vấn đề quan trọng về răng miệng sau này.
Nguyên nhân và triệu chứng
Sâu răng được hình thành từ 3 yếu tố: Vi khuẩn trong mảng bám trên mặt răng, ăn nhiều thực phẩm có đường và cấu trúc răng yếu.
Các giai đoạn của bệnh sâu răng
Cụ thể, vi khuẩn sẽ tác dụng lên chất đường rồi sản sinh thành axit ăn mòn các chất vô cơ của men răng, hình thành các lỗ sâu răng. Tiếp theo, các lỗ sâu răng sẽ ăn mòn men răng đến ngà răng. Ở giai đoạn này, răng bị ê buốt khi ăn thức ăn nóng, lạnh và đau khi có thức ăn mắc vào lỗ sâu. Cuối cùng, nếu không phát hiện và chữa trị kịp thời thì lỗ sâu tiếp tục bị sâu đến phần đáy lỗ tạo thành những cơn đau dữ dội do viêm tủy.
Ngăn chặn sâu răng như thế nào?
Phương pháp tốt nhất để ngăn chặn sâu răng là vệ sinh răng miệng đúng cách và có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Cố gắng hạn chế ăn đồ ngọt, thực phẩm chứa nhiều tinh bột và nước ngọt vì những loại thức ăn này tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi và gây ra nhiều mảng bám hơn.
Tuy nhiên, chỉ như vậy thôi vẫn chưa đủ. Bạn nên làm quen với thực phẩm nhiều dinh dưỡng như rau củ, trái cây vì chúng có thể chuyển đổi nước bọt thành chất khoáng, giúp đánh bật lại những hư hại do mảng bám gây ra.
Bên cạnh đó, bạn cần chải răng kỹ càng trong 2 phút mỗi lần, 2 lần mỗi ngày để chắc chắn răng miệng đảm bảo vệ sinh. Ngoài ra, việc đi khám răng định kì 6 tháng 1 lần cũng giúp sớm phát hiện sâu răng và các bệnh răng miệng khác nếu có.