Đề án sữa học đường: Nhà trường lo lắng khâu bảo quản sữa, xử lý vỏ hộp

NGỌC HÀ
Không ít phụ huynh băn khoăn về chất lượng sữa khi thực hiện đề án “Sữa học đường”. Còn nhà trường gặp khó trong khâu tuyên truyền đề án và lo lắng sẽ bảo quản sữa ra sao, xử lý vỏ hộp thế nào.

Nhà trường thiếu thông tin để tuyên tuyền tới các cha mẹ

Ngày 6/8, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 4019/QĐ-UBND, phê duyệt Đề án thực hiện Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2018 - 2020.

Đề án sữa học đường được triển khai đến các trường mầm non và tiểu học.

Ngay sau đó, các cơ sở giáo dục đã thực hiện tuyên truyền, đưa thông tin đề án chương trình "Sữa học đường" đến với các bậc phụ huynh. Đề án được thực hiện trên tinh thần tự nguyện, để các cha mẹ tự quyết định có cho con tham gia uống sữa ở trường hay không. Tuy nhiên, ngay từ khâu đọc hiểu đề án, nhiều nhà trường, giáo viên đã gặp khó. Thậm chí có trường hợp đã hiểu chưa đúng đã dẫn tới "ép buộc" phụ huynh đăng ký.

Một thầy Hiệu trưởng ở Hà Nội đã chia sẻ rằng: "Trong văn bản mà cấp trên gửi xuống luôn đề cao tính tự nguyện của phụ huynh nhưng ghi "phấn đấu đạt trên 90% đến năm 2020". Vì thế, nếu chưa hiểu sâu, chưa đọc kỹ, rất dễ giáo viên sẽ hiểu sai và rơi vào "chạy đua thành tích". Hoặc khi trao đổi với phụ huynh, không nói rõ với họ, họ sẽ bất bình ngay".

Trên thực tế, đã xảy ra việc phụ huynh ý kiến về việc tại sao chương trình thực hiện tự nguyện mà gần như bị "ép" tham gia vì thành tích lớp. Cô N.T.T.H có con đang theo học trường mầm non ở Hà Đông, Hà Nội chia sẻ: "Hôm qua đón con cô giáo lớp con đưa cho tờ này (tờ giấy đăng ký_PV). Các cô trao đổi là vì thành tích lớp. Mình nói luôn là không đồng ý còn vì thành tích lớp ký hay không còn suy nghĩ".

Tìm hiểu thêm thông tin tại sao có không ít các phụ huynh chưa đồng ý cho con tham gia "Sữa học đường", đa số câu trả lời là do thiếu thông tin con em họ sẽ được uống loại sữa gì và uống vào thời gian nào trong ngày. Và ngay bản thân các giáo viên cũng không nắm rõ để tuyên truyền tốt nhất với các phụ huynh. Một vị lãnh đạo trường tiểu học ở Cầu Giấy, Hà Nội cho hay: "Nhiều phụ huynh thắc mắc đơn vị nào sẽ cung cấp sữa, giáo viên chỉ biết tuyên truyền rằng sữa được phát sẽ đảm bảo theo tiêu chuẩn của Bộ y tế. Còn nhà trường đang xây dựng kế hoạch, sẽ cho các bạn học sinh uống sữa vào giờ ra chơi buổi sáng".

Học sinh không được mang vỏ sữa về, nhà trường lo xử lý vỏ hộp

Một trong số những lý do phụ huynh băn khoăn về chất lượng sữa được đưa tới các bạn học sinh là việc không được mang vỏ hộp sữa sau khi uống xong về nhà. Một phụ huynh chia sẻ: "Việc cho các cháu uống sữa tại trường cũng tốt vì gia đình không phải mang sữa cho cháu hàng ngày. Nhưng bắt không cho các cháu mang vỏ hộp về, tôi thấy hơi vô lý. Tôi nghĩ cần minh bạch để cha mẹ có thể biết được hàng ngày các cháu uống sữa gì, có phải sữa cận date hay không".

Trong buổi họp trực tuyến với Sở GD&ĐT Hà Nội, một giáo viên mầm non có ý kiến: "Với trẻ mầm non 3 tuổi uống một hộp sữa 180ml quá nhiều. Với trẻ mẫu giáo chỉ 120ml là vừa đủ, nếu các cháu không uống hết lại phải xử lý sữa còn thừa mà các cháu bắt buộc phải uống hết tại trường và không được mang về nhà".

Giải thích cho điều này, các nhà trường nói rằng để đề án "Sữa học đường" thực sự hiệu quả thì học sinh phải thực hiện đúng lượng sữa đã được quy định. Vì vậy mà các bạn học sinh không được mang vỏ hộp về nhà để đảm bảo các bạn đã uống hết sữa. 

Về phía các nhà trường cũng rất lo lắng khi giữ lại vỏ hộp và xử lý ra sao: "Trường sẽ phải tận dụng một số kho trong nhà thể chất, hoặc chỉnh sửa để đảm bảo nhiệt độ cho sữa. Còn vỏ sữa sau khi sử dụng thì được yêu cầu giữ lại và ép vỏ hộp, dùng để tái chế. Nhưng với các học sinh lớp 4,5 hướng dẫn các con ép vỏ hộp để xử lý có thể làm được, nhưng với các bạn học sinh lớp 1,2,3 thì cũng khó", thêm một thầy Hiệu trưởng chia sẻ.

Trong buổi họp trực tuyến giữa Sở GD&ĐT Hà Nội với các quận, huyện trên địa bàn thành phố, đa số đều ý kiến rằng họ băng khoăn về việc xây dựng kho, thời gian vận chuyển, bảo quản sữa ra sao. Chưa tính đến chuyện nếu giao cho giáo viên nhập và xuất sữa thì sẽ có những chế độ như thế nào dành cho họ?

Nhiều trường ở thủ đô Hà Nội còn thiếu thốn phòng học, có những trường phải tận dụng cả phòng Hiệu trưởng để làm lớp học. Vì thế mà việc lo lắng không gian chứa sữa, bảo quản sữa của các nhà trường là điều dễ hiểu.

Cần minh bạch thông tin trước khi khảo sát ý kiến phụ huynh

Đề án "Sữa học đường" là một chương trình mang đầy tính nhân văn và khoa học. Vì thế cần được phổ biến và thực hiện cho đông đảo các bạn học sinh được tham gia. Nhưng trước hết cần sự đồng thuận từ phía nhà trường và phụ huynh học sinh. Một vị Hiệu trưởng đã liên tục nhấn mạnh: "Một đề án liên quan tới sức khỏe học đường phải hết sức cẩn thận. Và từ khâu ra văn bản đưa ra cần phải chuẩn vì nếu tự nguyện không thể đặt mục tiêu trên 90% tới năm 2020 được. Như vậy cũng làm khó cho cả giáo viên và phụ huynh. 

Về phương án đấu thầu: Đưa ra đấu thầu trước, sau khi chốt hãng sữa rồi mới triển khai, phổ biến cho phụ huynh yên tâm. Và cần 1-2 đơn vị cung cấp sữa, bởi 1 ngày có thể cung cấp cho hơn 1 triệu học sinh, cũng rất lo lắng về chất lượng. Nếu có 2 đơn vị sẽ có sự cạnh tranh để mang lại chất lượng tốt hơn".

 

 

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Đề án sữa học đường: Nhà trường lo lắng khâu bảo quản sữa, xử lý vỏ hộp tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Lịch nghỉ hè 2024 của học sinh 63 tỉnh thành

Hầu hết các địa phương tổ chức bế giảng năm học 2023 - 2024 trước ngày 31/5 và cho học sinh nghỉ hè bắt đầu từ 1/6. Tùy thuộc thời gian bế giảng sớm hoặc muộn hơn, cuối tháng 5, các trường sẽ cho học sinh nghỉ hè.