Đề xuất bỏ thi tốt nghiệp THPT

ngochiep
Có đại biểu khi góp ý cho dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục đã đặt vấn đề nên cân nhắc có nên tổ chức thi tốt nghiệp THPT hay không?

Ngày 12/12, tại TP.Hồ Chí Minh, Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo góp ý dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục.

Thầy Trần Ngọc Long, Hiệu trưởng Trường THPT Long Thành (Đồng Nai) nói rằng đề xuất miễn giảm học phí cho học sinh THCS là sự mong đợi của người dân, nhất là vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên, nhiều đơn vị sẽ thiếu hụt ngân sách bởi nhờ học phí để trang trải nên sắp tới cần có cơ chế cho các trường.

Từ chỗ cần những chính sách hỗ trợ cho giáo viên, thầy Nguyễn Phi Phúc, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Đồng Nai, đề xuất: “Phải chăng nên xem xét tính khả thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT để cân nhắc việc có nên tổ chức kỳ thi này không?. Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng kỳ thi này hiệu quả chưa cao, tốn kém trong khi việc tổ chức kỳ thi tuyển sinh ĐH cần thiết hơn. Như vậy kinh phí tổ chức thi tốt nghiệp có thể bổ sung vào ngân sách hỗ trợ nâng cao đời sống giáo viên…”.

Còn cô Nguyễn Thị Hương, Hiệu trưởng Trường mầm non Vàng Anh (Q.5, TP.Hồ Chí Minh) chỉ ra bất cập về việc xếp ngạch lương trung cấp 1,86 theo chuẩn đào tạo bậc học này cho dù giáo viên đạt trình độ từ cao đẳng trở lên. Quy định này dẫn đến việc tuyển dụng giáo viên mầm non gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đối với những trường nhỏ, vùng sâu vùng xa…

Bộ GD&ĐT lấy ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục

Thầy Đoàn Thành Nhân, đại diện cho Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum, cho rằng để thu hút người tài vào ngành giáo dục, ngoài chế độ lương thì cần bố trí việc làm khi ra trường sao cho hiệu quả.

Bên cạnh đó, thầy Phan Sỹ Quang, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (Đắk Nông) đề nghị Bộ GD&ĐT nên xem xét lại quy định về các cơ sở đào tạo thạc sĩ bởi hiện nay có quá nhiều đơn vị giáo dục đào tạo trình độ này tại các địa phương.

Riêng thầy Nguyễn Thành Phát, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Tố (Q.10, TP.Hồ Chí Minh) nói rằng Bộ GD&ĐT cần cân nhắc khi sửa đổi, bổ sung điều 27 với nội dung đảm bảo cho học sinh THCS có học vấn nền tảng phổ thông, những hiểu biết ban đầu về kỹ thuật và hướng nghiệp để tiếp tục học THPT, trung cấp, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động. Bởi theo thầy Phát, mục tiêu đề ra như vậy có vi phạm luật lao động đối với trẻ em hay không khi học sinh THCS chưa đủ tuổi lao động.

Được biết, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục đang được Bộ GD&ĐT lấy ý kiến rộng rãi về việc sửa đổi 29 điều và bổ sung một điều mới. Bộ sẽ tiếp thu ý kiến, chỉnh sửa để gửi Bộ Tư pháp thẩm định vào tháng 12, sau đó Bộ sẽ giải trình ý kiến thẩm định, chỉnh sửa dự thảo để trình Chính phủ trong tháng 1 năm 2018.

Theo Thanh Niên

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Đề xuất bỏ thi tốt nghiệp THPT tại chuyên mục Sự kiện của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Sự kiện khác

Học trò đất Tổ đọ tài nét hoa

Mới đây, tại trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng (thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ), Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng (TNTP&NĐ) đã tổ chức Lễ phát động Ngày hội Trạng Nguyên nhỏ tuổi lần thứ XXII, Viết chữ đẹp “Nét chữ - Nết người” toàn quốc - Bảng vàng ghi danh lần thứ IV và ngày hội Viết chữ đẹp tỉnh Phú Thọ, năm học 2023-2024.