Sân chơi giúp trẻ tự kỷ hòa nhập
Ngày hội "Vòng tay yêu thương" năm 2018 sẽ diễn ra cả ngày 1/4 tại Cung Thiếu nhi Hà Nội với sự hội tụ của hơn 600 trẻ tự kỷ đến từ 20 trường, trung tâm đang can thiệp cho trẻ tự kỷ trên địa bàn Hà Nội như: Trung tâm Phương Thanh, Sao Mai, Phúc Tuệ, Nắng Mai... cùng một số tỉnh thành khác cũng tham gia. Đây là hoạt động nhằm giúp trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng với không gian ấm áp, thân thiện và đầy ắp niềm vui. Đồng thời là dịp quan trọng để phụ huynh, gặp gỡ, chia sẻ những thông tin về cách chăm sóc và can thiệp trẻ tự kỷ qua đó góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về hội chứng tự kỷ.
Nhiều hoạt động bổ ích
Ngày hội diễn ra với nhiều hoạt động hấp dẫn và đều miễn phí: khu vực trò chơi, làm test sàng lọc và tư vấn các vấn đề phát triển của trẻ; khám sức khỏe về mắt, răng hàm mặt, tai mũi họng... trưng bày sản phẩm hướng nghiệp. Đặc biệt, phu huynh đưa con đến sẽ được các bác sĩ viện Nhi trung ương, viện Dinh dưỡng Hà Nội khám, tư vấn sức khỏe. Hàng chục các chuyên gia tâm lý cũng sẽ trực tiếp tư vấn và làm các test chẩn đoán tâm lý cho trẻ, gợi mở, chia sẻ, hướng dẫn các phương pháp can thiệp, chăm sóc trẻ tại nhà.
Để thực hiện test sàng lọc cho con, các phụ huynh đăng ký theo số điện thoại 0986 692 873.
Email giaoductonghopctn@gmail.com.
Những chia sẻ cần thiết
Thông thường rất nhiều phụ huynh không muốn chấp nhận và thừa nhận con mình mắc hội chứng tự kỷ. Đây chính là những cản trở đầu tiên khiến trẻ tự kỷ không được can thiệp kịp thời để điều chỉnh hành vi của mình dẫn đến khó khăn thiếu hụt trong việc tương tác với mọi người khi rời môi trường gia đình đến với môi trường rộng lớn hơn ngoài xã hội. Do vậy, để thực sự giúp được trẻ tự kỷ, trước hết phải thay đổi tư duy, nhận thức của chính các bậc phụ huynh.
Các bậc phụ huynh cần phải nhận biết: Hội chứng tự kỷ hay rối loạn phổ tự kỷ không phải là một căn bệnh mà là nói đến một nhóm các rối loạn phức tạp trong sự phát triển của não bộ. Trẻ tự kỷ thường không khác biệt về hình dáng bề ngoài nhưng khác biệt về chức năng, cách tiếp nhận, xử lý và truyền thông tin trong não bộ. Do đó trẻ thường gặp khó khăn trong việc để ý, chia sẻ, bắt chước, chú ý, có thể gặp khó khăn về tiếp nhận, xử lý thông tin thị giác, thính giác, tư duy...
Cơ may đặc biệt quan trọng đối với trẻ tự kỷ là được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời vào thời điểm vàng - từ 1-5 tuổi. Trẻ tự kỷ cần được yêu thương đúng cách, có nguyên tắc và cũng đặc biệt cần sự rộng mở vòng tay nhân ái của bạn bè, các bậc phụ huynh có con em học cùng với trẻ trong lớp học.
Ước vọng và hy vọng cho trẻ tự kỷ
Chị Võ Thị Thanh Diệp, Phó Giám đốc Cung Thiếu nhi Hà Nội chia sẻ: Hành trình giúp trẻ tự kỷ hòa nhập sẽ đặc biệt gian nan nếu không được can thiệp kịp thời. Có những em nhỏ tự kỷ không được phát hiện, hỗ trợ sớm, đến tận 30 tuổi vẫn không thể tự mình giải quyết những việc nhỏ, phải cần tới 5-6 chuyên gia và người thân hỗ trợ. Do đó, để trẻ tự kỷ có một tương lai tốt, không trở thành gánh nặng của cả gia đình và xã hội, trách nhiệm đầu tiên thuộc về sự nhận thức từ mọi thành viên trong gia đình.
Với các tổ chức xã hội, trẻ tự kỷ cần hơn nữa sự quan tâm, hỗ trợ thực sự sâu sát bởi lẽ, việc chăm sóc một trẻ tự kỷ không chỉ tốn kém mà còn là sự hy sinh vô cùng lớn của người thân. Nước ta đã có hiệp hội người khiếm thị, khiếm thính... được đưa vào Luật, được bảo trợ, hỗ trợ. Ở một số địa phương cũng đã có những ngôi trường dành cho trẻ Khuyết tật như trường Nguyễn Đình Chiểu. Bởi vậy trẻ tự kỷ cũng nên được hy vọng, kỳ vọng nhận được tình yêu thương, sự quan tâm nhiều hơn từ các cấp chính quyền và tất cả cộng đồng.
Mong rằng, với sự lan tỏa từ ngày hội “Vòng tay yêu thương” lần thứ IV này, trẻ tự kỷ sẽ có thêm nhiều cơ hội và hy vọng mới.
Minh Phương Trần
(Lớp BCK12, Cao đẳng Phát thanh Truyền hình)