Cứ vào những ngày giáp tết mà về Thôn Bãi, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai (Hà Nội) thì nhà bác Lê Đức Giáp lại trở nên đông vui, tấp nập kẻ bán người mua. Những chậu cây ngũ quả sặc sỡ sắc màu, những chậu bưởi vàng chi chít quả được nhiều người đến lựa chọn. Từ thế cây cho đến cách sắp xếp, bố trí từ hoa cho đến quả luôn được bác Giáp thực hiện uốn ắn kỳ công, tỉ mỉ. Đối với nhiều người không hiểu về kỹ thuật chăm cây thì không biết chứ để tạo ra một chậu cây ngũ quả là cả một nghệ thuật. Nghe thì tưởng chừng đơn giản nhưng để thực hiện thì lại là cả một nghệ thuật.
Đôi tay tài ba của lão nông “hô biến” năm giống quả trên cùng một cây
Nhớ về những ngày đầu khi mới tập làm cây ngũ quả, bác Giáp chia sẻ: “Sau khi thành công với kỹ thuật trồng cam, vào độ những năm 2005, 2006 tôi nảy ra ý định trồng cây ngũ quả. Gốc chính tôi chọn là gốc cây cam làm cây trổ để ghép, chọn 5 loại quả là bưởi, phật thủ, cam, quất và quýt - tượng trưng cho "mâm ngũ quả" ngày Tết để ghép lên cây. Tuy nhiên, năm đầu tiên của tôi đã thất bại nặng nề vì chưa hiểu được đặc tính của mỗi loại quả. Sau nhiều lần thất bại, cũng đã đi tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm từ nhiều nơi, cho đến năm 2009, tôi đã nắm bắt được cách làm. Thời điểm khi cây bắt đầu ra hoa đúng vụ, quả ghép vào cây thành công, có những ngày tôi ở miết ngoài vườn không về nhà, người nhà gọi thế nào tôi cũng không về bởi vì vui quá.” Nói đến đây, bác Giáp vừa cười vừa nói: “ Thời điểm ấy gia đình còn nghĩ tôi bị khùng nữa!”
Vườn cây ngũ quả nhà bác Giáp lúc nào cũng ngập tràn sắc vàng của quả, sắc xanh mởn của lá độ giáp Tết
Chia sẻ về kỹ thuật trồng cây, bác nói thêm: “Để có thể ra một sản phẩm cây ngũ quả hoàn chỉnh thì một năm phải có đến 3 – 4 lần ghép. Vào tháng 5, tháng 6 ghép quả bưởi, tháng 7, 8 ghép cam, quýt còn tháng 10, 11 ghép quất, phật thủ để làm thế nào đó đến tết phải có 5 loại quả phục vụ cho sinh hoạt Tết. Tuy nhiên, từ 5 loại quả chính thì bác đã tiếp tục nghiên cứu và ghép thêm nhiều loại quả họ nhà cam nhưng màu sắc bắt mắt và thu hút hơn. Ví dụ như cam: canh vinh màu vàng, cam đường màu đỏ,… Còn về bưởi thì có bưởi đỏ, bưởi vàng, bưởi da xanh.”
Bác Lê Đức Giáp luôn tự hào với vườn cây ngũ quả của gia đình.
Về ý nghĩa của loại cây ngũ quả thì ngay từ cái tên cũng phần nào gợi lên ý nghĩa của giống cây này, ngũ quả chính là năm loại quả thường được đặt lên mâm bồng để dâng lên tổ tiên trong ngày tết. Không chỉ vậy, cây ngũ quả cũng thể hiện sự quần tụ, xum vầy của ngày tết đối với các thành viên trong gia đình, tất cả sum họp đón năm mới tại gia đình. Như vậy đối với những cây cảnh đã sum xuê lộc, lá lại có nhiều quả thì lại càng trọn vẹn hơn. Cũng chính bởi ý nghĩa như vậy mà cây ngũ quả vẫn luôn là loại cây được rất nhiều người chơi cây cảnh dành nhiều sự quan tâm đặc biệt.
Không tự hài lòng với chính bản thân mình
Không tự hài lòng với thành quả mình đạt được, mỗi năm, bác Giáp luôn cố gắng cải thiện giống quả, tạo ra những thế cây đẹp hơn, kiểu dáng bắt mắt hơn. So với các năm trước, theo bác Giáp đánh giá, năm nay thế cây, các loại quả được sắp xếp có phần đẹp hơn, nổi trội hơn so với các năm trước còn về giống cây thì vẫn là cây ngũ quả là chính.
Để cung ứng ra thị trường thì năm nào gia đình cũng tạo ra khoảng 100 cây ngũ quả. Chủ yếu là khách quen, ngoài ra còn có một số khách ngoại tỉnh, thậm chí là khách miền Nam cũng đặt cây, như năm ngoái, trong miền Nam cũng vận chuyển từ 27 – 30 cây từ vườn nhà bác Giáp vào Nam. Ngoài cây ngũ quả thì gia đình bác còn có một số loại cây trồng phục vụ tết như cây cam canh, cây bưởi. Nhưng tùy theo sở thích của từng người mà có thể lựa chọn cây chơi tết cho phù hợp.
Ngoài xu hướng chơi cây ngũ quả thì mội số gia đình còn thích chơi cây bưởi cảnh.
Hiện tại, bác Giáp định cung ứng ra ngoài thị trường khoảng hơn 200 cây cảnh và đến thời điểm này đã có rất nhiều người đến xem và lựa chọn cây. Xu hướng năm nay thì bác làm cây cảnh nhỏ thay vì những cây to như những năm trước. Một phần là do tiện cho quá trình di chuyển cây, thứ hai là do tâm lý mua cây của người dùng cũng có phần thay đổi. Theo đó, năm nay giá bán cây cảnh từ 1,5 triệu đồng – hơn 10 triệu đồng/ cây.
Để đảm bảo an toàn với người cũng như chất lượng quả được đảm bảo, bác Giáp đã tự sáng chế ra một loại thuốc trừ sâu an toàn và thân thiện với môi trường từ chính những nguồn nguyên liệu tự nhiên: Gừng, ớt, tỏi, quế,thuốc lào, lá xoăn,… và một số loại nguyên liệu khác. Khi sử dụng hỗn hợp này lên, cây sẽ sạch bệnh mà lại vô cùng an toàn với người dùng. Do vậy mà bác Giáp luôn tự tin khẳng định rằng: “Quả trên cây trồng của gia đình mình sạch 100% mà lại rất an toàn với người sử dụng.”
Người đi truyền nghề không hề nghĩ đến tiền công
Khi đã thành công với cách trồng cây ăn quả cho nhiều thành phẩm, “tiếng lành đồn xa” bác Giáp đã được rất nhiều người dân xung quanh cũng như các tỉnh tìm về để học hỏi kinh nghiệm cũng như mong muốn ông truyền dạy cho các kỹ thuật. Không hề có ý định giấu nghề, hễ cứ ai gọi điện hỏi cách làm hay nhờ ông đi đến tư vấn thì ông lại đi.
Bác Giáp tâm niệm rằng: “Tôi đi giúp đỡ bà con cũng vì cái tâm, ngày trước lúc mới vào nghề cũng có rất nhiều người đến giúp, thì bây giờ khi đã thành công, tôi cũng mong muốn giúp đỡ, chia sẻ với bà con. Dù bận đến đâu thì bận nhưng việc ông giúp bà con thì vẫn phải giúp”.
Có những lần bác đi giúp đỡ bà con ở Cao Phong, Kim Bôi (Hòa Bình), Tuyên Quang đến hàng tháng không về, chỉ khi nào người dân ở đó làm được, hiểu được thì bác mới yên tâm về. Nhưng không bao giờ bác lấy một đồng tiền công nào, bác Giáp đi vì cái tâm, vì mong muốn giúp người chứ không phải vì thù lao, vì tiền công bác mới đi. Bác Giáp cũng chia sẻ thêm: “Thay vì những đồng tiền công sau mỗi lần đi truyền dạy cho bà con thì tôi lại nhận được những kinh nghiệm, những cách truyền mới cũng như những kiến thức về địa lý để bây giờ tôi đã tích lũy được cho mình rất nhiều những kinh nghiệm về các mẫu đất, về những cách làm hay – Đó là điều quý giá gấp vạn lần”.
Và cho đến thời điểm hiện tại, với những thành quả cũng như những kinh nghiệm mà bác Giáp truyền lại cho bà con nông dân, điều bác nhận lại được lớn nhất chính là những tấm bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Nhà nước và của địa phương, công nhận những đóng góp to lớn của bác.
Dưới đây là ghi nhận của phóng viên báo Thiếu niên Tiền Phong về vườn cây của gia đình ông Giáp trong những ngày giáp Tết:
Vườn cây ngũ quả còn xanh của nhà bác Giáp trước dịp Tết nguyên đán một tháng rưỡi.
Không chỉ có cây ngũ quả, những chậu bưởi cũng rực rỡ không kém dưới nắng mùa đông.
Nam Phương