Đồng hồ sinh học

Chu Hải
TNTP - Các bạn thân mến, cơ thể chúng ta có một chiếc “đồng hồ” đặc biệt để kiểm soát giờ đi ngủ, thức dậy, ăn uống và thích nghi với chu kỳ sáng, tối của ngày, đêm…

Nó thường được ví von là đồng hồ sinh học, nhịp điệu sinh lý hay vòng tuần hoàn sinh học 24 giờ của cơ thể. Bạn đã biết những điều gì về chiếc đồng hồ bí ẩn này? Hãy cùng TNTP khám phá nhé!

Mọi sinh vật sống đều có các chu kỳ hoạt động hằng ngày, được điều khiển bởi hệ thống kiểm soát giờ giấc bên trong cơ thể. Nếu ở thực vật, hệ thống này giúp cây cối tăng trưởng thì ở con người, đồng hồ sinh học giúp điều hòa các thay đổi về huyết áp, thân nhiệt và sự tỉnh táo… vào các thời điểm trong ngày.

Đồng hồ sinh học đưa ra những quyết định dựa trên tín hiệu thu được của các cơ quan cảm nhận ánh sáng nằm phía sau nhãn cầu. Ánh sáng chúng ta nhìn thấy sẽ được truyền qua dây thần kinh thị giác để tới một số phần của não, trong đó có tuyến tùng. Ban ngày, khi xuất hiện nhiều ánh sáng, tuyến tùng sẽ sản xuất ít melatonin. Vào ban đêm, khi có ít ánh sáng, tuyến tùng sẽ sản xuất nhiều melatonin hơn. Melatonin chính là hoóc - môn giúp bạn nhanh chóng đi sâu vào giấc ngủ.

Qua nghiên cứu, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, nếu tìm được sự đồng điệu giữa các hoạt động thường ngày với đồng hồ sinh học của cơ thể thì hiệu quả làm việc sẽ ở mức cao nhất. Ví dụ, khoảng thời gian 10 - 12 giờ trưa là thời điểm não bộ hoạt động tốt nhất, khiến sự tư duy và tập trung đạt được hiệu quả tối đa trong ngày.

Tác hại của rối loạn đồng hồ sinh học

Khi sinh hoạt điều độ, các cơ quan trong cơ thể sẽ dần đi vào nhịp hoạt động ổn định. Nhưng khi bạn ngủ quá nhiều hay không đúng giờ giấc thì sẽ làm rối loạn đồng hồ sinh học, khiến các hệ cơ quan bắt đầu “loạn nhịp”, hoạt động kém hiệu quả, từ đó gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe.

Giảm trí nhớ

Nếu thường xuyên thức đêm - ngủ ngày, bạn sẽ dễ gặp phải các triệu chứng như: đau đầu, khó tập trung… Đây chính là tác hại của việc ngủ - nghỉ không đúng giờ giấc. Bởi việc ngủ ban ngày khiến não tiêu hao nhiều oxy hơn, dễ rơi vào tình trạng “thiếu dinh dưỡng” và mất cân bằng hoóc - môn.

Cơ thể thường xuyên mệt mỏi

Việc ngủ sai giờ sinh học có thể khiến bạn ngủ không sâu giấc, ngủ ít đi hoặc thời gian ngủ bị kéo dài. Điều này làm cho cơ thể uể oải, thiếu năng lượng và cơ bắp không được thư giãn. Không chỉ thế, nó còn khiến máu chậm lưu thông, gây ra tình trạng mệt mỏi, cơ thể ê ẩm khó chịu, chân tay đau nhức...

Ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa

Ngủ nghỉ không đúng giờ giấc hay thời gian ngủ thất thường khiến thời gian dùng các bữa ăn trong ngày của bạn có thể bị sớm hơn hoặc muộn đi so với thường lệ. Việc này làm cho đường tiêu hóa bị co thắt, gây rối loạn chức năng của hệ tiêu hóa, dẫn đến các bệnh về dạ dày, đường tiêu hóa. Ngoài ra, nó còn là nguyên nhân khiến bạn mắc phải các triệu chứng như: chán ăn, khó tiêu hóa…

Thiết lập lại đồng hồ sinh học

Những ngày nghỉ hè, chúng ta không phải dậy sớm đi học nên thường làm “cú mèo” thức đêm hay ngủ nướng vào buổi sáng. Điều này sẽ gây xáo trộn nhịp sinh hoạt thông thường khi chúng ta trở lại trường học. Làm thế nào để đồng hồ sinh học quay về giờ giấc quy củ như trước? Thỏ Thông Thái sẽ mách bạn một số bí kíp hữu ích sau:

- Bạn hãy cài đồng hồ báo thức hay nhờ bố mẹ gọi dậy đúng giờ. Tốt nhất trong những ngày nghỉ, không chỉ nghỉ lễ mà cả cuối tuần như: thứ Bảy, Chủ nhật, chúng ta vẫn duy trì giờ thức dậy - đi ngủ như những ngày bình thường để không bị rối loạn giờ giấc.

- Để khi thức dậy không có cảm giác cần “nướng” thêm trên giường, bạn hãy ngay lập tức ra khỏi vùng bóng tối. Bởi ánh sáng sẽ giúp bạn trở nên tỉnh táo hơn. Đi bộ hay tập thể dục cũng là cách khiến bạn sảng khoái hơn và hết buồn ngủ đấy.

- Hãy coi trọng giờ đi ngủ của bạn vì giấc ngủ sâu, chất lượng sẽ giúp bạn khỏe mạnh và tỉnh táo hơn rất nhiều! Tuy nhiên, để làm được điều này, trước khi đi ngủ, bạn không nên uống các chất kích thích như: nước có ga, cà phê… Và bạn cũng không nên đùa giỡn quá nhiều để tránh bị mệt, làm bạn khó chìm sâu vào giấc ngủ.

- Cuối cùng, bạn phải hình thành được ý thức tự giác. Bởi dù có nhiều bí kíp hay thế nào đi nữa nhưng nếu không tự giác thực hiện thì đồng hồ sinh học cũng sẽ không hoạt động theo như mong muốn của bạn đâu.

TRẦN DUNG
(Ảnh: Đồ họa, Internet)

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Đồng hồ sinh học tại chuyên mục Thuốc - Bác Sỹ của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Thuốc - Bác Sỹ khác