Ghé thăm "quê hương" của mèo máy Doraemon huyền thoại

hoaithu
Ít ai biết rằng ngôi làng cổ kính, trang nghiêm được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1995, lại cũng là nơi tác giả Fujiko F. Fujio "thai nghén" những tập truyện Doraemon đầu tiên.

Doraemon - cái tên từ lâu đã là một biểu tượng không thể thay thế của người dân Nhật Bản. Và có lẽ ngay trong số chúng ta thôi, cũng không ít người có một tuổi thơ gắn liền với hình ảnh chú mèo máy màu xanh mập ú, trông như con lật đật này.

Và nếu đã là "fan cuồng" của Doraemon, chắc hẳn bạn sẽ nhớ về một câu chuyện khá nổi tiếng trong những tập đầu, khi tác giả Fujiko quyết định cho cậu nhóc hậu đậu Nobita mắc kẹt tại một thung lũng bỏ hoang đầy những ngôi nhà cổ.

Ít ai biết rằng, bối cảnh sáng tác mẩu truyện được dựa trên một ngôi làng hoàn toàn có thực. Đó là Shirakawa-go - một ngôi làng mang nét đẹp kiến trúc như trong cổ tích của người Nhật Bản.

Kiểu kiến trúc đặc biệt của ngôi làng đã tạo cảm hứng cho một số tập truyện Doraemon của tác giả Fujiko F. Fujio. Thậm chí, đã từng có tin cho rằng Fujiko nghĩ ra Doraemon khi đang sống trong một căn nhà tại đây. Và nếu điều đó là đúng sự thật, thì làng Shirakawa-go có thể coi là quê hương của Doraemon.

Shirakawa-go - ngôi làng của những giấc mơ

Làng Shirakawa-go nằm ở tỉnh Gifu thuộc miền Trung Nhật Bản, là một trong 2 ngôi làng cổ của Nhật Bản vẫn còn giữ lại được kiểu kiến trúc Gasshō-zukuri truyền thống, thể hiện qua hơn 100 ngôi nhà cổ tại đây.

Do đặc điểm địa lý, làng Shirakawa-go luôn phải chịu khí hậu khắc nghiệt. Mùa đông ở đây rất lạnh, với tuyết rơi phủ kín làng trong suốt 3 tháng. Nhưng cũng nhờ những ngôi nhà kiểu Gasshō-zukuri, ngôi làng không những giữ được nét cổ kính thời xưa, đồng thời lại hoàn toàn ấm cúng.

Một ngôi nhà theo kiểu kiến trúc cổ của Nhật Bản.

Chính kiến trúc này sẽ giúp bạn hiểu được sự khoa học và mực thước của người Nhật từ hàng trăm năm trước.

Đặc điểm của nó rất khó lẫn: có một mái được lợp bằng rơm, một chóp mái cao gồm 1-2 tầng. Lớp rơm dày tới 40 - 80 cm nhằm chống lại sự khác nghiệt của thời tiết, và quả thực nó giúp giữ ấm cho căn nhà một cách đáng kể.

Bên dưới lớp rơm và lá dày ấy là hàng trăm những thanh xà gỗ to, được bện vào nhau bằng dây thừng. Số gỗ ấy đã được tính toán một cách khoa học, vì sức nặng của mái lá là không nhỏ, cộng thêm trọng lượng do tuyết phủ dày đặc trong suốt nhiều tháng mùa đông.

Mái nhà được bện bằng nhiều thanh xà gỗ buộc dây thừng.

Tuy nhiên trong suốt 3 tháng tuyết phủ, lớp mái này cũng bị bào mòn. Vậy nên, người dân ở đây sẽ phải thay mới lớp mái theo từng năm, và quy trình ấy đến nay vẫn được bảo tồn một cách nguyên vẹn.

Mùa đông tại làng Shirakawa-go chìm trong băng tuyết và có thể ngập đến tận mái.

Những ngôi nhà này cũng được bài trí một cách cực kỳ truyền thống. Một gian nhà như vậy sẽ có 3 tầng. Tầng đầu tiên là kiến trúc truyền thống của Nhật, gồm phòng khách, phòng đọc, gian thờ...


Đến tầng thứ 2 là nơi cất đồ khô. Đây cũng là nơi những sinh hoạt của gia đình như nấu nướng hay các hoạt động thủ công được thực hiện.

Và tầng thứ 3 là tầng áp mái cao nhất, cũng là nơi có kiểu thiết kế xà gỗ bện thừng như vừa nêu.


Được biết, ngôi làng này đã xuất hiện từ thế kỷ 11, nhưng để tính độc nhất của nó được giữ lại nguyên vẹn, chính phủ Nhật đã phải dồn nhiều công sức và tiền bạc vào đây. Năm 1995, ngôi làng được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, và trở thành một trong những địa điểm hút khách du lịch nhất của Nhật Bản vào thời điểm hiện tại.

Cùng ngắm nhìn thêm một số hình ảnh về làng Shirakawa-go, để biết rằng thế giới vẫn còn những "tiên cảnh" đẹp đến nhường ấy.

Theo Trí thức trẻ

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Ghé thăm "quê hương" của mèo máy Doraemon huyền thoại tại chuyên mục Khám Phá của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Khám Phá khác

Trái Đất nặng tới mức nào?

Giới chuyên gia mất hàng trăm năm để ước tính khối lượng Trái Đất và cho tới nay vẫn chưa thống nhất về con số chính xác.