Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai, khu vực biên giới hiện có 21 trường học từ mầm non đến trung học phổ thông, phục vụ tổng cộng 10.323 học sinh. Trong số đó, hơn 7.100 học sinh có nhu cầu học nội trú hoặc bán trú. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, tỉnh cần xây mới, bổ sung và hoàn thiện khoảng 406 phòng học và phòng chức năng, với tổng mức đầu tư ước tính hơn 378 tỉ đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh, việc xây dựng hệ thống trường nội trú, bán trú tại các xã vùng biên không chỉ là giải pháp thiết thực nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, mà còn thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Trung ương đối với sự nghiệp giáo dục tại miền núi, biên giới. Chủ trương này cũng phù hợp với tinh thần Thông báo số 81-TB/TW ngày 18/7/2025 của Bộ Chính trị về đầu tư phát triển hệ thống trường học tại các xã biên giới.

Để triển khai hiệu quả, Chủ tịch tỉnh yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương nhanh chóng rà soát và điều chỉnh quy hoạch xây dựng trường nội trú, bán trú tại 7 xã trên. Các vị trí quy hoạch cần đảm bảo yếu tố an toàn, có đủ không gian cho học tập và sinh hoạt, nằm gần trung tâm dân cư và đáp ứng được nhu cầu sử dụng ổn định trong vòng 5 đến 10 năm tới.
Sở Giáo dục và Đào tạo được giao phối hợp chặt chẽ với Sở Tài chính và UBND các xã để đánh giá thực trạng, đề xuất phương án đầu tư phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Mục tiêu là đến năm học 2026-2027, toàn bộ học sinh tại vùng biên giới sẽ được học trong các ngôi trường khang trang, kiên cố và đầy đủ thiết bị dạy học.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành liên quan tích cực hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống trường học tại vùng biên. Đây không chỉ là bước đi quan trọng nhằm nâng cao dân trí, mà còn góp phần ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững an ninh biên giới của tỉnh Gia Lai.