Giải pháp nào giúp học sinh vượt qua tâm lý tiêu cực do Covid-19 khi trở lại trường

An Hảo
Tin giáo dục hôm nay – Khi tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh quay lại trường, bên cạnh các biện pháp an toàn thì việc hỗ trợ tâm lý cho học sinh yên tâm học tập cũng rất quan trọng.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 chưa thể đẩy lùi hoàn toàn trong một sớm một chiều, việc xác định sống chung với dịch bệnh và phòng chống an toàn bằng việc tiêm phòng vắc-xin kết hợp với các biện pháp khác đang là giải pháp trước mắt hiện nay. Việc Bộ GD&ĐT và toàn xã hội quyết tâm mở cửa trường, từng bước cho học sinh đi học trực tiếp trở lại đang là một vấn đề quan trọng có ý nghĩa thiết thực. 

Giải pháp nào giúp học sinh vượt qua tâm lý tiêu cực do Covid-19 - Ảnh 1

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là bên cạnh việc đề ra các biện pháp an toàn trong phòng chống dịch bệnh Covid-19 học đường thì vấn đề ổn định tâm lý cho học sinh yên tâm học tập cũng là điều quan trọng mà ngành giáo dục cần đặc biệt quan tâm.
Giúp học sinh vượt qua cảm xúc tiêu cực, lo lắng về dịch bệnh Covid-19 
Để học sinh quen dần với việc học trực tiếp, bỏ qua các vấn đề lo lắng về dịch bệnh Covid-19 thì các thầy cô cần tìm hiểu những vấn đề các em đang gặp phải để có phương án hỗ trợ kịp thời.
Theo kết quả nghiên cứu của nhóm giảng viên Trường Đại học Giáo dục (ĐHQGHN), việc học online kéo dài gây tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần của học sinh, bao gồm: Thiếu đi những hoạt động giáo dục khác ở trường, thiếu sự tương tác thường xuyên giữa những bạn học, các tiếp xúc bị hạn chế, các hoạt động ngoại khóa phải tạm dừng…

Giải pháp nào giúp học sinh vượt qua tâm lý tiêu cực do Covid-19 - Ảnh 2

Học online, phần lớn học sinh đều ở nhà một mình không có cơ hội và điều kiện tiếp xúc với mọi thứ xung quanh. Điều này khiến cho trẻ cảm thấy hụt hẫng, mệt mỏi, cô đơn, căng thẳng …. nhiều học sinh nhàm chán, không có hứng thú học. Nhiều em không nghe thầy cô giảng bài mà tắt camera, tắt micro…thậm chí vào những trình duyệt web không lành mạnh.
Việc dành quá nhiều thời gian trên internet gây ảnh hưởng tiêu cực đến các vấn đề về cảm xúc và hành vi của trẻ. Trẻ dễ bị bốc đồng, dễ nổi cáu, lộn xộn trong giờ giấc sinh hoạt, phát triển thói quen ngủ thất thường.
Chuyên gia tâm lý Phạm Mạnh Hà - giảng viên Trường Đại học Giáo dục (ĐHQGHN) - cho rằng, với những vấn đề tâm lý liên quan đến học tập, giáo viên cần hướng dẫn học sinh cách suy nghĩ tích cực; chủ động mở lòng chia sẻ với thầy cô, cha mẹ, người thân về khó khăn của mình để nhận được sự trợ giúp.
Trong các giờ học căng thẳng, giáo viên có thể tổ chức cho học sinh vận động nhẹ nhàng, hít thở thật sâu để thư giãn; cho học sinh có quãng nghỉ để thay đổi tư thế, không ngồi quá lâu trước màn hình dẫn đến mỏi mắt, căng thẳng. 
Đặc biệt, giáo viên cần định hướng học sinh không nên tìm hiểu những thông tin quá sâu liên quan đến tình hình dịch bệnh Covid-19 để tránh tâm lý hoang mang, căng thẳng và lo lắng trước thời điểm chuẩn bị mở cửa trường đi học trực tiếp trở lại.
Bên cạnh đó, giáo viên có thể hướng dẫn học sinh thư giãn bằng cách là những việc bản thân yêu thích như đọc truyện, nghe nhạc, xem phim hài…khi có vấn đề gì lo lắng thì nên chia sẻ với bố mẹ, thầy cô hoặc bạn bè, không nên giữ trong lòng và chịu đựng một mình.
Xây dựng các thói quen sinh hoạt lành mạnh như ăn ngủ, học bài đúng giờ và khoa học. Tập thể dục ít nhất 1 lần vào buổi sáng và chiều giúp cơ thể xua tan mệt mỏi, uể oải khi học trực tuyến ở nhà.
Kịp thời hỗ trợ học sinh khi quay trở lại trường
Sau thời gian học trực tuyến kéo dài, chắc chắn nhiều học sinh đã “quên dần” thói quen đến trường. Dó đó, khi chuẩn bị tổ chức dạy học trực tiếp, nhà trường cần tổ chức tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho học sinh. Hướng dẫn các em thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn khi chuyển trạng thái từ học trực tuyến, sang học tập trực tiếp tại trường.
Theo chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (ĐHQGHN), lần quay lại trường học này sẽ rất khác so với khi học sinh nghỉ học phòng dịch ở những thời gian trước, khi mà thời gian quá dài. Có thể, những ngày đầu tiên trở lại trường, các em sẽ rất hào hứng nhưng sau đó là tâm lý lo lắng khi đối mặt với nhiều nỗi lo như không quen với việc học, những bất ổn về tâm lý khi gia đình trải qua những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Giải pháp nào giúp học sinh vượt qua tâm lý tiêu cực do Covid-19 - Ảnh 3

Vì vậy, chuyên gia Trần Thành Nam cho rằng, điều đầu tiên liên quan đến việc mở cửa trường để đón học sinh đi học trở lại, lãnh đạo các địa phương cần cân nhắc trên cơ sở khoa học những lợi ích và nguy cơ về mặt giáo dục, y tế công cộng và kinh tế - xã hội để đưa ra quyết định phù hợp và thấu cảm với niềm tin và suy nghĩ của cộng đồng, các bậc phụ huynh.
Chuyên gia Trần Thành Nam cũng chia sẻ: Trước khi trở lại trường, cha mẹ nên chuẩn bị cho con một thời gian thích ứng với hoạt động mới ở trường, giúp con hiểu đúng về tình hình thực tế hiện nay và có cảm giác an toàn khi đi học trở lại. Trước khi quay trở lại trường học trực tiếp cần phải giảm tải học online, thiết lập lại lịch ăn, ngủ phù hợp. Bố mẹ có thể giúp con tổ chức lại góc học tập và cập nhật các thông tin liên quan đến việc trở lại trường như một hành động “lên dây cót” tinh thần cho trẻ.
Về phía nhà trường và giáo viên, trong tuần đầu tiên học sinh quay trở lại trường, cần nới lỏng để học sinh thích ứng lại với cuộc sống học tập ở trường. Giáo viên không nên chỉ quan tâm đến việc đuổi kịp chương trình giảng dạy mà có thể chỉ dạy một nửa khối lượng kiến thức theo lịch trình, sau đó dành thời gian cho các hoạt động giao lưu và giáo dục ngoài giờ lên lớp.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Giải pháp nào giúp học sinh vượt qua tâm lý tiêu cực do Covid-19 khi trở lại trường tại chuyên mục Học đường của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Học đường khác

Việc làm tốt của Nhật Phương

Trong lớp 4A, trường Tiểu học Ngọc Liệp (huyện Quốc Oai, Hà Nội), cô bạn Bùi Nhật Phương nổi bật với vẻ ngoài xinh xắn, giọng nói nhỏ nhẹ, thân thiện.