![Toàn cảnh lễ hội Văn hóa dân gian 2025 của trường THCS Thăng Long (Ba Đình - Hà Nội) Toàn cảnh lễ hội Văn hóa dân gian 2025 của trường THCS Thăng Long (Ba Đình - Hà Nội)](https://medianews.thieunien.vn/uploads/2025/01/26/3-1737881102.jpg)
Khai mạc chương trình, thầy Phan Dân, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ thông điệp lễ hội gửi gắm: Lễ hội Văn hóa dân gian năm nay hướng về Hà Nội, mảnh đất kinh kỳ. Một không gian văn hóa rực rỡ sắc màu sẽ được tái hiện với tinh hoa ẩm thực, ngôi nhà ngày Tết, làng nghề truyền thống, làn điệu dân ca, trò chơi dân gian…sẽ giúp học sinh thêm hiểu và yêu Hà Nội, yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam tươi đẹp, giàu truyền thống”.
Tại ngày hội, học sinh và phụ huynh đã được chiêm ngưỡng và tìm hiểu về nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng của như: làng thêu Quất Động, cốm Làng Vòng, gốm Bát Tràng, nón Làng Chuông, lụa Vạn Phúc… Các gian hàng đều được bài trí tỉ mỉ không chỉ gây ấn tượng về thẩm mỹ mà còn truyền tải những câu chuyện đậm chất lịch sử và văn hóa.
![Hoạt động giao lưu nghệ thuật sân khấu Hề Chèo ý nghĩa. Hoạt động giao lưu nghệ thuật sân khấu Hề Chèo ý nghĩa.](https://medianews.thieunien.vn/uploads/2025/01/26/1-1737881066.jpg)
Cô Đào Hà Lan, giáo viên chủ nhiệm lớp 8A5, chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn mỗi gian hàng không chỉ mang đến kiến thức mà còn khơi gợi tình yêu truyền thống cho các bạn học sinh. Năm nay, lễ hội Văn hóa dân gian có sự đổi mới trong chủ đề, các khối lớp đã cùng nhau tìm hiểu, thiết kế gian hàng và trở thành những người kể chuyện. Chúng tôi mong rằng văn hóa dân tộc sẽ thấm nhuần vào mỗi học sinh và lan tỏa mạnh mẽ”.
![Nghệ nhân nón làng Chuông giới thiệu quy trình làm nón đến học sinh. Nghệ nhân nón làng Chuông giới thiệu quy trình làm nón đến học sinh.](https://medianews.thieunien.vn/uploads/2025/01/26/7-1737881285.jpg)
Đặc biệt, tại gian hàng nón Làng Chuông, bà Đỗ Thị Trĩ, nghệ nhân 79 tuổi, đang cần mẫn trong từng đường kim, mũi chỉ. Bà vừa nhanh nhẹn hoàn thiện chiếc nón lá vừa chia sẻ: Nghề làm nón là nghề truyền thống, bà đã gắn bó với nghề từ khi mới 5 tuổi, 7 tuổi đã bắt đầu làm những công đoạn đơn giản. Hôm nay, được đến lễ hội và trực tiếp hướng dẫn cho các bạn học sinh, đây là niềm hạnh phúc của một nghệ nhân”.
![Ban Giám hiệu chụp ảnh cùng tiết mục văn nghệ ấn tượng của ngày hội. Ban Giám hiệu chụp ảnh cùng tiết mục văn nghệ ấn tượng của ngày hội.](https://medianews.thieunien.vn/uploads/2025/01/26/2-1737881178.jpg)
Niềm vui cũng hiện rõ trên khuôn mặt từng bạn học sinh khi chứng kiến thành quả lao động của mình được trưng bày. Bạn Phạm Minh Anh, học sinh lớp 9A4, hân hoan chia sẻ: “Ngày hội giúp chúng tớ không chỉ hiểu thêm về các làng nghề mà còn tự hào về những giá trị truyền thống của dân tộc. Chúng tớ rất vinh dự khi được tìm hiểu và giới thiệu với các bạn về làng nghề thêu Quất Động. Qua hoạt động này, chúng tớ nhận thức được trách nhiệm gìn giữ và phát triển văn hóa dân tộc của mỗi học sinh”.
![Bạn Phạm Minh Anh giới thiệu câu chuyện về làng thêu Quất Động qua gian hàng trưng bày. Bạn Phạm Minh Anh giới thiệu câu chuyện về làng thêu Quất Động qua gian hàng trưng bày.](https://medianews.thieunien.vn/uploads/2025/01/26/5-1737881232.jpg)
Lễ hội Văn hóa dân gian 2025 của trường THCS Thăng Long không chỉ là hoạt động học tập văn hóa đối với học sinh, mà còn là cầu nối gắn kết tình yêu truyền thống giữa các thế hệ. Với sự tâm huyết và nỗ lực của tập thể thầy và trò nhà trường, văn hóa truyền thống trong lớp trẻ thời đại mới sẽ nảy mầm và phát triển rực rỡ.
![Thầy Hiệu trưởng (giữa) cùng các cô giáo bên gian hàng lễ hội. Thầy Hiệu trưởng (giữa) cùng các cô giáo bên gian hàng lễ hội.](https://medianews.thieunien.vn/uploads/2025/01/26/4-1737881204.jpg)