Giáo dục âm nhạc - Môn học chưa thực sự được coi trọng trong nhà trường?!

Phan Thoa
Phải chăng vì thiếu vắng các bài hát mới trong giáo dục âm nhạc mà các bạn học sinh lại thích những bài hát không phù hợp với lứa tuổi của mình?!

Qua 15 năm thực hiện đưa âm nhạc vào Tiểu học và THCS đã góp phần nâng cao dân trí, giúp học sinh hiểu thêm nhiều kiến thức về đất nước, con người… thông qua các bài hát, âm nhạc thường thức. Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Thị Tố Mai- giảng viên Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương bên cạnh cái hay, cái lợi cũng có mặt dở, mặt không tích cực và nếu như không được giáo dục lứa tuổi học sinh phổ thông sẽ khó có thể có định hướng đúng đắn.

Hiện tượng các học sinh tại một trường Tiểu học ở Hà Nội thuộc và đồng thanh say sưa hát bài “Chắc ai đó sẽ về” của Sơn Tùng MTP viết cho lứa tuổi thanh niên, có những lời ca về tình yêu “anh xa em quá, em xa anh quá” cho chúng ta suy nghĩ: Tại sao lại như vậy? Phải chăng vì thiếu vắng các bài hát mới trong giáo dục âm nhạc mà các em lại thích những bài không hợp lứa tuổi của mình?!

Có nhiều nguyên nhân cho vấn đề trên do sáng tác của các nhạc sĩ khá nhiều nhưng lại ít được hoặc không đến được với thiếu nhi. Có lẽ bởi tại bây giờ người ta ít nghe đài, chủ yếu xem tivi mà ti vi lại không dạy bài hát thiếu nhi, ít phát các tác phẩm thiếu nhi, ít có chương trình cho thiếu nhi, có chương trình cho thiếu nhi như “Gương mặt thân quen nhí”, “Giọng hát Việt nhí” thì đa số các em lại hát bài của người lớn. Ngoài ra, nhạc sĩ sáng tác xong, in thành quyển riêng của mình, tặng bạn bè là chính, tác phẩm cũng khó đến được với đông đảo quần chúng, họ cũng không thể có điều kiện để dàn dựng và đưa lên mạng bởi khá tốn kém.

Sáng tác cho thiếu nhi khá nhiều nhưng các tác phẩm thật chất lượng, được học sinh và lớp trẻ yêu thích cũng không phải là nhiều. Học sinh phổ thông giờ đây nhờ có mạng internet, các em tự tìm hiểu và nhiều em tỏ ra thích xem nhạc nước ngoài, đặc biệt với loại nhạc có tính chất sôi động, nhảy múa. Không ít em thần tượng “sao” Hàn Quốc, Trung Quốc, “sao” châu Âu… dẫn đến thờ ơ, lạnh nhạt với tác phẩm Việt Nam.

Nhiều em quan tâm đến âm nhạc “ngoại” hơn “nội”. Ai cũng hiểu rằng đó là xu thế toàn cầu hóa, xu thế thời thượng, khó tránh khỏi. Mặt khác, đó cũng không phải là dở mà còn có nhiều mặt tích cực. Song, quan tâm nhạc ngoại đến nỗi thần tượng các “sao” một cách cuồng dại, khóc lóc vật vã khi không được giáp mặt “thần tượng”, bỏ cả ăn học để đi đón “thần tượng”, xin bố mẹ rất nhiều tiền để đi xem “thần tượng”; trở thành phong trào, thành tâm lý bầy đàn… thì quả là điều mà người lớn và các nhà giáo dục âm nhạc chúng ta phải xem xét, suy ngẫm và có biện pháp uốn nắn.

Hiện nay, học sinh phổ thông còn bị học thêm quá nhiều, chương trình học nặng nên ít có thời gian thưởng thức và hoạt động nghệ thuật, thể thao. Điều đó làm các em bị mệt mỏi, phát triển không cân bằng, thậm chí bị stress, nặng hơn nữa là còn tham gia vào những việc làm không tích cực như bạo lực trong nhà trường, đánh nhau mà bao vụ thực tế xảy ra làm chúng ta đau lòng.

Giải quyết những vấn đề vừa nêu trên thực sự không dễ và mang tính vĩ mô. Cần có sự góp sức của toàn xã hội, các bộ, ngành, sở giáo dục, các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh…, đặc biệt là về nhận thức vai trò của giáo dục nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng. Một minh chứng rất rõ về nhu cầu học nghệ thuật được chuyển biến trong các bậc phụ huynh và học sinh là ngày càng nhiều gia đình cho con em học đàn, múa hát ngoài giờ, vào ngày nghỉ và không chỉ có ở thành phố lớn như trước kia mà ngay ở các thị trấn, các tỉnh cũng có nhiều em học thêm âm nhạc.

Theo trang Giáo dục âm nhạc Việt Nam, âm nhạc là môn học có tuổi đời non trẻ, năm 2002 mới được triển khai đại trà trên phạm vi toàn quốc ở các trường Tiểu học và Trung học cơ sở. Dù trước đó, nhiều trường Tiểu học, THCS và có cả một số trường Trung học phổ thông đã tổ chức dạy học Âm nhạc, nhưng phạm vi không rộng, nơi nào có điều kiện thì mới thực hiện.

Hiện nay, nhu cầu được học Âm nhạc của học sinh là rất lớn, ở những trường có giáo viên chuyên về giảng dạy Âm nhạc, hầu hết học sinh đều yêu thích môn học này. Cán bộ quản lí giáo dục và giáo viên các môn khác cũng cho rằng, giáo dục Âm nhạc là cần thiết để cân bằng giữa các nội dung học tập, tránh quá tải và góp phần giáo dục toàn diện cho học sinh ở Việt Nam. Môn Âm nhạc thực sự đã đem lại không khí vui tươi, sôi nổi trong nhà trường, làm học sinh cảm thấy hào hứng hơn trong học tập.

Báo Thanh niên cho hay, để lựa chọn một bài hát đưa vào chương trình giáo dục môn âm nhạc, những tiêu chí được quan tâm hàng đầu bao giờ cũng là: bài hát hay, có giá trị nghệ thuật, đảm bảo tính phổ thông, sự chuẩn mực, tính phù hợp và vừa sức... Khi biên soạn SGK, việc lựa chọn và đề xuất bài hát đưa vào chương trình cũng dựa vào cảm nhận của từng cá nhân và nhóm tác giả. Việc lựa chọn đó có thể đôi khi vẫn phiến diện và chắc hẳn không bao giờ làm hài lòng tất cả mọi người. Còn về mỹ thuật, có những phần làm mẫu nhưng Bộ cũng luôn nhắc nhở giáo viên không vì thế mà bắt buộc HS phải làm đúng theo mẫu, cũng không tạo ra bất cứ áp lực nào cho HS. Giáo dục nghệ thuật hay bất cứ môn học nào thì mọi sự áp đặt đều vô lý.

Minh Anh (tổng hợp)

 

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Giáo dục âm nhạc - Môn học chưa thực sự được coi trọng trong nhà trường?! tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Lịch nghỉ hè 2024 của học sinh 63 tỉnh thành

Hầu hết các địa phương tổ chức bế giảng năm học 2023 - 2024 trước ngày 31/5 và cho học sinh nghỉ hè bắt đầu từ 1/6. Tùy thuộc thời gian bế giảng sớm hoặc muộn hơn, cuối tháng 5, các trường sẽ cho học sinh nghỉ hè.